Xác lập, định hướng phẩm giá và nhân cách cho thế hệ trẻ

Mới đây, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có Thư gửi các em học sinh, sinh viên, các cô giáo, thầy giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục và các bậc phụ huynh. Lá thư để lại ấn tượng sâu sắc trong đông đảo người dân và các học sinh, bởi chứa đựng nhiều tình cảm tin yêu, thương mến và kỳ vọng của người đứng đầu Nhà nước.
0:00 / 0:00
0:00

Không chỉ gửi gắm suy nghĩ về cách thức đổi mới nền giáo dục nước nhà, lá thư còn thể hiện sâu đậm sự quan tâm đến việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng nhân cách cho các em học sinh bằng những chủ trương, hoạt động thiết thực, từ đó, góp phần hình thành một thế hệ công dân Việt Nam biết "trau dồi phẩm chất, xác lập những giá trị tốt đẹp và bền vững để phát triển bản thân".

Tâm ý này, mong muốn tha thiết này luôn là điều mà Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trăn trở từ khi còn là người cán bộ đoàn sôi nổi, nhiệt huyết. Nhất là trong những năm tháng giữ cương vị Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ông đặc biệt suy nghĩ để đổi mới các hoạt động, các phong trào thanh niên nhằm hun đúc, định hướng cho lớp trẻ có lối sống tích cực, sống có ích cho gia đình, bản thân và cho xã hội.

Cách đây chưa lâu, vào cuối tháng 3, tại thành phố Bắc Ninh, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dự Lễ kỷ niệm 60 năm phong trào "Nghìn việc tốt" (24/3/1963 - 24/3/2023) và tuyên dương "Dũng sĩ Nghìn việc tốt" toàn quốc do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh phối hợp tổ chức. Tại đây, ông nhấn mạnh: Thiếu nhi làm được việc tốt thì người lớn càng phải làm được việc tốt, tránh xa việc xấu. Xã hội ta sẽ tốt đẹp lên rất nhiều nếu từ trẻ em đến người lớn đều làm nhiều việc tốt.

Chủ tịch nước khẳng định, "Nghìn việc tốt" là phong trào có sức sống mãnh liệt, lâu dài, có ý nghĩa và giá trị to lớn vì có nội dung rất gần gũi, phù hợp tâm lý lứa tuổi, nhu cầu, nguyện vọng của thiếu nhi, dễ thực hiện, thực hiện được thường xuyên, dễ thấy kết quả, được biểu dương, khen thưởng kịp thời, trở thành nếp nghĩ, thói quen, là cơ sở quan trọng để hình thành đức tính tốt đẹp trong mỗi con người. Có thể thấy rõ, việc định hướng, giáo dục thế hệ trẻ học tập, rèn luyện, sống đẹp, sống có ích luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm sâu sắc.

Để làm được điều đó, rất cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội và ý thức, trách nhiệm của mỗi người. Đáng chú ý, theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, nền giáo dục nước nhà phải hướng tới "để các em phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất, phát huy sở trường cá nhân, trở nên đặc biệt theo cách riêng của mình". Có lẽ, đây chính là cốt lõi, là mục đích cao nhất, là mục tiêu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đó là phải làm sao để mỗi học sinh phát huy được năng lực, sở trường của mình chứ không phải phát triển một nền giáo dục áp đặt, chạy theo thành tích...

Để có thể xây dựng một thế hệ công dân là "một phần đáng tự hào của Tổ quốc, dân tộc Việt Nam, tự tin bước ra thế giới với tâm thế của những công dân toàn cầu" như Chủ tịch nước đã viết, việc tiếp tục đổi mới ngành giáo dục luôn là nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết. Đó là nền giáo dục chất lượng cao và đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho phát triển bền vững, là nền tảng để thực hiện những khát vọng, hoài bão trong tương lai.

Những tâm sự, nhắn nhủ và mong muốn của Chủ tịch nước đối với thế hệ trẻ luôn cháy bỏng một mục tiêu: Xây dựng phẩm giá con người là quan trọng nhất, trong đó mỗi người phải biết "sống tử tế và làm việc hiệu quả; dám bảo vệ lẽ phải, dũng cảm và tỉnh táo chống lại những điều xấu, cái ác".