Theo đó, các ngành hàng trọng điểm là lúa gạo, thủy sản, lâm nghiệp... đều đang chịu sự áp dụng ngày càng nhiều tiêu chí xanh trong sản xuất như: giảm phát thải khí nhà kính, khai thác hợp pháp, có khai báo và tuân thủ quy định các nguồn nguyên liệu...
Xu thế không thể đảo ngược
Vừa qua, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua luật mới cấm nhập khẩu các hàng hóa bị cho là liên quan hoạt động phá rừng, nhằm thúc đẩy nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu. Theo đó, luật mới sẽ được áp dụng với các sản phẩm cà-phê, ca-cao, đậu nành, gỗ xẻ, dầu cọ, thịt gia súc, cao-su... và các sản phẩm phái sinh, từ các nước trên thế giới. Các sản phẩm thuộc nhóm này nếu liên quan tới hành động phá rừng đều sẽ bị cấm nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU). Đạo luật mới của EP sẽ cần các nước thành viên EU thông qua để chính thức có hiệu lực. Khi đó, các công ty lớn sẽ có 18 tháng để thực hiện các quy định trong đạo luật, còn các công ty nhỏ sẽ có 24 tháng. Các công ty vi phạm sẽ bị phạt nặng, có thể chịu mức phạt lên tới 4% doanh thu thường niên tại một nước thành viên EU. Sau khi luật có hiệu lực, các công ty lớn sẽ có 18 tháng thích ứng trong khi các công ty nhỏ có 24 tháng. Trước đó, châu Âu cũng đã xây dựng, thực hiện Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) và Chính sách từ nông trại đến bàn ăn (F2F) đưa ra các tiêu chí nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu sử dụng tài nguyên trong phát triển kinh tế. Trong đó, nội dung chính của F2F bao gồm các mục tiêu cần đạt được vào năm 2030: Giảm 50% việc sử dụng và nguy cơ sử dụng thuốc trừ sâu hóa học; giảm thất thoát chất dinh dưỡng ít nhất 50%; giảm sử dụng phân bón ít nhất 20%; giảm 50% doanh số bán thuốc kháng sinh cho động vật trang trại... Tiêu chuẩn này không chỉ áp dụng riêng với các doanh nghiệp trong khu vực mà châu Âu sẽ tiến đến yêu cầu các nước khác áp dụng tương tự, nếu không sẽ đánh thuế môi trường.
Về phía Việt Nam, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) năm 2021 tổ chức tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), Việt Nam đã đưa ra cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030. Theo đó, phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải carbon thấp.
Về vấn đề tăng trưởng xanh, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho rằng: Nếu trước đây, tiêu chí xanh chỉ được coi trọng ở các phân khúc cao cấp thì nay đã trở thành yêu cầu phổ biến trên mọi phân khúc, mọi thị trường. Các văn bản chính sách và luật của EU cho thấy bản chất mọi quy định đều nhằm bảo đảm các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có nông sản không tiềm ẩn rủi ro gì cho môi trường, người dân... Mặt khác, tần suất ban hành các quy định pháp lý nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh ở châu Âu nói riêng và trên toàn thế giới nói chung ngày càng dày đặc. Như vậy phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu và được thực hành quyết liệt ở các nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Thực tế, thị trường sản phẩm có chứng nhận cũng đã tăng vọt trong vòng 15 năm qua. Vì vậy, nếu doanh nghiệp Việt Nam không tuân thủ tiêu chuẩn xanh thì trong những năm tới sẽ rất khó xuất khẩu hàng hóa. Do đó, cần nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về chuyển đổi xanh và cần có chiến lược định vị để khẳng định Việt Nam là một trong những nguồn cung xanh của thế giới nhằm biến thách thức thành cơ hội cạnh tranh. Đồng thời, hình thành hệ thống quy định của pháp luật về các bộ tiêu chuẩn xanh trong sản xuất, chuỗi cung ứng và chuỗi thương mại, trong đó ưu tiên kinh tế tuần hoàn, phát triển sản phẩm carbon thấp. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình áp dụng tiêu chuẩn xanh, chuyển đổi sản xuất xanh.
Các ngành hàng nỗ lực "chuyển mình"
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Trương Đình Hòe, xu hướng tiêu dùng các mặt hàng thủy sản trên thế giới ngày càng tăng cao, nhất là các sản phẩm gắn với sản xuất xanh. Chính vì vậy, ngành thủy sản Việt Nam đang đi theo lộ trình phát triển xanh, thân thiện với môi trường, giảm khai thác, tăng nuôi trồng để bảo đảm nguồn lợi thủy sản, phấn đấu đến năm 2030 sản lượng nuôi trồng sẽ đạt khoảng 7 triệu tấn/năm trong tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước là 9,8 triệu tấn. Hiện nay 70% nguyên liệu đưa vào chế biến xuất khẩu là từ sản phẩm nuôi trồng, trong đó lớn nhất là tôm và cá tra. Hiện các địa phương cũng đang triển khai nhiều dự án, kế hoạch liên quan đến phát triển xanh. Cụ thể, tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án phát triển thủy sản bền vững trên địa bàn huyện Hòn Đất với tổng diện tích 5.500ha, thực hiện trong vòng 3 năm (2023- 2026), tổng mức đầu tư là 624 tỷ đồng nhằm phát triển ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị, hội nhập quốc tế sâu rộng, thân thiện với môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Tỉnh Cà Mau cũng đang đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo mô hình tôm-rừng; tỉnh Trà Vinh phát triển nuôi tôm-lúa... nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. "Thực tế, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã tiếp cận kinh tế xanh khá sớm. Cách đây 10 năm đã có dự án tôm sinh thái tại Cà Mau, và thời điểm đó sản phẩm tôm từ dự án xuất sang Thụy Sĩ với giá tăng hơn 20% so với sản phẩm thông thường. Từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp quan tâm nhiều đến chứng nhận chất lượng nên các doanh nghiệp xuất khẩu lớn đều đã có các chứng nhận như ASC (chứng nhận sản xuất có trách nhiệm), BAP (thực hành nuôi thủy sản tốt nhất)... Điều này không chỉ đến từ áp lực thị trường mà còn xuất phát từ định hướng của chính các doanh nghiệp nhằm tạo ra sự phát triển lâu dài, bền vững"- ông Trương Đình Hòe nhấn mạnh.
Lúa gạo cũng là ngành hàng đang nỗ lực chuyển đổi xanh để bắt kịp xu thế tiêu dùng chung trên toàn cầu. Nguyên nhân một phần vì đây chính là lĩnh vực đang ghi nhận mức phát thải cao trong ngành nông nghiệp với khoảng 48% lượng khí thải và hơn 75% lượng khí metan. Chính vì vậy, trồng lúa carbon thấp đang được cơ quan chức năng, nông dân và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, phân khúc người tiêu dùng nhạy cảm với carbon ngày càng tăng trên thế giới đang tác động trực tiếp đến thị trường tiêu thụ gạo. Trước thực tế đó, nhiều địa phương đã thực hiện "xanh hóa" việc trồng lúa thông qua hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI). Đây là phương pháp canh tác lúa sinh thái, giảm giống, phân bón, thuốc trừ sâu, tiết kiệm nước tưới nhằm giảm phát thải khí nhà kính nhưng vẫn mang lại hiệu quả và năng suất cao. Là đơn vị kiên trì mục tiêu, sứ mệnh "cùng nông dân phát triển bền vững", trong nhiều năm qua, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời đã tiên phong xây dựng mô hình canh tác lúa gạo bền vững (SPR), thực hành trồng lúa carbon thấp, phát triển mô hình lúa- tôm hữu cơ... Cụ thể, với mô hình canh tác lúa hữu cơ, vụ thu đông năm 2022, từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2022, Công ty đã liên kết với bà con huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau sản xuất trên diện tích 42 ha. Kết quả mô hình đã đạt chứng nhận lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn EU và USDA - NOP (Mỹ). Đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, tham gia mô hình đã giúp bà con nông dân có ý thức trong việc sử dụng giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Từ đó tạo tiền đề hình thành vùng sản xuất lúa hữu cơ tập trung với sản lượng lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường, thực hiện hiệu quả mục tiêu sản xuất, tiêu thụ nông sản gắn với tăng trưởng xanh.