Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Văn hóa nông thôn - Tài nguyên để phát triển

Truyền thống văn hóa lâu bền được tạo nên qua hàng nghìn năm phát triển nông nghiệp, nông thôn đồng bằng sông Hồng là nền tảng vô cùng quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Thời Nay xin trích một số ý kiến của đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ thuật hát trống quân Bùi Xá có từ thế kỷ 13, thời nhà Trần được người dân xã Ninh Xá (Thuận Thành, Bắc Ninh) ý thức gìn giữ và phát triển cho đến ngày nay. Ảnh: KHIẾU MINH
Nghệ thuật hát trống quân Bùi Xá có từ thế kỷ 13, thời nhà Trần được người dân xã Ninh Xá (Thuận Thành, Bắc Ninh) ý thức gìn giữ và phát triển cho đến ngày nay. Ảnh: KHIẾU MINH

1/Tại đồng bằng sông Hồng, vấn đề khai thác tiềm năng văn hóa nông thôn để phát triển kinh tế-xã hội còn rất nhiều việc phải làm, rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, và tất nhiên, là còn cả những cơ hội, dư địa cho tăng trưởng và phát triển.

Quy mô, diện tích đất nông nghiệp từ những thửa ruộng bậc thang ở khu vực trung du và miền núi phù hợp để phát triển nông nghiệp đặc sản, tài nguyên bản địa, gắn với bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc. Quy mô, diện tích đất nông nghiệp từ những cánh đồng bát ngát, thẳng cánh cò bay ở đồng bằng sông Cửu Long phù hợp để phát triển sản xuất sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa quy mô lớn, tập trung.

Quy mô, diện tích đất nông nghiệp đồng bằng sông Hồng, không phải là nhỏ nhất nước, cũng không phải lớn nhất nước, sẽ phù hợp phát triển theo hướng nào? Quy mô, diện tích đất ở mức tương đối như hiện tại, là vừa đủ, vừa vặn để phát triển nông nghiệp theo hướng “công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn, sinh thái”, như quan điểm của Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra.

2/Nhắc đến đồng bằng sông Hồng là nhắc đến “cái nôi” của nền văn minh lúa nước, của văn hóa làng quê Bắc Bộ, của tinh thần cố kết cộng đồng, của “hương ước” - thiết chế tổ chức, tự quản. Nông thôn không chỉ là nơi diễn ra hoạt động kinh tế, mà còn là không gian văn hóa; không chỉ là nơi sản xuất nông nghiệp, mà còn là nơi cân bằng cảm xúc. Nhiều di sản văn hóa đã được vinh danh, trong đó có nhiều văn hóa phi vật thể, như “tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ”, hay làn điệu dân ca quan họ, chèo, chầu văn… Không gian văn hóa cộng đồng nơi làng quê giúp cân bằng cảm xúc, tạo ra cảm xúc tích cực, định hình nông thôn hài hòa, thân thiện.

Nông thôn “phản chiếu” hình ảnh sinh động về các kết nối xã hội.

Quá trình hình thành nên làng xã nhờ vào tính cố kết cộng đồng, giúp giữ yên xóm làng trước thiên tai, địch họa. Người làng kết nối lại thành cộng đồng dân cư làng, xã hội làng. “Lệ làng”, “hương ước” không phải để vượt lên “phép nước”, “pháp quyền”, mà giúp cho pháp luật được tiếp nhận một cách tự nhiên, tự nguyện. Đó cũng là chỉ dấu văn hóa đặc sắc, riêng có ở nông thôn đồng bằng sông Hồng.

Nông thôn không chỉ là không gian vật chất, mà còn là tài nguyên phát triển.

Việc giữ gìn, phát huy các giá trị nông thôn giúp người làng quê trân quý truyền thống, vun đắp cho nông thôn trở thành tài nguyên du lịch. Đó chính là “tài nguyên mềm”, “nguồn lực mềm” cho phát triển bền vững.

Nông thôn cần được trân quý như một miền di sản.

Không chỉ là không gian sống hữu hình, nông thôn còn là không gian văn hóa, không gian tâm thức, khởi tạo nền tảng vững chắc để hướng tới các làng thông minh, làng hài hòa, làng hạnh phúc. Nghi lễ, tín ngưỡng dân gian, như lễ hội Tịch điền, thờ phụng Thần Nông, các vị Thần hoàng làng, tưởng nhớ tổ làng nghề… là những nét văn hóa đậm chất nhân văn, nối kết con người với truyền thống lịch sử, giúp con người sống nhân văn hơn. Khi ấy, cư dân nông thôn sống có trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường thiên nhiên.

3/Từ trải nghiệm thực tế của bản thân qua các chuyến khảo sát ở các địa phương, tôi có niềm tin về một “vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc”, có nền “nông nghiệp công nghệ cao, xanh, hữu cơ, tuần hoàn, có giá trị kinh tế cao”. Cùng với các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng tâm, phát triển nông nghiệp góp phần giúp đời sống ngày thêm trù phú, thịnh vượng. Phát triển nông thôn hướng đến chất lượng sống, đến dòng chảy tâm thức từ cội nguồn dân tộc. Chúng ta cần quan tâm thực hiện đồng thời cả hai mục tiêu này.

Chính đời sống văn hóa - tinh thần kế thừa và tiếp nối qua bao thế hệ, hình thành một cách tự nhiên nếp sống, nếp nghĩ của cộng đồng dân cư, cách thức mọi người cư xử, hòa hợp với nhau, từ miền quê ra đến phố thị. Đó chính là điều tạo nên bản sắc, “hồn cốt” của vùng đồng bằng sông Hồng “văn hiến nghìn năm”.

Vừa qua, Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã diễn ra trên toàn quốc, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Bên cạnh nhiều giải pháp từ các góc nhìn chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng…, thì rất đáng chú ý, yếu tố văn hóa và một số giải pháp văn hóa được nhiều đại biểu nhấn mạnh, đề xuất.