Đây là vấn đề đã tồn tại lâu nay, gây nên nhiều bức xúc, không chỉ với những cư dân ở gần nguồn gây ô nhiễm (cạnh các nhà máy, khu, cụm công nghiệp, làng nghề) mà đã trở thành mối quan tâm của các cấp chính quyền. Đã có những chỉ đạo từ Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan cấp bộ tập trung vào việc xử lý ô nhiễm môi trường.
Khoan nói về các nguồn gây ô nhiễm, bởi về cơ bản nó chẳng bao giờ tự nhiên xuất hiện trong… không khí mà phải đến từ nơi phát thải. Cái cần bàn tới là giải quyết tình trạng đó ra sao, các bước tiến hành thế nào, theo lộ trình hay ngay lập tức…?
Còn nhớ, sau chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm cách đây vài tháng, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã khẩn trương thị sát sông Tô Lịch nhằm tìm phương án giải quyết ô nhiễm. Để rồi sau đó đã có những người phải thốt lên “không thể ngờ rằng có thể cải thiện mức độ ô nhiễm của dòng sông như thế”. Thực tế ấy đã chứng minh “sức ỳ” của bộ máy rõ ràng là có thể tái khởi động, nếu như chúng ta quyết liệt, thường xuyên thúc đẩy nó hoạt động.
Tương tự, ngay sau khi nhận được phản ánh về sự ô nhiễm của cống Đan Hoài (khu vực Hoài Đức), người dân đã thấy có sự xuất hiện của những bóng áo xanh tình nguyện cùng nhau dọn rác, khơi thông dòng chảy giúp dân… Những ngày gần đây, nhiều người dân vẫn phấn khởi truyền tay nhau những đoạn clip ghi hình dòng nước trong xanh hơn chảy qua cống Đan Hoài.
Dẫn chứng vài câu chuyện cũ, để thấy rằng, khi đối mặt với một vấn đề nan giải, thay vì thốt ra câu trả lời “không thể” thì nên lao vào thực tế để trực tiếp tìm kiếm đáp án. Điều đó có lẽ sẽ giúp chúng ta có được những kết quả tốt đẹp, thậm chí là ngoài mong đợi.