Tương lai rộng mở

Sử dụng đa dạng các nguồn năng lượng tái tạo đang được xem như giải pháp góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế thay thế nguồn nhiên liệu hóa thạch. Các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực hành động vì mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, tránh tác động biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Tháp giải nhiệt của Nhà máy địa nhiệt Enel Green Power bên ngoài ngôi làng trên đỉnh đồi Sasso Pisano (Larderello, Italy). Ảnh: Bloomberg
Tháp giải nhiệt của Nhà máy địa nhiệt Enel Green Power bên ngoài ngôi làng trên đỉnh đồi Sasso Pisano (Larderello, Italy). Ảnh: Bloomberg

Trái ngược khung cảnh những ngọn đồi Tuscany trồng nho thoai thoải, Valle del Diavolo nổi bật với hàng chục cột tháp mầu xám phun khói trắng. Các turbine điện chạy hết công suất cũng tạo nên những tiếng "gầm" chói tai.

Tại nhà máy địa nhiệt Valle Secolo, hơi nước bốc lên từ độ sâu gần 1km dưới lòng đất, qua những vòng quay của turbine tạo ra năng lượng phục vụ khoảng 150.000 hộ gia đình. Theo Geoffrey Giudetti, nhà điều hành địa nhiệt lớn nhất châu Âu, đang quản lý vận hành Valle Secolo và 33 nhà máy khác ở Tuscany, con người càng khai thác được nhiều hơi nước, thế giới sẽ ít đi những chuyến tàu chở dầu.

Khoảng 30% điện năng của Tuscany đến từ nguồn năng lượng dưới lòng đất. Sau khi sản xuất điện, hơi nước dư thừa sẽ được tận dụng làm nóng nước sinh hoạt cho người dân các khu vực lân cận sử dụng.

Năm 2022, người dân Italy phải gánh chịu mức giá hóa đơn tiền điện theo hộ gia đình thuộc hàng cao nhất thế giới do giá điện tăng vọt. Các nhà máy khi ấy đã phải giảm quy mô sản xuất và các hộ gia đình đành chấp nhận tắt máy sưởi tại nhà.

Từ thời điểm đó, việc tận dụng nguồn năng lượng dưới lòng đất đã chứng tỏ tầm quan trọng. Những cư dân khu vực Larderello đã vượt qua mùa đông khắc nghiệt trong những ngôi nhà ấm áp, nhờ các nhà máy địa nhiệt địa phương khai thác hơi nước suốt tuần.

Chủ tịch Hiệp hội Địa nhiệt Italy Bruno Della Vedova tin rằng, các khu vực khác của đất nước hoàn toàn có khả năng được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên trên. Theo báo cáo của Chính phủ Italy, phần lớn các địa phương tại quốc gia này có thể sử dụng năng lượng được chuyển đổi từ các nguồn nhiệt dưới lòng đất.

Khi đề tài chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo được thúc đẩy, lịch sử khai thác tài nguyên địa nhiệt kéo dài hàng thế kỷ của Tuscany được xem như "ngọn hải đăng" hy vọng cho chiến lược năng lượng của Italy nói riêng, cũng như mở ra hướng đi mới trên toàn cầu.

Tương lai rộng mở ảnh 1

Dự án Công viên Năng lượng tái tạo Khavda (lớn nhất thế giới) đang được xây dựng.

Sau Trung Quốc và Mỹ, Ấn Độ là nước phát thải khí nhà kính đứng thứ ba thế giới. Trong thập kỷ tới, lượng phát thải khí nhà kính của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng mạnh khi nền kinh tế mở rộng và dân số sẽ vượt qua Trung Quốc, qua mốc hơn 1,5 tỷ người.

Tham vọng tăng trưởng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể tới quá trình biến đổi khí hậu. Đặc biệt, mức tiêu thụ năng lượng cũng sẽ nhảy vọt khi tầng lớp trung lưu dự kiến tăng gấp đôi lên 800 triệu người vào năm 2030.

Là giáo sư năng lượng mặt trời tại Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT), ông Chetan Singh Solanki xin nghỉ phép từ năm 2020 để thực hiện chuyến đi 11 năm vòng quanh đất nước nhằm truyền cảm hứng cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Phương tiện của ông - chiếc xe mobihome với các tấm pin mặt trời, cũng tạo ra đủ năng lượng để chạy đèn, quạt, máy tính, bếp nấu và ti-vi khi cần.

Trước khán phòng gồm 200 sinh viên, giáo viên và quan chức địa phương tại thị trấn Raisen (tiểu bang Madhya Pradesh), Solanki phát biểu: Tôi thấy có 15 bóng đèn đang chiếu sáng trong phòng. Giữa ban ngày và bên ngoài tràn ngập ánh nắng, chúng ta có cần thiết bật toàn bộ những thiết bị này không?

Khi một nửa số lượng đèn được tắt đi, không gian khán phòng ấm và tối hơn. Song, mọi người vẫn nhìn thấy nhau đồng nghĩa căn phòng có đủ ánh sáng và không ai trong số những người tham dự cảm thấy đau khổ khi tắt những thiết bị ấy.

Giảm lượng tiêu thụ điện năng không cần thiết và sử dụng năng lượng tái tạo là hai vấn đề Solanki đang nỗ lực thuyết phục sự ủng hộ của người dân Ấn Độ. Trong đó, chuyển đổi sang ngành công nghiệp năng lượng tái tạo là yếu tố then chốt để quốc gia này giảm lượng phát thải khí nhà kính vào môi trường.

Hiện tại, 45 công viên năng lượng mặt trời đang được quốc gia tỷ dân nỗ lực thúc đẩy. Dự án Công viên Năng lượng tái tạo Khavda (bang Gujarat, phía tây Ấn Độ), tiêu tốn khoảng 2,26 tỷ USD, có diện tích rộng 726 km2. Với diện tích tương đương Singapore, dự án được kỳ vọng sẽ cung cấp 30 gigawatt năng lượng tái tạo hằng năm và phục vụ 18 triệu ngôi nhà ở Ấn Độ. Quốc gia này đã trải qua chặng đường dài với các công trình năng lượng tái tạo quy mô lớn. Những công viên như Khavda sẽ trở thành công trình truyền cảm hứng cho các nước khác trên toàn cầu.

Tương lai rộng mở ảnh 2

Đức đạt cột mốc lịch sử trong năm 2023 với hơn 50% lượng điện tiêu thụ đến từ năng lượng tái tạo

Đồng hành với những nỗ lực của Italy hay Ấn Độ, Đức là thí dụ điển hình trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, dù từng là một trong những quốc gia phát thải nhiều khí nhà kính nhất thế giới. Ngày 15/3, Cơ quan Môi trường Liên bang Đức (UBA) thông báo lượng phát thải khí nhà kính của nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong năm 2023 đã giảm khoảng 10% so năm trước.

Hiện tại, lượng khí thải cắt giảm đạt mức 46%. Đức đặt mục tiêu đến năm 2030 cắt giảm 65% lượng phát thải khí nhà kính và hướng đến trung hòa carbon trước năm 2045. Quốc gia này đang đi đúng mục tiêu 80% nguồn cung đến từ năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Đầu tư vào các dự án điện gió ngoài khơi, quang điện, mở rộng lưới điện và lưu trữ năng lượng là những giải pháp được nền kinh tế lớn nhất châu Âu nỗ lực thực hiện. Những bước tiến của các quốc gia như Đức, Italy hay Ấn Độ sẽ góp phần gợi mở nhiều hướng đi mới cho các nước đang phát triển như Việt Nam học hỏi trong tương lai gần.