Đây là một ý kiến về giải pháp nằm trong hệ thống lớn hơn của vấn đề bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích, danh thắng; phát triển du lịch văn hóa; phát huy giá trị kinh tế của văn hóa.
Có đề xuất này cũng là từ thực tế việc chăm nom, tu bổ các di tích còn nhiều khó khăn; ngân sách không thể nào gánh vác hết được. Thêm nữa, cũng là nhấn mạnh vào trách nhiệm của đối tượng hưởng thụ văn hóa khi đến di tích, khi được vào tham quan, chiêm bái, cúng lễ, được thỏa mãn nhu cầu tâm linh, thì cũng cần đóng góp để duy trì, chăm sóc công trình, không gian văn hóa, tâm linh đó chứ! Đây là những đề xuất chính đáng, có cơ sở. Và thực tế nhiều năm qua, việc bán vé tại các điểm đến là di tích, danh thắng nổi tiếng cũng không có gì lạ với công chúng.
Tuy nhiên, việc áp dụng, triển khai thế nào phải rất linh hoạt, sát thực, phù hợp với văn hóa, đời sống, nếp sống các địa phương, địa bàn dân cư. Cũng như không nên cứng nhắc, áp đặt ngay từ khâu hiến kế cho đến khi có những nơi nào đó thực hiện thu phí. Có một số thực tế như thế này rất cần tham khảo. Thí dụ, đã có nhiều di tích, danh thắng bỏ việc bán vé vào và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo du khách. Khi du khách, khách thập phương đến các điểm này, thì gửi tiền công đức, giọt dầu cũng đáng kể. Hoặc, ngược lại, không phải ở những nơi rất nổi tiếng, mà ở các di tích quy mô vừa phải, nhỏ gọn nơi thôn làng, phường phố đã được xếp hạng, nơi người dân sở tại đã quen đến lễ lạt, hương khói vào mồng Một, ngày rằm, lễ, Tết…, thì nếu phải mua vé để vào, liệu có phù hợp không? Mà số lượng di tích nằm trong đời sống cộng đồng như thế mới là lớn, là chủ yếu. Nay tác động vào một thói quen thân thuộc lên đình, đền, ra chùa… của đông đảo người dân, là cả một việc lớn cần nghiên cứu, tính toán thật kỹ.
Nên có sự bàn thảo, đón nhận nhiều chiều ý kiến quanh vấn đề này. Và đưa ra nhiều phương án khác nhau phù hợp với văn hóa, nếp sống, thói quen các vùng miền, địa phương. Thí dụ, với những khu di tích, danh thắng là điểm đến du lịch, phải chi tiêu cho các hoạt động bảo vệ, dọn dẹp, tôn tạo cảnh quan… thì việc bán vé là hợp lý. Còn với những di tích kiểu như “chùa của làng, đình của dân, đền trong phố” thì không nên. Và với mọi di tích, danh thắng thì tích cực tuyên truyền với mọi người về giá trị và trách nhiệm cùng đóng góp cho di tích; phát đi những thông điệp đề nghị xã hội hóa, đề nghị khách thập phương cùng hỗ trợ việc chăm sóc, duy trì tuổi thọ lâu dài hơn cho di tích…
Làm sao để hướng tới sự đồng thuận, ủng hộ và hài hòa quyền lợi, trách nhiệm. Đặc biệt là trong lĩnh vực đời sống văn hóa, tâm linh vốn gắn bó mật thiết với đời sống đông đảo người dân ở các địa phương, địa bàn cơ sở.