Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Vẫn ngạc nhiên từ trăm năm văn hóa Đông Sơn

Tại Thanh Hóa, hội thảo khoa học “Văn hóa Đông Sơn - 100 năm phát hiện, bảo tồn và phát huy giá trị” vừa diễn ra, thu hút nhiều ý kiến gợi mở về tiềm năng văn hóa cổ xưa trong khả năng đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội không chỉ của địa phương mà cả vùng miền, đất nước.
Ngôi mộ thuyền ở Việt Khê (Thủy Nguyên, Hải Phòng).
Ngôi mộ thuyền ở Việt Khê (Thủy Nguyên, Hải Phòng).

1/Văn hóa Đông Sơn không những là một điểm son trong lịch sử văn hiến Việt Nam mà còn là cái mốc quan trọng của nền văn minh Đông Nam Á. Cái bảng giá trị văn minh, văn hiến này cũng nổi trội trên nền trời khu vực lúc đó, khi mà nhiều vùng đất trong phạm vi Đông Nam Á ngày nay vẫn còn chưa biết đến kỹ nghệ đúc đồng, vẫn còn trong thời kỳ đồ đá và chưa có hình thái nhà nước sớm.

2/Cái mốc 100 năm văn hóa Đông Sơn đánh dấu bằng sự kiện vào năm 1924, một nông dân ở làng Đông Sơn (phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa) khi đi câu cá, phát hiện nơi bờ sông Mã bị lở, một số đồ đồng được tìm thấy và được thông báo cho Trường Viễn Đông bác cổ. Từ đó có những cuộc khai quật mở ra, tìm thấy nhiều mộ táng, vết tích cư trú nhà sàn của người Việt cổ, thu được 489 đồ đồng bên cạnh các đồ đá, đồ gốm. Đây là phát hiện bước ngoặt làm ngạc nhiên giới học giả người Pháp và phương Tây bấy giờ. Liên hệ với những trống đồng như Ngọc Lũ, Sông Đà và nhiều đồ đồng phát hiện từ cuối thế kỷ 19, họ hết sức ngạc nhiên về sự tuyệt mỹ và trình độ đúc đồng tinh xảo của đồ đồng ở một nơi còn lạc hậu như xứ “An Nam thuộc địa” này. Vì thế, họ cho rằng những đồ đồng đẹp đẽ này không phải có nguồn gốc bản địa mà được mang đến từ các nền văn minh cổ đại vùng sông Hán, sông Hoài (Trung Quốc) hay từ văn hóa Hallstatt xa xôi tận bên trời Âu.

Nhưng dần dần các học giả phương Tây cũng đã nhận thấy, cái nền văn hóa ở xứ này khác với sự suy diễn của họ. Đã có những công trình đồ sộ về những chiếc trống đồng độc đáo của H. Parmentier, công trình khoa học về mối liên hệ giữa trống đồng và những người Mường của V. Goloubew, các cuộc khai quật của O. Janse, công trình nghiên cứu của H. Geldern, học giả Áo, là người đầu tiên đề xuất thuật ngữ “văn hóa Đông Sơn”… Cũng dần dần, văn hóa Đông Sơn được nổi tiếng và được công nhận là văn hóa do chính người Việt cổ sáng tạo ra.

3/Chỉ từ khi các cuộc khai quật khảo cổ học được tiến hành từ thập niên 60 của thế kỷ trước, nhiều di tích Đông Sơn và Tiền Đông Sơn được phát hiện cùng với một số lượng khổng lồ các di vật thì diện mạo nền văn hóa này mới được nghiên cứu kỹ càng. Các nhà khoa học Việt Nam sát cánh cùng các nhà khoa học Nga, Nhật Bản và nhiều nước khác khai quật và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn trong vòng nửa thế kỷ gần đây đã cơ bản dựng lại diện mạo của nền văn hóa này. Thành tựu lớn nhất là các nhà khoa học đã khẳng định văn hóa Đông Sơn do chính cư dân Đông Sơn, tổ tiên của người Việt Nam sáng tạo ra trực tiếp từ các nền văn hóa Tiền Đông Sơn trong thời đại kim khí, thậm chí cội nguồn còn xa hơn nữa từ các văn hóa thời đại đồ đá hàng vạn năm trước nữa.

Văn hóa Đông Sơn đã là nền tảng vật chất cho sự ra đời nhà nước sớm Văn Lang thời Hùng Vương và tiếp đến là nhà nước Âu Lạc thời An Dương Vương, về mặt niên đại đã có sự trùng hợp ít ra vào khoảng thế kỷ 7 đến thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Các tư liệu khảo cổ cho thấy, nền văn hóa này đã có cơ sở kinh tế nông nghiệp trồng lúa năng suất cao, đúc đồng thành thạo, số lượng vũ khí nhiều chứng tỏ có sự phân hóa xã hội sâu sắc, có những cuộc chiến tranh trong và ngoài cộng đồng cư dân Đông Sơn, đòi hỏi sự ra đời của thủ lĩnh quân sự và nhà nước sớm.

4/Những phát hiện mới nhất là dấu tích động vật biển như con sam, cá sấu chứng tỏ người Đông Sơn quen thuộc với biển, khai thác Biển Đông, những hình thuyền có bánh lái, có buồm là những chứng cứ về thuyền đi ven bờ biển. Căn cứ vào dấu tích sự có mặt của trống đồng Đông Sơn, các nhà khoa học đã thấy người Đông Sơn đã có sự giao lưu văn hóa với những vùng rất xa bằng các con thuyền đi ven biển. Về phía cực bắc, trống Đông Sơn đã có mặt trong mộ táng thời cổ ở Chiết Giang, cửa sông Trường Giang, Trung Quốc. Về phía tây và nam, trống Đông Sơn đã có mặt ở ven biển Thailand, Malaysia và đặc biệt có nhiều ở vùng quần đảo Indonesia.

Chỉ riêng các tuyệt phẩm trống và thạp đồng Đông Sơn đã chất chứa bao thông điệp mà càng giải mã các hoa văn được khắc họa trên đó, càng cảm phục trình độ thẩm mỹ của tổ tiên. Tư liệu khảo cổ mới phát hiện cho thấy họ đã khắc những tác phẩm linh vật cực đẹp mà lại siêu thực như hình tượng cặp giao long xen giữa các cánh sao giữa mặt trống hay tạo ra những con thú thiêng mà ngoài đời không thể có: thân và đuôi có hình chồn lông xù, có sừng của hươu nhưng lại có mỏ nhọn của loài chim. Nhiều dạng nhà sàn đẹp và có mối liên hệ với những ngôi nhà sàn Tây Nguyên ở góc độ cùng được tạo hình bằng cách đẽo các bậc thang thành từng khấc.

Có lẽ, bộ sưu tập trống đồng và thạp đồng Đông Sơn đã là một trong những di sản quý nhất trong kho tàng di sản văn hóa, lịch sử và nghệ thuật của tổ tiên. Quý giá không những về những thông điệp mà nó truyền tải, mà còn là di sản độc đáo mà đất nước ta sở hữu, các nhà khoa học thế giới cũng phải công nhận điều này. Đấy là những tuyệt phẩm về kỹ thuật đúc và nghệ thuật tạo hình mà bản quyền thuộc về cư dân Đông Sơn từ cách đây hơn 2.000 năm.

Càng nghiên cứu chúng ta càng thấy có nhiều tư liệu lý thú về sự liên hệ giữa các cộng đồng dân tộc trong quá khứ với hiện tại và giữa các khu vực văn hóa khác nhau trong thời cổ đại.