Cảnh tượng này được ghi lại và đăng tải lên mạng, khiến cộng đồng dậy sóng. “Làm sao mà một đứa trẻ có thể lái xe, có khi nào nghĩ đến hậu quả không?”, người đàn ông nói. Hơi ngẫm nghĩ một chút, người phụ nữ lên tiếng: “Cái đáng sợ không phải là đứa bé, mà là người cha, khi để con mình làm một việc nguy hiểm như vậy. Một hành động coi thường tính mạng, coi thường an toàn giao thông cần phải xử lý nghiêm!”.
Những sự việc như lái xe khách vừa nghe điện thoại, chơi game; thậm chí dùng 2 điện thoại khi đang cầm vô lăng, hay người cha giao vô lăng cho con gái nhỏ, chỉ là một phần trong bức tranh toàn cảnh mà chúng ta đang đối mặt. Tại sao những hành vi thiếu ý thức, coi thường tính mạng này vẫn tồn tại, bất chấp những chế tài xử lý và nỗ lực của cơ quan chức năng? Những khoản phạt tiền, trừ điểm giấy phép lái xe, tuy có thể gây áp lực nhưng dường như chưa đủ mạnh để thay đổi thói quen và nâng cao ý thức của người vi phạm. Đặc biệt là trong các tình huống nguy hiểm, như vừa lái xe vừa chơi game hay nghe điện thoại, mức phạt hiện tại vẫn chưa làm người vi phạm nhận thức được đầy đủ mức độ nghiêm trọng của hành vi đó.
Thêm vào đó, vấn đề cấp phép lái xe cũng cần được xem xét lại. Mặc dù Nghị định 168 đã có những cải tiến và đưa ra các mức xử phạt cao hơn cho các vi phạm giao thông nghiêm trọng, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính, sẽ khó có thể thay đổi được tình trạng này. Để ngăn chặn những vi phạm này, cần phải có biện pháp mạnh mẽ hơn, thậm chí là xử lý hình sự đối với những hành vi gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của người khác.
Một giải pháp khác không thể thiếu là việc gia tăng giám sát từ cộng đồng. Cảnh sát giao thông có thể tận dụng công nghệ hiện đại để giám sát các hành vi vi phạm, nhưng sự tham gia của người dân cũng rất quan trọng. Việc công khai số điện thoại đường dây nóng, hoặc một ứng dụng di động, fanpage chính thức để hành khách có thể gửi thông tin, hình ảnh, video về các vi phạm giao thông sẽ giúp cảnh sát giao thông kịp thời xử lý tình huống.
Trong thời đại số, khi mỗi hành vi vi phạm có thể bị ghi lại và chia sẻ ngay lập tức, việc đẩy mạnh sự giám sát từ cộng đồng sẽ giúp cảnh sát giao thông phát hiện sớm và xử lý kịp thời lái xe lẫn các “nhà xe”. Những hành động như vậy sẽ khiến mọi người tham gia giao thông ý thức hơn về hậu quả của hành vi vi phạm, vì họ sẽ biết rằng không chỉ cơ quan chức năng mà cộng đồng cũng đang theo dõi và lên án những hành động nguy hiểm.