Thể thao Việt Nam

Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực thành tích cao

Cùng với tăng cường đầu tư và huy động các nguồn lực xã hội hóa, việc chú trọng phát triển nguồn lực con người được xem là một trụ cột quan trọng, tạo cơ sở thúc đẩy nền thể thao nước nhà vươn tầm.
Ánh Nguyệt nhận mức hỗ trợ cao kỷ lục sau khi giành vé tham dự Olympic Paris 2024.
Ánh Nguyệt nhận mức hỗ trợ cao kỷ lục sau khi giành vé tham dự Olympic Paris 2024.

SAU hai kỳ Olympic gần nhất trắng tay, thể thao Việt Nam đã dần lộ rõ vấn đề. Chúng ta mới chỉ thi đấu thành công ở sân chơi SEA Games và chưa thể đột phá ở những đấu trường lớn như ASIAD hay Olympic. Thành tích của các vận động viên nước nhà còn tồn tại khoảng cách lớn với nhóm dẫn đầu. Do đó, rất khó hy vọng phép mầu xảy ra.

Từ trước khi Olympic khai màn, hàng loạt vấn đề của thể thao Việt Nam đã được bóc tách. Số lượng đào tạo trẻ của một số môn thể thao thành tích cao còn khiêm tốn. Chúng ta cũng không "dư dả" đội ngũ huấn luyện viên "nội" bảo đảm chất lượng để cải thiện bài toán chuyên môn. Cùng với những câu chuyện muôn thuở (như khó khăn về hệ thống cơ sở vật chất, thiếu kinh phí thuê chuyên gia hay tổ chức các chuyến tập huấn và thi đấu nước ngoài...), tất cả đang góp phần cản trở công tác huấn luyện, kéo tụt thành tích của các vận động viên.

Nhận thức rõ vấn đề này, ngành thể thao đã xác định: Cần phải tập trung mọi nguồn lực cho quá trình phát triển nguồn nhân lực thể thao thành tích cao. Cần phải xây dựng cả đội ngũ vận động viên và huấn luyện viên dồi dào, giàu chất lượng, bên cạnh việc bổ sung thêm nhiều vị trí quan trọng (như giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý...) để hỗ trợ và đáp ứng yêu cầu của quy trình đào tạo.

THEO Đề án "Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035", 16 bộ môn (điền kinh, bơi lội, cử tạ, bắn súng, bắn cung, taekwondo, vật, đấu kiếm, boxing, thể dục dụng cụ, xe đạp, đua thuyền, karate, pencak silat, wushu và bóng đá) đã được lựa chọn trong số 32 bộ môn trọng điểm để tập trung cho công tác đào tạo.

Việt Nam phấn đấu đến năm 2035, tuyển chọn, đào tạo và huấn luyện khoảng 3.700 vận động viên tài năng. Để phục vụ lứa tài năng trẻ này, cần bồi dưỡng khoảng 600 huấn luyện viên, 400 cử nhân, 300 thạc sĩ và 150 tiến sĩ.

Như khẳng định của Cục trưởng Thể dục-Thể thao Đặng Hà Việt, để cải thiện chất lượng chuyên môn của đội ngũ vận động viên, chúng ta sẽ tuyển chọn lứa thế hệ trẻ và phân thành ba nhóm chính. Nhóm 30 cá nhân xuất sắc nhất có khả năng giành huy chương vàng ASIAD và đạt chuẩn Olympic được ưu tiên tập huấn dài hạn nước ngoài. Nhóm có khả năng giành huy chương ASIAD sẽ kết hợp tập huấn trong nước và thi đấu, tập huấn ngắn hạn quốc tế. Cuối cùng, nhóm vận động viên các môn được xã hội quan tâm (như bóng đá, bóng chuyền hay tennis...) phải tận dụng tối đa nguồn lực xã hội hóa kết hợp ngân sách nhà nước nhằm hỗ trợ quá trình đào tạo.

Việc phân chia lực lượng thành các nhóm riêng biệt sẽ giúp những người làm thể thao sớm xác định phương thức cũng như địa điểm đào tạo. Từ đó, chúng ta có thể đẩy mạnh xây dựng lực lượng cán bộ, huấn luyện viên, chuyên gia hay phác thảo những hướng đi cụ thể cho từng môn thể thao .

CỤC trưởng Thể dục-Thể thao Đặng Hà Việt nhấn mạnh: Cần tới 10 năm đào tạo để một "viên ngọc thô" có được những thành tích ban đầu trong hệ thống các giải đấu quốc gia. Trong khi đó, phải tìm kiếm và bồi dưỡng hàng nghìn vận động viên mới có được một "chiến binh" có khả năng vô địch ASIAD hay tranh chấp huy chương Olympic. Đây là quá trình tiêu tốn nhiều tâm huyết, thời gian cũng như kinh phí. Không những vậy, để kế hoạch được thực hiện xuyên suốt, cần có sự hỗ trợ của hệ thống tuyển chọn bài bản ở 63 tỉnh, thành phố cùng các cấp từ tiểu học tới đại học.

Lấy trường hợp Hà Nội làm thí dụ. Nhiều năm qua, Thủ đô luôn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ luyện tập và thi đấu. Thành phố cũng mới ban hành Kế hoạch số 230/KH-UBND ngày 26/8/2022 về xây dựng cơ chế thu hút nhân tài thể dục-thể thao Thủ đô.

Trong đó, giai đoạn 1 (2022-2025) tập trung vào nghiên cứu, đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút các tài năng, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo, bồi dưỡng. Giai đoạn 2 (2026-2030) sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi chế độ, hình thức khen thưởng cho các vận động viên, huấn luyện viên đạt huy chương tại Olympic, và tiếp tục cập nhật điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp tình hình thực tiễn.

Từ đầu năm 2024, các cá nhân giành huy chương vàng, bạc và đồng Olympic sẽ nhận đãi ngộ theo các mức lần lượt là 74,5 triệu, 41 triệu và 33,5 triệu đồng mỗi tháng. Những gương mặt giành vé chính thức tham dự Thế vận hội được hỗ trợ 17 triệu đồng mỗi tháng. Đây là mức đãi ngộ kỷ lục với thể thao trong nước. Đặc biệt, tất cả sẽ được thực hiện liên tục trong bốn năm theo chu kỳ Olympic.

Những quyết sách ấy thể hiện quyết tâm của Thủ đô Hà Nội nhằm thúc đẩy các vận động viên nỗ lực hơn nữa, mang vinh quang về cho địa phương và cả nền thể thao nước nhà.