Xuân này, tranh Kim Hoàng về phố

Những tưởng đã là dĩ vãng từ lâu lắm, thì Tết này, tranh Kim Hoàng bỗng nhiên “về phố”, với khoảng 20 mẫu tranh. Ngoài bức “Thần kê” - bức tranh gà nổi tiếng của dòng tranh Kim Hoàng, còn có những bức “Kê cúc”, “Vân kê”… những sáng tác mới theo phong cách nghệ thuật tranh Kim Hoàng. Tranh Kim Hoàng đã thật sự hồi sinh và đang từng bước tìm lại thị trường.

Bức “Thần kê” nổi tiếng của dòng tranh Kim Hoàng.
Bức “Thần kê” nổi tiếng của dòng tranh Kim Hoàng.

Nét riêng một dòng tranh

Chủ nhiệm Dự án khôi phục tranh Kim Hoàng Nguyễn Thị Thu Hòa đang đầu tắt mặt tối để tranh Kim Hoàng chuẩn bị đón xuân. Chỉ vài hôm nữa, tranh Kim Hoàng sẽ được trưng bày ở Hoàng thành Thăng Long, ở Khu phố cổ và bán tại gian hàng tranh dân gian trên “phố ông đồ” Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Năm Đinh Dậu sắp sang, nên bức tranh được nhiều người chú ý là bức Thần kê (dân gian quen gọi là tranh gà). Một bức Thần kê cỡ đại sẽ được trưng bày tại đình Kim Ngân (phố Hàng Bạc). Con gà đi vào nhiều dòng tranh Việt, nhưng bức Thần kê của Kim Hoàng có thể coi là tiêu biểu cho quan niệm con gà trống là biểu tượng cho năm đức tính cao quý (văn, tín, nhân, vũ, dũng) của người quân tử xưa. Con gà được tạo dáng chắc nịch, khỏe khoắn, chiếc mào đỏ kiêu hãnh, tượng trưng cho sự cầu mong học hành đỗ đạt, vẻ vang. Tranh Thần kê được làm theo cặp, mỗi bức lại có một bài thơ. Con gà trong tranh Kim Hoàng cũng có thể coi là đại diện cho những nét riêng của dòng tranh. Trên nền giấy đỏ, những đường nét của tranh Kim Hoàng không mộc mạc như tranh Đông Hồ mà tinh tế hơn, nhưng cũng không quá cầu kỳ như tranh Hàng Trống. Trong 20 mẫu tranh mà Dự án Khôi phục tranh Kim Hoàng ra mắt trong dịp Tết này, bên cạnh những mẫu “kinh điển” như Thần kê, Bốn mùa, Giám mã, Hứng dừa…, có một số mẫu do các họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, Đức Phương sáng tác dựa trên phong cách nghệ thuật tranh Kim Hoàng.

Thổi sinh khí cho nghề cổ

Câu chuyện tranh Kim Hoàng “tái xuất” nghe tưởng giản đơn. Nhưng đằng sau đó, là cả một câu chuyện dài. Thời gian đã làm phôi pha ký ức về tranh Kim Hoàng ngay với những người dân xã Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội), nơi khai sinh dòng tranh trứ danh một thời trong lịch sử từ thế kỷ 18. Ấy là vì từ quãng năm 1945, hầu như không còn ai làm tranh Kim Hoàng nữa. Ngay cả những cụ già râu tóc bạc phơ, cũng chỉ còn nhớ mang máng về những đường nét, những sắc mầu tranh Kim Hoàng. Người Kim Hoàng đinh ninh mình đã mất nghề. Thì bỗng có một “người lạ” tìm đến làng hỏi nghề tranh. Chuyện những người lạ về làng tìm hiểu về tranh thì nhiều lắm. Họ cứ đến, hỏi han, ghi chép, rồi lại đi. Nhưng Nguyễn Thị Thu Hòa thì khác. Người ta thấy chị về Vân Canh nhiều lần. Rồi đánh đùng một cái, chị trình bày với dân làng ý định khôi phục nghề tranh nơi đây. Hẳn nhiên, người làng mừng lắm. Còn gì vui hơn nếu tìm lại được dòng tranh của cha ông đã thất truyền hơn bảy thập kỷ?

Xưa, người làm tranh giữ bí kíp riêng. Dễ hiểu là tư liệu về kỹ thuật làm tranh cũng không còn nhiều. Đến cả bảo tàng mỹ thuật cũng chỉ giữ được vài mẫu. Từ những thông tin ít ỏi, như tranh Kim Hoàng dùng ván khắc in lên giấy, người thợ thường in nét đen, sau đó tô mầu. Về mực, người Kim Hoàng dùng mực tàu và các mầu có nguồn gốc tự nhiên, như mầu trắng tạo từ thạch cao, chàm, xanh chàm từ mực tàu hòa với nước chàm, mầu đỏ lấy từ son, mầu đen từ tro, rơm rạ, mầu xanh từ gỉ đồng, mầu vàng từ hoa dành dành...

Nguyễn Thị Thu Hòa cùng cộng sự là các họa sĩ đã mày mò tìm lại. Đầu tiên là tìm mẫu. Trong nước không có, nhưng may thay lại tìm thấy nhiều mẫu quý trong một cuốn sách xuất bản tại Pháp. Khi tìm được một số mẫu tranh, chị nhờ các nghệ nhân “đồ” lại tranh với kích thước như thật, từ bức tranh này, những nghệ nhân điêu khắc sẽ khắc lại trên những tấm ván gỗ. Tranh Đông Hồ chủ yếu là những đường nét to khỏe, tròn, còn tranh Kim Hoàng rất nhiều chi tiết. Việc khắc một bức tranh, chẳng hạn như tranh Gà trống tốn rất nhiều công sức. Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa dành hàng tháng trời mới phục chế xong một bản khắc. Làm xong mẫu, phải phục chế mầu. Tất cả đều có chung một quy trình: Vừa làm, vừa mày mò, rút kinh nghiệm. Nhưng càng làm, nhóm Dự án Khôi phục tranh Kim Hoàng càng say mê. Bởi câu chuyện về tranh Kim Hoàng hấp dẫn hơn họ nghĩ. Riêng kỹ thuật làm tranh, có đến bốn thể thức khác nhau. Có những bức người xưa dùng kỹ thuật vẽ hoàn toàn, đòi hỏi người nghệ nhân có trình độ tay nghề cao. Có bức chỉ dùng ván khắc, có mẫu lại kết hợp ván với vẽ tay…

Trong những mẫu tranh tái xuất dịp Tết này, có mẫu cổ, nhưng Dự án Khôi phục tranh Kim Hoàng đưa vào phong thái mới. Ngay như bức Thần kê, ngoài kiểu cổ là in trên nền đỏ, thì các họa sĩ cho rằng, gam mầu của bức tranh cổ hơi nặng nề, chưa chắc đã phù hợp với mỹ cảm hiện đại, nên các thành viên Dự án Khôi phục tranh Kim Hoàng đã làm thêm mẫu vẽ mầu ngũ sắc. Còn những mẫu sáng tác mới, vẫn phải chờ phản hồi của các chuyên gia, cũng như từ thị trường.

Nguyễn Thị Thu Hòa không muốn dừng lại ở khôi phục kỹ thuật. Muốn khôi phục nghề, phải làm sao để người dân ở Vân Canh biết làm nghề, từng bước sống được bằng nghề. Chị đã hỗ trợ một số người say mê tranh ở Vân Canh tìm hiểu thêm nghề tranh ở Đông Hồ (Bắc Ninh) và cùng các họa sĩ hướng dẫn người thợ cách thực hành. Chính quyền xã Vân Canh cũng dành cho dự án một không gian để sản xuất tranh. Dẫu để tìm lại chỗ đứng trên thị trường vẫn còn một chặng đường dài, nhưng khởi đầu vững chắc ấy cho ta niềm tin vào tương lai.