“Tư duy xanh” trong sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng

Trong quá trình phát triển đô thị, việc sử dụng vật liệu thân thiện, vật liệu xanh là vô cùng cần thiết. Song nếu không có các chính sách cụ thể, cơ chế rõ ràng thì vật liệu xây dựng xanh sẽ vẫn khó tiếp cận thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Một dây chuyền sản xuất gạch không nung. Ảnh: QUỲNH NGA
Một dây chuyền sản xuất gạch không nung. Ảnh: QUỲNH NGA

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn

Trước hết, phải xác định: Vật liệu xây dựng xanh là các loại vật liệu được sản xuất và sử dụng mà không gây ra tác hại đến môi trường, có khả năng tái chế hoặc tự phân hủy. Quá trình sản xuất vật liệu xây dựng xanh phải bảo đảm hai tiêu chí: Tiêu tốn ít năng lượng để sản xuất ra vật liệu xây dựng; khi sử dụng vật liệu không hao tốn nhiều năng lượng.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương và ban hành nhiều văn bản nhằm khuyến khích sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp và hiệu quả năng lượng cho lĩnh vực xây dựng nói chung và xây dựng nhà ở nói riêng. Tuy nhiên, sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng xanh ở nước ta còn hạn chế, chưa như kỳ vọng. Nguyên nhân là do việc thực hiện các cơ chế chính sách đã được ban hành còn những bất cập; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về vật liệu xây dựng xanh chưa được đầy đủ, chưa có cơ chế chính sách khuyến khích sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng xanh, do đó gây tâm lý e ngại cho các chủ đầu tư, các nhà tư vấn thiết kế và người dân. Đó là chưa kể đến năng lực tài chính của nhà đầu tư chưa đủ mạnh để đầu tư công nghệ, các sản phẩm làm ra chưa đủ chất lượng, chưa đủ sức thuyết phục người tiêu dùng.

Tính đến năm 2023, nước ta có 2.500 cơ sở sản xuất gạch xây không nung với tổng công suất thiết kế 15 tỷ viên tiêu chuẩn/năm, nhưng sản lượng tiêu thụ rất chậm, sụt giảm nghiêm trọng (nếu năm 2019 sản lượng tiêu thụ đạt 4,8 tỷ viên thì đến năm 2023 chỉ ước đạt 2,8 tỷ viên) dẫn đến nhiều doanh nghiệp sản xuất đã tạm ngừng hoạt động, một số khác hoạt động chỉ đạt 30-50% công suất do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do giá nguyên liệu đầu vào cao, kéo theo giá sản phẩm đầu ra cao, nên thị trường khó tiêu thụ. Ở một lĩnh vực sản xuất khác, từ năm 2010, Việt Nam đã có 12 nhà máy sản xuất bê-tông khí chưng áp (AAC), nhưng đến nay chỉ còn bốn nhà máy hoạt động.

Tổng thể các giải pháp

Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn các loại vật liệu xanh, thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng, Việt Nam cần quan tâm đến tổng thể của lĩnh vực sản xuất vật liệu xanh. Theo đó, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp và hiệu quả năng lượng (chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng xanh về đầu tư, tài chính, thuế,... góp phần giảm giá thành sản phẩm; chính sách về ưu đãi cho các công trình sử dụng vật liệu xây dựng xanh). Đồng thời, phải có chế tài để xử lý các trường hợp vi phạm việc thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách đã ban hành.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về vật liệu xây dựng xanh, công trình xanh và lợi ích mà chúng mang đến cho chủ đầu tư và người sử dụng nói riêng, toàn xã hội nói chung, để thay đổi thói quen trong việc sử dụng vật liệu xây dựng. Về phía các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, cần tiếp tục tìm mọi giải pháp, đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất, cải tiến quản trị doanh nghiệp, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ 4.0... để ổn định và nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng xanh. Về lâu dài, chúng ta cần đào tạo nhân lực trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, để có những người có kỹ thuật cao, vận hành máy móc, thậm chí sáng tạo thêm các loại vật liệu thân thiện môi trường.

Hiện nay, Viện Vật liệu xây dựng thực hiện nghiên cứu đối với các sản phẩm chủ yếu: Xây dựng cơ sở dữ liệu về vòng đời sản phẩm; xây dựng các tiêu chí dán nhãn năng lượng, nhãn xanh; nghiên cứu xây dựng định mức tiêu hao năng lượng; nghiên cứu xây dựng hệ số phát thải khí nhà kính; nghiên cứu, đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm theo yêu cầu của sản phẩm mới. Trong đó, yêu cầu cơ bản khi xây dựng tiêu chí cho nhãn vật liệu xây dựng sinh thái/vật liệu xanh bao gồm: phải cung cấp thông tin chính xác về các khía cạnh môi trường của một sản phẩm; không tạo ra các rào cản không cần thiết cho thương mại quốc tế; được xây dựng dựa trên các phương pháp luận khoa học đầy đủ và hoàn chỉnh; thông tin phải sẵn có và cung cấp theo yêu cầu của các bên liên quan; không được kìm hãm sự đổi mới, hướng tới cải thiện tính năng môi trường của sản phẩm.