Từ niềm tin mở ra cơ hội

Những chuyến tập huấn, thi đấu và cọ xát liên tục được kỳ vọng sẽ rèn luyện tâm lý thi đấu vững vàng, cũng như vun bồi kinh nghiệm để các xạ thủ trẻ tự tin thể hiện năng lực ở sân chơi Olympic.
0:00 / 0:00
0:00
Bắn súng Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ càng trước kỳ Olympic Paris 2024.
Bắn súng Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ càng trước kỳ Olympic Paris 2024.

TỪ ngày 8/7, hai xạ thủ Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền đã có những buổi tập làm quen bước đầu tại Hungary. Đây là chương trình tập huấn cuối, diễn ra trong thời điểm then chốt nhằm chuẩn bị chuyên môn cho Thế vận hội.

Theo huấn luyện viên Nguyễn Duy Hoàng, chúng ta lựa chọn địa điểm tập huấn tại Hungary với ý đồ tương đối rõ ràng. Các xạ thủ sẽ có khoảng thời gian hai tuần làm quen với thời tiết khí hậu cũng như múi giờ sinh hoạt tại châu Âu. Sau đó, toàn đội sẽ lên đường di chuyển thẳng tới Pháp để tham dự Olympic.

Từ đầu năm đến nay, Thu Vinh và Mộng Tuyền đã trải qua nhiều giải đấu quốc tế. Lần gần nhất có thể kể tới hai kỳ giải ISSF World Cup 2024 diễn ra tại Azerbaijan và Đức. Mỗi cuộc đọ sức là một lần ban huấn luyện cũng như các tuyển thủ đánh giá thực lực của các đối thủ ở nội dung sở trường, bên cạnh nỗ lực tích lũy kinh nghiệm, cũng như căn chỉnh điểm rơi phong độ trước ngày lên đường tới Paris.

Ngay trước cuộc tập huấn ở Hungary, Thu Vinh và Mộng Tuyền cũng được tạo điều kiện sang Hàn Quốc rèn luyện trong hai tuần và mới chỉ về nước ngày 1/7. Điều này cho thấy bắn súng là một trong những đội tuyển trọng điểm được quan tâm đầu tư và chuẩn bị kỹ càng. Việc xây dựng lịch trình thi đấu, cọ xát và tập huấn xen kẽ là yếu tố không thể thiếu giúp các xạ thủ đạt được kết quả tốt nhất trước khi bước vào thi đấu thực tế.

“Chúng tôi đã có sự chuẩn bị tốt nhất dưới sự đầu tư của ngành thể thao. Các xạ thủ lần đầu được tham dự Olympic nhưng họ đã thể hiện sự tiến bộ và khả năng thi đấu của mình. Mục tiêu của Đội tuyển bắn súng Việt Nam là nỗ lực hướng tới kết quả cao nhất. Chưa tính đến việc giành thành tích huy chương, tất cả những gì ban huấn luyện cùng tuyển thủ đã và đang làm là quyết tâm tập luyện và nỗ lực thi đấu hết khả năng”, Huấn luyện viên trưởng Park Chung-gun nhấn mạnh.

Dù Thu Vinh và Mộng Tuyền luôn thể hiện tinh thần quyết tâm, đây là lần đầu cả hai tham dự một kỳ Olympic nên chắc chắn sẽ có sự bỡ ngỡ. Áp lực thi đấu ở Thế vận hội là không gì so sánh được, đặc biệt khi phải so tài với những đối thủ hàng đầu.

Theo nhận định của các chuyên gia, các xạ thủ Việt Nam cần đặt mục tiêu phải lọt vào vòng chung kết. Bởi, chỉ khi lọt tới vòng đấu cuối cùng, khả năng đoạt huy chương mới mở ra.

Nhìn vào luật thi đấu hiện hành, thành tích lượt bắn chung kết sẽ được tính riêng để xếp loại huy chương, không cộng dồn cùng thành tích vòng loại như trước. Tất nhiên, những xạ thủ dày dạn kinh nghiệm thường có lợi thế giữ được tâm lý vững vàng hơn qua từng vòng đấu. Song, cơ hội không phải không tồn tại mà vẫn sẽ được chia đều cho tất cả các xạ thủ bước được tới chặng cuối cùng.

Bắn súng Việt Nam sẽ tham dự ba nội dung của nữ tại Olympic Paris 2024 là súng ngắn hơi, súng ngắn thể thao (với Thu Vinh) và súng trường hơi (với Mộng Tuyền). Mỗi nội dung có 28 xạ thủ tranh tài. Trên lý thuyết, chúng ta sẽ có ba cơ hội cạnh tranh huy chương tương ứng mỗi nội dung tham dự.

Hiện tại, trên bảng xếp hạng do Liên đoàn Bắn súng thế giới (ISSF) công bố, Trịnh Thu Vinh đang xếp hạng 29 thế giới ở nội dung 25m súng ngắn thể thao nữ. Cô giữ hạng 54 thế giới nội dung 10m súng ngắn hơi nữ. Lê Thị Mộng Tuyền xếp thứ 47 ở nội dung 10m súng trường hơi.

Bất chấp các dự báo cho thấy khả năng giành huy chương là vô cùng khó khăn, Ban huấn luyện đội tuyển khẳng định cả Thu Vinh và Mộng Tuyền đều sẽ quyết tâm thi đấu trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Các cô gái luôn có cho mình niềm tin chuyên môn tuyệt đối và sẽ chuẩn bị để hoàn thành tốt nhất các lượt bắn vòng loại.

Để động viên tinh thần cho các vận động viên, Liên đoàn Bắn súng Việt Nam (VSF) đã công bố mức thưởng 100 triệu đồng cho tập thể trong quá trình chuẩn bị cho Thế vận hội. Với các cột mốc huy chương tại Olympic, VSF treo mức thưởng 500 triệu đồng cho huy chương vàng, 300 triệu đồng cho huy chương bạc và 200 triệu đồng cho huy chương đồng. Bên cạnh đó, VSF cũng kêu gọi nguồn tài trợ xã hội hóa với các mức thưởng bằng hiện vật có giá trị từ 50 đến 700 triệu đồng cho mỗi tấm huy chương tại Olympic.

Rõ ràng, bắn súng Việt Nam không nghĩ quá nhiều về những tấm huy chương ở Olympic Paris 2024. Trước khi Hoàng Xuân Vinh giành kỳ tích tại Olympic Rio 2016, anh cũng đã từng để vuột mất tấm huy chương đồng và đứng ở vị trí thứ 4 tại Thế vận hội London cách đó bốn năm.

Với hai tài năng trẻ như Thu Vinh và Mộng Tuyền, thời gian phát triển vẫn còn rất dài. Song, những gì cần đạt được chính là sự tự tin trên sân khấu lớn và cố gắng ghi nhớ từng khoảnh khắc hồng tâm bị xuyên thủng.