Hai bên đường có nhiều cơ sở sản xuất tăm tre và làm hương với các loại máy dùng để chẻ, cắt gọt… chạy liên tục, bụi gỗ tạo một “màn sương” mờ, đi xe máy đeo khẩu trang vẫn ngửi rất rõ và đeo kính cũng không ngăn được bụi nguyên liệu vào mắt. Vậy thì người dân làm trực tiếp và sinh sống trên địa bàn mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm nhận vào mũi, vào phổi nhiều đến thế nào!
Không ít địa phương khác, nơi tự hào về nghề truyền thống, hoặc nghề thủ công xuất hiện sau này, như nghề mộc với việc đóng đồ nội thất hoặc đục chạm tượng, hàng mỹ nghệ; như nghề làm chổi chít…, thì trong và ngoài không gian sản xuất thường xuyên mờ bụi gỗ. Vỏ bào gỗ hay các vụn cây chít làm chổi còn quét vun lại được, chứ bụi gỗ, bụi thân và bông chít thì làm sao mà kiểm soát!
Dư luận từng hoang mang vì mức độ ô nhiễm ghê gớm của các làng đồng nát, phế liệu trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên…, nơi tập kết về rất nhiều loại nguyên vật liệu kim loại, giấy, nhựa từ các thiết bị cũ, hỏng, thậm chí là hàng loạt đống ắc-quy cũ có gắn chì…
Tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước, nguy cơ nhiễm các bệnh về hô hấp, về mắt, về tiêu hóa… ở các địa bàn như vừa kể trên bị thả nổi hoặc giải quyết thật chậm chạp. Mâu thuẫn tồn đọng lâu dài là làng nghề phải phát triển, doanh nghiệp, tiểu chủ phải làm ăn, người lao động phải có việc làm, nhưng càng sản xuất thì “bụi nghề, mùi nghề” càng khốc liệt, gây ảnh hưởng trực tiếp và sẽ còn dai dẳng, sẽ để lại nhiều hệ quả sau này.
Trong bối cảnh đa xu thế phát triển hiện nay, có bao nhiêu đòi hỏi đối với các làng nghề như thế. Cao nhất là xu thế sản xuất an toàn, sạch, xanh, bền vững đòi hỏi phải bảo vệ người lao động, giữ gìn không gian chung sống của cộng đồng. Xu thế liên kết đòi hỏi giữ gìn môi trường trong lành và cảnh quan xanh, sạch, đẹp để phát triển du lịch. Xu thế ứng dụng khoa học, công nghệ đòi hỏi cải tiến thiết bị, kỹ thuật, trang bị kỹ năng để sản xuất hiệu quả hơn, người lao động khỏe hơn… Tất cả đều có yêu cầu chung thiết yếu và cấp bách là giải quyết, phòng và chống ô nhiễm.
Vậy thì cần nghiên cứu các tiêu chí, tiêu chuẩn bảo vệ về không khí, bụi, mùi, tiếng ồn và áp dụng bắt buộc tại các làng nghề, địa bàn sản xuất như trên, có khuyến cáo và xử lý nghiêm khắc nếu vi phạm, tái phạm. Cần xây dựng, lắp đặt các thiết bị góp phần xử lý, làm giảm ô nhiễm ở quy mô cơ sở riêng lẻ cho đến hệ thống cho cả quần thể sản xuất. Cần quy hoạch, phân bố lại các cơ sở sản xuất để có sự tách biệt không gian cư trú, sinh hoạt của cộng đồng. Cần trồng thật nhiều nữa lượng cây xanh và tái tạo mặt nước vốn đã ít ỏi, nhỏ hẹp ở các địa bàn làm nghề…