Để nhịp tim không còn nhảy vọt

Muốn thể thao Việt Nam nâng cao thành tích thi đấu quốc tế, các đội tuyển quốc gia cần cải thiện công tác huấn luyện, đặc biệt là bài toán điều chỉnh tâm lý cho các vận động viên.
 Chính cảm giác lo lắng đã khiến cung thủ Ánh Nguyệt đánh mất sự ổn định.
Chính cảm giác lo lắng đã khiến cung thủ Ánh Nguyệt đánh mất sự ổn định.

Tại kỳ Olympic Paris 2024, Hàn Quốc đã khẳng định sự vượt trội khi giành cả năm tấm huy chương vàng bắn cung. Nếu chỉ tính riêng nội dung đồng đội, các nữ cung thủ Xứ sở Kim chi đã giành chiến thắng tuyệt đối (từ thời điểm Thế vận hội được tổ chức ở Thủ đô Seoul năm 1988). Còn với những đồng nghiệp nam, chức vô địch tại Pháp là lần thứ 7 họ làm được điều này.

Theo Huấn luyện viên Đội tuyển bắn cung Hàn Quốc Im Dong-hyun, ngoài tài năng thiên bẩm và quá trình đào tạo khắc nghiệt, chìa khóa thành công của các vận động viên chủ yếu đến từ bệ phóng tâm lý.

Trong trận bán kết bắn cung ở nội dung đồng đội nam Olympic Paris 2024, cung thủ Kim Je-deok đã thể hiện đẳng cấp khác biệt. Dù bị một chú ong đậu lên tay khi đang thi đấu, vận động viên Hàn Quốc vẫn không chút dao động. Nhịp tim của Kim Je-deok đo được trong khoảnh khắc ấy là 80 nhịp mỗi phút - con số tương ứng nhịp tim của một người trưởng thành đang nghỉ ngơi. Anh bình tĩnh ngắm mục tiêu, đợi chờ con ong bay ra chỗ khác, để rồi thực hiện cú bắn điểm 10.

Nhìn lại màn trình diễn của cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt, cô gái Việt Nam đã có trận đấu ngang sức ngang tài với Mobina Fallah của Iran. Tới lượt bắn mũi tên vàng, Ánh Nguyệt đã phải dừng bước do thiếu chút may mắn. Cả hai cùng đạt điểm 10 nhưng mũi tên của đối thủ nằm ở gần tâm hơn với sự khác biệt chỉ là 0,489 cm.

Ánh Nguyệt đã thi đấu vô cùng xuất sắc. Cô thể hiện sự vượt ngưỡng so với thành tích của chính bản thân mình. Thế nhưng, điều đáng chú ý là nhịp tim của cô đã tăng vọt tới 145 nhịp mỗi phút ở thời điểm quan trọng nhất.

Với các vận động viên chuyên nghiệp, việc duy trì trạng thái tâm lý ổn định qua từng phần thi là điều vô cùng quan trọng. Khi đối mặt áp lực hoặc các tình huống trớ trêu, phần lớn các vận động viên đều phải cố gắng tự mình thoát ra. Bên cạnh đó, các huấn luyện viên chính là người chia sẻ giúp các học trò tăng cường khả năng tập trung, nâng cao sự tự tin, rèn luyện tinh thần vượt khó và quản lý cảm xúc để thi đấu tốt nhất.

Như nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội, muốn nâng cao thành tích thi đấu, các đội tuyển trong nước cần cải thiện công tác huấn luyện, đặc biệt là bài toán điều chỉnh tâm lý cho vận động viên các môn thể thao thành tích cao. Hiện tại, nội dung và thời lượng huấn luyện tâm lý còn thiếu. Các đội tuyển chưa coi trọng việc rèn luyện và vận dụng kỹ năng tự điều chỉnh tâm lý thi đấu.

Để so sánh, quá trình huấn luyện khắc nghiệt của Đội tuyển bắn cung Hàn Quốc gồm rất nhiều bài tập thử thách rèn luyện lòng dũng cảm, như bắt rắn sống bằng tay không, dọn dẹp nước thải trong đô thị hay những buổi huấn luyện giữa đám đông ồn ào... Không những vậy, các vận động viên cũng được làm quen với thiền như liệu pháp duy trì sự tập trung tuyệt đối.

Trước mỗi phần thi Olympic, các vận động viên Việt Nam đều cố gắng duy trì năng lượng tích cực, không tự gây áp lực tâm lý về chỉ tiêu thành tích hay bất cứ lý do nào làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể lực và tinh thần. Dẫu vậy, những vấn đề về tâm lý vẫn xuất hiện.

Thực tế, tâm lý thể thao đã trở thành môn học bắt buộc đối với sinh viên các trường đại học, cao đẳng thể dục thể thao tại Việt Nam. Các cơ quan quản lý thể thao ngày càng chú trọng hơn tới vấn đề này. Nhiều đội tuyển đã nỗ lực áp dụng những phương pháp cân bằng và ổn định tâm lý giúp vận động viên có được sự tập trung tinh thần cao nhất.

Cục trưởng Thể dục-Thể thao Đặng Hà Việt cũng nhiều lần khẳng định quyết tâm thúc đẩy việc xây dựng vị trí việc làm, đào tạo đội ngũ huấn luyện viên tâm lý thể thao. Đầu tháng 5/2024, Chương trình "Đào tạo kỹ thuật huấn luyện tinh thần cho huấn luyện viên các đội tuyển thể thao quốc gia" đã được tổ chức nhằm xây dựng đội ngũ chuyên gia tâm lý thể thao, góp phần giải bài toán áp lực tâm lý cho các vận động viên trước khi tranh tài tại các sân chơi quốc tế.

Trở lại với kỳ Olympic Paris 2024, sau khi vượt qua vòng loại, Ánh Nguyệt từng chia sẻ chính cảm giác lo lắng đã khiến cô đánh mất sự ổn định. Cô cũng rút ra bài học "không được run như ở vòng phân hạng để có thể thi đấu tốt hơn". Song, dù quyết tâm, rất khó để điều chỉnh nhịp tim trong những giây phút căng thẳng.

Thể thao Việt Nam sở hữu nhiều tài năng triển vọng như Ánh Nguyệt (bắn cung) hay Trịnh Thu Vinh (bắn súng) - những bộ môn đòi hỏi sự đầu tư đặc biệt về yếu tố tâm lý. Chú trọng giải quyết điểm nghẽn này sẽ là một trong những giải pháp quan trọng giúp chúng ta hiện thực hóa mục tiêu giành huy chương Olympic.