Vẻ đẹp của sự tái tạo

"Tôi tập trung nhiều hơn vào mỗi câu chuyện mà bản thiết kế của mình có thể kể, hơn là nỗi lo lắng rằng, chúng sẽ trông như thế nào? Luôn luôn có một câu chuyện đằng sau bất cứ điều gì tôi làm!". Hơn 30 năm sự nghiệp, mỗi sản phẩm nội thất độc đáo được Piet Hein Eek thiết kế đều đến từ chính câu chuyện liên quan nguyên vật liệu là những mảnh gỗ, vụn thép mà ông nhặt nhạnh được từ cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Vẻ đẹp của sự tái tạo

"Kẻ thù" của chủ nghĩa tiêu dùng đại chúng

Piet Hein Eek sinh ra và lớn lên tại Hà Lan, một trong những đất nước đi đầu tại châu Âu về nghệ thuật và thiết kế bền vững. Ảnh hưởng không nhỏ bởi định hướng đó, Eek coi trọng sự khéo léo hơn là công nghệ cao. Ông yêu thích các chất liệu, luôn cố gắng tạo ra những sản phẩm bền vững, không bị ảnh hưởng bởi xu hướng. Ông thẳng thừng bày tỏ: "Tôi sinh ra đã có ác cảm với chủ nghĩa tiêu dùng đại chúng!".

Tư duy đó đã biến Eek trở thành một nhà sinh thái học từ 30 năm trước. Năm 1989, khi đang là sinh viên Học viện Thiết kế công nghiệp (thành phố Eindhoven), ông phải hoàn thành một dự án tốt nghiệp. Tác phẩm "Tủ gỗ phế liệu" ấy, ngay lập tức đã thu hút được sự chú ý. Giới thiết kế nhận xét: "Đó là một sản phẩm táo bạo, khi có thể nâng cao sự tầm thường của gỗ phế liệu, đồng thời chế giễu sự lãng phí vật liệu của ngành công nghiệp nội thất!". Nằm ngoài tất cả phán đoán của giới chuyên môn (rằng ngay từ những năm ấy, Eek đã có nhận thức về kinh tế tuần hoàn, vật liệu bền vững), thật ra, khi đó, Eek chỉ nghĩ rằng: "Tuy tôi thật sự yêu thiên nhiên, nhưng gỗ cũ rõ ràng trông đẹp hơn gỗ mới, và chúng còn… rẻ nữa!".

Vẻ đẹp của sự tái tạo ảnh 1

Mỗi sản phẩm nội thất đều mang dấu ấn và triết lý riêng của người tạo tác.

Ngay sau đó, ông tiếp tục duy trì phong độ "tái chế", và mở rộng lĩnh vực sản phẩm: thảm, đồ gia dụng, giấy dán tường,… Các sản phẩm được Hein Eek làm ra mang vẻ đẹp riêng biệt mà ông gọi đó là "vẻ đẹp của sự tái tạo". Nguồn nguyên liệu đặc biệt đó khiến cho các sản phẩm ông tạo ra đều là độc nhất, bởi chúng phụ thuộc vào họa tiết, hình dáng, kích thước của những miếng gỗ thừa.

Không giống như phần lớn đồng nghiệp của mình, Eek hiếm khi tham gia hội chợ hay các cuộc thi. Ông chỉ muốn bản thân đắm mình trong vẻ đẹp của phế liệu, để mỗi tác phẩm có thể kể một câu chuyện đầy cảm xúc. Như chiếc tủ có một không hai được chế tạo đặc biệt để bảo vệ đồ đạc của một cậu bé không may qua đời do tai nạn khi đang đạp xe, chiếc tủ đó được làm từ những thanh gỗ mỏng vương vãi trong rừng tại nơi cậu bé thường chơi. Hay có lần Eek đã dỡ tung chiếc tủ quần áo của chị gái, để đóng cho chị mình một chiếc quan tài độc nhất, khi bà qua đời do bạo bệnh.

Chắc chắn, khách hàng sẽ không thể có trải nghiệm nào độc đáo hơn khi trực tiếp đến xưởng của Eek, nơi mọi sản phẩm được sản xuất thủ công tại chỗ, chất đầy các mảnh phế liệu, chờ đợi thời điểm "tái sinh". Gần đây, một vị khách đến tìm Eek để mua một chiếc gương treo tường tái chế từ khung tranh, đã chia sẻ câu chuyện thú vị lên trang cá nhân: "Chính tay ông chủ đã đóng gói sản phẩm cho tôi và nhận ra chiếc hộp giấy gói hàng quá to, thừa ra hẳn một khoảng. Ngay lập tức, ông vớ lấy con dao và "điêu khắc" chiếc hộp biến phần thừa đó thành "quai xách". Ông tự hào và reo lên với tôi như đứa trẻ hoàn thành xong một nhiệm vụ quan trọng: "Của anh đây! Phiên bản cao cấp luôn nhé!".

"Những ngôi nhà của Piet Hein Eek"

Thậm chí, đến chính ngôi nhà gia đình Eek đang sinh sống, hay xưởng sản xuất nơi ông tạo ra những tác phẩm đặc biệt, cũng đều được tận dụng lại từ các nhà xưởng bỏ hoang. Và vì Eek ghét phải ngồi trong ô-tô, nên ông giải quyết vấn đề đó bằng cách đặt nơi làm việc và nhà của mình ở gần nhau nhất có thể. Mỗi ngày đi làm, ông chỉ cần băng qua khu vườn.

"Ngôi nhà nhỏ nhất thành phố Eindhoven" là cách mà người dân tại đây gọi căn nhà vỏn vẹn 45m2 của gia đình Eek. Để bảo đảm ngôi nhà có đầy đủ tiện nghi mà không gian vẫn thoải mái, mọi đồ đạc trong nhà được Eek thiết kế riêng theo một công thức chung: linh hoạt và có thể gấp gọn. Chẳng hạn như chiếc bàn "đoàn tàu khổng lồ" có thể phục vụ đến 12 người cùng lúc nhưng khi gấp lại thì chỉ vừa cho hai người-sản phẩm mà bất cứ ai đến thăm nhà cũng muốn mua một chiếc. Có lẽ chính bởi lẽ đó, Eek đã nảy ra ý tưởng xây một khách sạn, được lấp đầy bởi đồ nội thất tái chế mà ông làm ra, để du khách vừa có thể trải nghiệm không gian mang đậm nét cá tính của Eek, đồng thời có thể tìm ra và lựa chọn những đồ gia dụng phù hợp.

Vẻ đẹp của sự tái tạo ảnh 2
Những đồ cũ, phế liệu, chờ đợi đến ngày được tái sinh.

Trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng này, tất cả nhân công trong xưởng của Eek đều phải tăng ca liên tục. Đến ngày khách sạn được đưa vào hoạt động, ông đã hứa với toàn thể đội ngũ của mình: "Chắc chắn trong một thời gian dài tới, tôi sẽ không nghĩ ra bất cứ ý tưởng bất khả thi nào và bắt mọi người thực hiện nó nữa!". Thực tế là nhân viên trong công xưởng không mấy ai tin lời hứa này, nhưng ngược lại sự mệt mỏi đáng ra phải xuất hiện, thì mỗi nhân viên lại vô cùng hào hứng với mọi ý tưởng của ông chủ!

Khi được hỏi về bí quyết kinh doanh hiệu quả, Eek chỉ thản nhiên: "Nguyên tắc cơ bản của xã hội hiện đại là càng sử dụng ít lao động, bạn càng tiết kiệm được tiền. Riêng với tôi thì không phải như vậy, tôi tận dụng vật liệu mà mọi người vứt đi, và tăng thêm thù lao cho nhân công, để ai cũng nhận được đãi ngộ tốt nhất!".

Gần đây, Eek đã tham gia nhiều hơn vào những dự án hỗ trợ tính bền vững tại các nước đang phát triển, đồng thời thiết lập các kênh liên kết với thị trường châu Âu. Ông kết hợp với một nhóm nghệ nhân Zambia tạo ra những chiếc ghế tái chế; đến Amazon với tư cách là khách mời của Tổ chức Thiên nhiên thế giới; sản xuất những chiếc ghế trẻ em, ô-tô đồ chơi từ gỗ tái chế, và cố gắng rao bán tại thị trường Brazil, với hy vọng: "Điều quan trọng là trẻ em phải nhận ra rằng gỗ đến từ cây cối!".