Khơi dậy sức mạnh văn Hóa

Văn hóa bắt tay du lịch thúc đẩy miền trung

Là vùng lõi trọng điểm, có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ cần một chiến lược thắt chặt sợi dây liên kết vùng, phát triển bền vững. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” vừa được ban hành. Sự phát triển của văn hóa, du lịch sẽ góp phần như thế nào trong lộ trình này?
0:00 / 0:00
0:00
Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng trở thành sự kiện thu hút đông đảo khách du lịch.
Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng trở thành sự kiện thu hút đông đảo khách du lịch.

Đánh thức tiềm năng văn hóa vùng

Tầm quan trọng của văn hóa được đề cao trong phát triển kinh tế-xã hội đất nước đang gợi mở nhiều hơn những hướng phát triển. Đó là bản sắc, là tinh hoa cần được tăng cường kết nối giữa các địa phương trong khu vực có cùng chung di sản, chung thế mạnh phát triển du lịch. Theo Nghị quyết 26, phấn đấu đến năm 2030: “Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ phải là vùng phát triển năng động, nhanh, mạnh và bền vững hơn nữa về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao trong phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước bạn Lào; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền biển, đảo được bảo vệ vững chắc; các tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường”...

Để thắt chặt sợi dây liên kết, tạo động lực phát huy thế mạnh của mỗi địa phương trong vùng, đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính quyền các địa phương trong đổi mới cơ chế, chính sách, phát huy hiệu quả, sức mạnh của liên kết vùng. Đây là nơi tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, tập trung nhiều di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Trong đó, Thừa Thiên Huế có Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản và Châu bản Triều Nguyễn, thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế. Quảng Nam có Phố cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn và Dân ca bài chòi miền trung. Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ cũng là nơi giao thoa nhiều nền văn hóa mà tiêu biểu là văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm, văn hóa Trung Hoa, văn hóa Nhật Bản... cùng với hàng trăm di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng. Các di sản này minh chứng cho một đất nước Việt Nam tươi đẹp, đa dạng về phong cảnh thiên nhiên, phong phú về bản sắc văn hóa dân tộc, có bề dày lịch sử, là những điểm đến thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Đây là tiềm năng, thế mạnh và còn nhiều dư địa để nội lực vùng bứt phá.

Xem văn hóa là giá trị lõi

Muốn phát triển kinh tế-xã hội, cần chú trọng đến văn hóa, du lịch. Đây là hai thế mạnh còn nhiều dư địa để khai thác tại khu vực này. Các địa phương cần chú trọng đến giá trị văn hóa, bản sắc địa phương, du lịch và tạo được sản phẩm đặc trưng. Văn hóa và du lịch phải thật sự “bắt tay” để cho ra các sản phẩm để phục vụ du khách, tạo nên nét đặc sắc vùng và từ đó, thu hút du khách, kích cầu người dân sử dụng, tạo đà phát triển du lịch bền vững. Đó cũng là ý kiến nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, nhà quản lý trong lĩnh vực này.

NSND Huỳnh Văn Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Đà Nẵng, người dành khá nhiều tâm sức để khôi phục văn hóa, di sản cho Đà Nẵng, nhìn nhận: Gần 10 năm trở lại đây, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng có những quyết sách đặc biệt quan tâm đến văn hóa di sản, khẩn trương xây dựng nhiều đề án bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. NSND Huỳnh Văn Hùng phân tích, nếu như trước đây, du lịch chỉ khai thác các di tích, điểm đến mà chưa chú trọng bảo vệ, dẫn đến tình trạng di tích bị xâm hại, xuống cấp trầm trọng, du khách có những động thái làm ảnh hưởng đến không gian, môi trường của di tích. Tại Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn trước đây, vì gọi là danh thắng nên việc bảo vệ di tích có thời gian dài bị bỏ ngỏ, di tích bị xâm hại. Do đó, ngành văn hóa và ngành du lịch Đà Nẵng đã thống nhất rằng, để du lịch phát triển bền vững thì phải gắn với văn hóa, để bảo tồn và khai thác một cách hiệu quả nhất.

Nhìn nhận về liên kết vùng trong thời gian qua, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho rằng, phát triển du lịch không thể không liên kết, nếu địa phương không liên kết thì doanh nghiệp cũng chủ động liên kết. Bởi du lịch sẽ mang lại giá trị tối ưu nếu hình thành chuỗi, và chuỗi sản phẩm là xuất phát từ nhu cầu tất yếu của du khách. “Sự hiện diện của chính quyền các địa phương trong việc liên kết phát triển du lịch sẽ tốt hơn rất nhiều, giúp định vị được giá trị địa phương trên hệ thống chuỗi sản phẩm du lịch thông qua việc thống nhất quy hoạch, phát triển những sản phẩm mang tính truyền thống của mỗi địa phương, điều này giúp du khách cảm thấy không bị nhàm chán khi sản phẩm bị lặp đi lặp lại”, ông Dũng phân tích.

Nếu xem Nghị quyết 26 là định hướng quan trọng cho phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, thì chính văn hóa, du lịch và những giá trị nền tảng là chất kết nối cho định hướng thêm bền vững, mang các giá trị nhân văn sâu sắc. Văn hóa là sức mạnh mềm nhưng có vị trí then chốt trong phát triển vùng khi những người sở hữu và khai thác biết cách “mở khóa”.