Trước cơ hội thay đổi

Giải quyết xung đột, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm đói nghèo, bất bình đẳng và cải cách hệ thống quản trị toàn cầu… năm 2024 tiếp tục thử thách hợp tác quốc tế trong năm nay. Song, trong thách thức vẫn ẩn chứa cơ hội, để thế giới thay đổi, tái thiết chủ nghĩa đa phương, hướng tới tiến trình chuyển đổi mạnh mẽ trên toàn cầu. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi biến 2025 thành “năm chữa lành”, để hàn gắn chia rẽ, xoa dịu nỗi đau, xây đắp tương lai hòa bình và phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: OSVAL
Biếm họa: OSVAL

Cuộc chiến ở Dải Gaza, xung đột ở Ukraine và Sudan, vốn gây hậu quả nghiêm trọng về nhân đạo, cũng như diễn biến tình hình Syria, sẽ giữ vị trí trung tâm trong chương trình nghị sự về hòa bình an ninh toàn cầu. Bởi thế, các cuộc đàm phán giải quyết những cuộc xung đột dai dẳng chắc chắn sẽ tiếp tục và được đẩy mạnh hơn trong năm 2025. Cộng đồng quốc tế nỗ lực đưa các cuộc xung đột đến gần ngưỡng “được giải quyết”, song theo giới quan sát, kịch bản khả thi chỉ là ngừng chiến sự, chứ hòa bình bền vững vẫn không chắc chắn.

Xung đột ở Trung Đông cho thấy sự mong manh của chiến lược ngừng bắn, do thiếu sự đồng thuận trong tìm kiếm giải pháp lâu dài. Thực tế, lệnh ngừng bắn tạm thời trong cuộc chiến giữa Israel và phong trào Hezbollah ở Lebanon chỉ như một “khoảng dừng”, hơn là bước đầu tiên hướng tới giải quyết xung đột. Song, đây vẫn là cơ hội “truyền cảm hứng” tới cuộc chiến ở Gaza vốn đã bước sang năm thứ hai, với hậu quả là hơn 45.000 người thiệt mạng. Cả cuộc chiến ở Gaza, lẫn xung đột ở Ukraine, đều được dự đoán có bước ngoặt lớn, một phần xuất phát từ quan điểm của chính phủ mới ở Mỹ. Tổng thống đắc cử Donald Trump từng công khai mục tiêu thúc đẩy thoả thuận ngừng bắn, giải thoát con tin ở Gaza và chấm dứt xung đột tại Ukraine “chỉ trong 24 giờ”.

Cùng những thách thức về hòa bình và an ninh, cục diện chính trị và kinh tế toàn cầu cũng được dự báo biến động phức tạp, do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ “năm siêu bầu cử”, với khoảng 60 quốc gia, vùng lãnh thổ tổ chức các cuộc bầu cử trong năm 2024. Các cuộc bầu cử tại Mỹ, Nghị viện châu Âu (EP), cho đến các nền kinh tế lớn và mới nổi, như Nga, Ấn Độ, Anh, Nhật Bản, Indonesia, Mexico…, tạo ra những thay đổi lớn về chính trị và sẽ tác động tới sự ổn định và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Xu hướng trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, bảo hộ thương mại được cho là rõ nét hơn trong năm 2025. Theo nghiên cứu của Viện Dân chủ quốc tế (NDI), tỷ lệ ủng hộ các lực lượng dân tuý tăng mạnh tại nhiều nước, nhất là ở châu Âu và Mỹ latin. Sự trỗi dậy của các phái cánh hữu đặt ra những thách thức mới cho tiến trình hội nhập ở châu Âu, trong khi bất ổn chính trị tại Pháp và Đức làm suy yếu vai trò của liên minh giữa hai “đầu tàu” của Liên minh châu Âu (EU), làm giảm tốc cải cách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế châu lục.

Chính sách “Nước Mỹ trước tiên” trở lại cùng “Chính quyền 2.0” của ông Trump được cả thế giới quan tâm, bởi tác động không chỉ với các đối thủ cạnh tranh, mà với cả đối tác và đồng minh của Washington. Xu hướng bảo hộ của nước Mỹ hé lộ với một loạt tuyên bố chính sách từ “chủ nhân” mới của Nhà trắng, nhất là siết chặt biên giới và trục xuất người nhập cư, áp thuế cao với hàng hóa nhập khẩu, yêu cầu các đồng minh chia sẻ trách nhiệm tài chính lớn hơn, thậm chí ngừng các khoản đóng góp và vai trò quốc tế của Mỹ. Không chỉ xới lại tranh cãi cũ, chủ trương “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” có thể dẫn tới cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với các đối tác, tác động sâu rộng và gây tổn thất lớn cho kinh tế toàn cầu.

Trước nhiều biến động, kinh tế thế giới được dự đoán duy trì đà phục hồi, song tăng trưởng chậm lại và đối mặt nguy cơ bất ổn gia tăng. Các thiết chế tài chính, tiền tệ thế giới và tổ chức xếp hạng quốc tế có chung nhận định, kinh tế toàn cầu năm 2025 tăng trưởng vừa phải. Thương mại toàn cầu khó khăn hơn, do chịu tác động từ tranh chấp về thuế quan và xu hướng bảo hộ thương mại. Cạnh tranh và xu hướng bảo hộ trong lĩnh vực công nghệ cũng rõ nét hơn, với cuộc chạy đua phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và những công nghệ tiên tiến, cũng như cạnh tranh khốc liệt hơn trong ngành công nghiệp bán dẫn, chính sách bảo hộ đối với xe điện…

Năm 2024 đã xô đổ kỷ lục “năm nóng nhất” của năm trước đó; và năm 2025 tiếp tục được dự báo là một trong ba năm nóng nhất trong lịch sử. Nhiệt độ trung bình của Trái đất đã tăng 1,5oC so mức thời tiền công nghiệp, đánh dấu sự leo thang nguy hiểm của biến đổi khí hậu, cũng như thất bại của nỗ lực kiềm chế tốc độ nóng lên toàn cầu dưới “ngưỡng lý tưởng” theo Thỏa thuận Paris năm 2015. Năm 2025, Hội nghị lần thứ 30 các bên tham gia Công ước LHQ về biến đổi khí hậu (COP30) được tổ chức tại Brazil, một trong những quốc gia cam kết mạnh mẽ về hành động khí hậu, dấy lên hy vọng về động lực toàn cầu mới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

“Vết sẹo chưa lành” từ đại dịch Covid-19 tiếp tục làm gia tăng bất bình đẳng giữa các quốc gia. Theo LHQ, khoảng cách giữa các quốc gia phát triển và kém phát triển nhất tăng mạnh, nhiều quốc gia vẫn chưa thể phục hồi chỉ số phát triển con người (HDI) giai đoạn trước đại dịch. Nợ công toàn cầu lên mức kỷ lục mới, do chi tiêu lớn ở các nước đang phát triển trong tiến trình phục hồi sau đại dịch, cũng như chống chọi và thích ứng biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, thế giới đã đi qua một phần ba chặng đường thực hiện các Mục tiêu phát triển (SDG) của LHQ vào năm 2030, nhưng hầu hết các SDG chưa thể tới đích. Hội nghị quốc tế về tài trợ phát triển, diễn ra tại Tây Ban Nha năm 2025, được kỳ vọng có thêm những cam kết tài trợ mới, hỗ trợ các nước nghèo. LHQ kỷ niệm tuổi 80 vào năm 2025, mục tiêu cải tổ tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh càng trở nên cấp bách. Nỗ lực “cất cao tiếng nói”, khẳng định vị thế trong hệ thống quản trị toàn cầu thời đại mới sẽ được các nước đang phát triển tăng cường hơn nữa.

Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh, thế giới đang đứng trước cơ hội quan trọng để cùng nhau giải quyết thách thức một cách trực diện, tập trung vào hành động tập thể vì tương lai hòa bình và phát triển bền vững. Từ việc giải quyết xung đột, khơi thông nguồn lực bảo đảm tài chính cho phát triển, đến thúc đẩy hành động vì khí hậu, con đường phía trước đòi hỏi sự hợp tác, thỏa hiệp và cam kết không lay chuyển đối với các giá trị của chủ nghĩa đa phương.