Vùng cao chờ bác sĩ

NDO - Hòa Bình là tỉnh miền núi, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Trong những năm qua, công tác tuyển dụng và thu hút nguồn nhân lực ngành y tế còn rất bất cập. Mặc dù toàn tỉnh đã đạt 6,75 bác sĩ/10 nghìn dân, 60% trạm y tế xã có bác sĩ, nhưng thực trạng nguồn nhân lực y tế Hòa Bình hiện tại và trong những năm tới vẫn còn thiếu hụt cả về lượng và chất.
Khám bệnh ở một trạm y tế xã (tỉnh Hòa Bình).
Khám bệnh ở một trạm y tế xã (tỉnh Hòa Bình).

Trạm y tế xã Lạc Sỹ cách trung tâm huyện Yên Thủy khoảng 20 km. Từ khi được Nhà nước đầu tư xây dựng đến nay, sau gần 10 năm vẫn chưa thấy "bóng dáng" một bác sĩ  nào về đây. Hiện tại, trạm y tế chỉ có bảy cán bộ trực hằng ngày (bốn y sĩ, một cán bộ trung cấp hộ sinh, một dược và một chuyên trách về dân số). Theo ông Quách Khương Lam - Chủ tịch UBND xã, vai trò của trạm y tế hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc chẩn đoán ban đầu và cấp phát thuốc cho bà con theo đơn. Không có bác sĩ, cơ sở vật chất, thiết bị y tế rất thiếu, với những trường hợp bệnh nhân dù có chẩn đoán đúng bệnh cũng phải chuyển lên tuyến trên vì không có khả năng chữa trị.

Bệnh viện Ða khoa huyện Ðà Bắc có năm khoa với 90 giường bệnh, tám bác sĩ, trong đó, ba bác sĩ đang đi học. Vì vậy, mỗi bác sĩ phải "gánh" ba công việc khác nhau. Giám đốc cũng kiêm luôn Trưởng khoa ngoại - sản và trực tiếp khám, chữa bệnh. Năm nào bệnh viện cũng có công văn gửi lên các cấp đề nghị tăng cường y, bác sĩ, nhưng đợi mãi vẫn chưa thấy... "hồi âm". Tương tự, các bệnh viện đa khoa huyện Cao Phong, Kỳ Sơn... số bác sĩ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

 Không riêng tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh của Hòa Bình cũng nằm trong tình trạng thiếu bác sĩ. Bệnh viện Ða khoa tỉnh Hòa Bình hiện có 36 khoa, phòng với 520 giường nhưng đến nay mới có hơn 100 bác sĩ. Trong số đó, luôn có khoảng 40% người đi học nâng cao tay nghề. Việc khám, chữa bệnh trong những năm qua đã khó khăn càng thêm khó khăn. Thực tế hiện nay, nếu theo đúng quy định của Bộ Y tế, Bệnh viện Ða khoa tỉnh Hòa Bình phải có thêm khoảng 50 bác sĩ mới đáp ứng được yêu cầu phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Bệnh viện Ða khoa TP Hòa Bình được đánh giá có đội ngũ bác sĩ "hùng hậu" nhất với 14 người (so với tuyến huyện), nhưng vẫn phải hợp đồng, cộng tác thêm với ba bác sĩ đã về hưu để bảo đảm công tác khám, chữa bệnh. Ban giám đốc Bệnh viện cũng phải kiêm nhiệm khám, chữa bệnh. So với quy định và nhu cầu thực tế, Bệnh viện Ða khoa TP Hòa Bình còn thiếu khoảng 50% bác sĩ.

 Tỉnh Hòa Bình hiện có 1.357 nhân viên y tế/210 trạm y tế tuyến xã, trong đó, có 137 bác sĩ, 525 y sĩ, 363 trung cấp y, 122 sơ cấp và 210 cán bộ chuyên trách DS-KHHGÐ. Tổng số giường bệnh của trạm y tế xã hiện có 840 giường, trung bình, trạm có bốn giường bệnh. Tuy nhiên, hiện mới có 110 trạm có bác sĩ là trạm trưởng. Công tác khám, chữa bệnh nhiều khi do bác sĩ không có điều kiện xử lý các ca bệnh khó nên chất lượng không bằng các bác sĩ tuyến trên. Việc đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ chưa thường xuyên cũng là hạn chế với bác sĩ tuyến xã. Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Sở Y tế  Hòa Bình Bùi Văn Kết, cho biết: "Toàn ngành y tế tỉnh hiện có gần 2.000 cán bộ, nhân viên, trong đó có 353 bác sĩ tuyến tỉnh, huyện. So với nhu cầu, toàn ngành còn thiếu khoảng 800 cán bộ, nhân viên, trong đó khoảng 250 bác sĩ. Trong bốn năm (2008-2011) chỉ có duy nhất Bệnh viện huyện Tân Lạc tuyển được hai bác sĩ, còn các huyện khác hoàn toàn vắng bóng bác sĩ mới.

Cũng theo ông Bùi Văn Kết, trong những năm qua tỉnh Hòa Bình rất khó khăn trong việc thu hút bác sĩ, dược sĩ. Số cán bộ về công tác tại các tuyến y tế tỉnh không nhiều. Ngành y tế khuyến khích họ tiếp tục học lên CKI, CKII để đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong bệnh viện. Nếu như không được sự quan tâm đầu tư của Bộ Y tế cũng như các cấp, các ngành, sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo tỉnh Hòa Bình và sự hỗ trợ tích cực của Ðề án 1816, Ðề án Bệnh viện vệ tinh, ngành y tế tỉnh Hòa Bình còn gặp nhiều khó khăn trong việc đào tạo nâng cao năng lực cán bộ. Mặc dù Bệnh viện Ða khoa tỉnh Hòa Bình đã được các giáo sư, bác sĩ chuyên ngành của Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Mắt trung ương, Viện Huyết học truyền máu trung ương, Viện Bỏng Quốc gia... giúp đỡ đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhưng đấy chỉ là những giải pháp trước mắt...

* Bà Nguyễn Thị Thảnh (xóm Mị, xã Yên Mông, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình):

Những lúc ốm đau, tôi luôn đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Ða khoa TP Hòa Bình. Thái độ của đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện tận tình chu đáo, và thể hiện trách nhiệm cao. Mặc dù vậy, với một số bệnh, tôi vẫn phải lên Bệnh viện Ða khoa tỉnh để điều trị. Rất mong Bệnh viện Ða khoa thành phố tăng cường chất lượng khám, chữa bệnh, tạo điều kiện cho  người bệnh giảm những chi phí không cần thiết, bớt khó khăn, vất vả mỗi khi đau ốm.

* Bà Bùi Thị Sơn (xóm Nghia, xã Lạc Sỹ, Yên Thủy, Hòa Bình):

Do tuổi già, lại bị bệnh phổi do làm việc vất vả và thời tiết khắc nghiệt của vùng cao, nên mình thường xuyên đến trạm y tế xã để khám, chữa bệnh. Nhưng mỗi khi chuyển mùa là mình hay bị khó thở, phải lên Bệnh viện huyện để khám, chữa bệnh. Trạm Y tế xã không có bác sĩ nên rất khó khăn cho việc chẩn đoán, chữa bệnh. Người dân bản, làng nơi mình ở bao năm nay rất mong có một bác sĩ về làm việc để người dân vùng sâu, vùng xa được khám, chữa bệnh tốt hơn.

* Từ năm 2005 đến 2012,  Ðề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn được thực hiện ở một số bệnh viện khu vực phía bắc, do Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức triển khai: 46 kỹ thuật được chuyển giao, 49 chương trình đào tạo được chuẩn hóa, tổ chức được 143 khóa tập huấn cho 6.008 lượt học viên thuộc 14 bệnh viện vệ tinh và các bệnh viện tuyến dưới khác. Tại khu vực phía nam, tuy chưa triển khai Ðề án Bệnh viện vệ tinh, nhưng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các bệnh viện chuyên khoa tuyến thành phố thành lập khoa vệ tinh tại các bệnh viện quận/huyện như: Khoa Ung bướu tại Bệnh viện quận 2, Khoa Chấn thương chỉnh hình tại Bệnh viện An Bình và Bệnh viện Bình Tân, Khoa Nhi tại Bệnh viện quận Bình Tân và quận 2...

* Qua bốn năm thực hiện Ðề án 1816, cả nước có 72 bệnh viện trung ương cử cán bộ đi luân phiên hỗ trợ tuyến dưới: 35 bệnh viện thuộc Bộ Y tế, hai bệnh viện thực hành trực thuộc các cơ sở đào tạo, 37 bệnh viện thuộc Sở Y tế tỉnh/thành phố; 4.585 lượt cán bộ được cử đi luân phiên; tổ chức 2.577 lớp tập huấn cho 52.475 lượt học viên, chuyển giao 3.695 kỹ thuật chuyên ngành như: nội, ngoại, sản, nhi, hồi sức cấp cứu; khám, chữa bệnh cho 875.569 lượt bệnh nhân, trực tiếp phẫu thuật 16.006 ca.