1/Sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ đã sáng đèn trở lại với hai vở diễn mới: “Ông không phải là bố tôi” của Lưu Quang Vũ và hài kịch “Cái... ao làng” của nhà viết kịch Chu Thơm. Bản dựng mới “Ông không phải là bố tôi” mang một màu sắc mới, vừa chân thực gần gũi và hài hước, hóm hỉnh nhưng cũng khiến người xem phải ngẫm và thấm những thông điệp mà vở kịch muốn gửi gắm.
Một người đàn ông từng ruồng rẫy vợ và con trai mình do sợ liên lụy bởi lai lịch của bố vợ. Sau hơn 30 năm xa cách với nhiều biến cố, ông trở về. Đớn đau thay, sự trở về này nằm trong toan tính của lòng tham và sự ích kỷ. Tình máu mủ ruột thịt vừa được vun đắp lại đứng trước nguy cơ tan vỡ. NSƯT Sĩ Tiến đã khéo léo mang yếu tố đương đại vào tác phẩm mà không mất đi giá trị nguyên bản. “Ông không phải là bố tôi”, câu nói được nhắc đi nhắc lại xuyên suốt vở diễn khiến người xem khắc khoải. Từ sự tò mò, ngỡ ngàng ban đầu, qua từng lớp diễn, câu chuyện dần được mở ra và giải đáp thắc mắc của khán giả.
2/Ba chiếc ghế xuất hiện trên sân khấu tượng trưng cho chức quyền và danh vọng. Vì tham vọng con người ta sẵn sàng đạp đổ lòng tự trọng, thậm chí ruồng bỏ gia đình. Một người con toan tính, vụ lợi, dựng lên màn kịch giả dối cũng chỉ vì không tránh khỏi vòng luẩn quẩn của hai chữ “tiền-quyền”.
Hình ảnh sợi dây thừng trong vở diễn mang tính biểu tượng cho sợi dây vô hình trói buộc giữa quá khứ với hiện tại, giữa tình cảm gia đình với những tham vọng, giữa thù hận và sự tha thứ. Đây là chi tiết vô cùng đắt giá, vừa thắt nút, vừa mở nút cho những bi kịch đang siết chặt lấy lương tâm của nhân vật. Đạo diễn Sĩ Tiến đã thật sự rất thành công khi mượn hình ảnh này để khắc họa những giằng xé trong nội tâm nhân vật.
Kết thúc vở diễn bản án nặng nhất mà các nhân vật phải gánh chịu chính là bản án lương tâm, là những tủi nhục khiến họ day dứt khôn nguôi. “Ông không phải là bố tôi” lên án những mặt trái của xã hội, lột tả sự đau đớn khi chứng kiến sự xuống cấp của đạo đức con người. Nhưng sâu thẳm bên trong vở kịch, tác giả Lưu Quang Vũ vẫn gửi gắm vào đó niềm tin về những người tốt, về giá trị cốt lõi của hai chữ gia đình. Sau tất cả, tình cảm gia đình, sự yêu thương và tha thứ chính là liều thuốc chữa lành và xóa bỏ mọi hận thù.
3/Vở diễn có sự tham gia diễn xuất của dàn diễn viên có thực lực và đang được yêu mến trên truyền hình. Trong đó, có thể kể đến một vài cái tên như: NSƯT Đức Khuê, Thanh Sơn, Thu Quỳnh, Lương Thu Trang, Thanh Bình, Quang Ánh, Lý Chí Huy, Quang Trọng, Thanh Tú, Lệ Quyên…
Từ vai diễn kíp 3 (diễn viên dự phòng) ở Nhà hát Tuổi trẻ, Thanh Sơn từng bước khẳng định mình trong nghiệp diễn. Với lối diễn linh hoạt trên sân khấu, Thanh Sơn biến hóa từ Vinh lầm lỳ, bướng bỉnh trong “Ai là thủ phạm” đến Cuội ranh ma, láu cá trong “Lời nói dối cuối cùng”. Với vở diễn “Ông không phải là bố tôi”, một lần nữa Thanh Sơn khiến khán giả bất ngờ với cách xử lý nhân vật của mình. Từ một chàng trai hồn nhiên vô tư đến một người tinh vi, thủ đoạn và cuối cùng là người thức tỉnh ông và bố sau những toan tính, vụ lợi. Tất cả đều được Thanh Sơn lột tả xuất sắc, từ cử chỉ, nét mặt đến ánh mắt.
Cũng là người bén duyên và trưởng thành với nhiều vai diễn từ kịch của Lưu Quang Vũ, như “Lời thề thứ 9”, “Mùa hạ cuối cùng”, “Lời nói dối cuối cùng”, “Ai là thủ phạm”, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”... diễn viên Lý Chí Huy cũng không làm cho khán giả thất vọng khi tham gia vở “Ông không phải là bố tôi” với nét diễn đa dạng, biến hóa không ngừng.
Với vở diễn “Ông không phải là bố tôi”, khán giả còn có dịp “hội ngộ” với hàng loạt ngôi sao của “Vũ trụ điện ảnh VTV”. Đó là một Lương Thu Trang nhẹ nhàng, duyên dáng; một Thanh Bình đa sắc thái, một Đức Anh hài hước, hóm hỉnh… tất cả tạo nên một bức tranh sống động mang lại nhiều cảm xúc cho người xem. Trong năm 2022, Nhà hát Tuổi trẻ sẽ tiếp tục công diễn vở “Ông không phải là bố tôi” để phục vụ khán giả yêu sân khấu kịch.