TRUNG TÂM DU LỊCH CỦA ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG TRONG TƯƠNG LAI

Theo “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050”, Hà Nam sẽ trở thành “trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng của Vùng thủ đô Hà Nội và Ðồng bằng sông Hồng”. Ðể hiện thực hóa mục tiêu trở thành “điểm du lịch cuối tuần quen thuộc” với du khách Hà Nội, “điểm du lịch cần phải đến” với du khách miền bắc, “điểm du lịch cần khám phá” với du khách nội địa vùng khác cũng như khách quốc tế, ngành du lịch Hà Nam đang tích cực triển khai đồng bộ rất nhiều đầu việc.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc chùa Tam Chúc thuộc khu du lịch quốc gia Tam Chúc - trọng tâm phát triển của du lịch Hà Nam.
Một góc chùa Tam Chúc thuộc khu du lịch quốc gia Tam Chúc - trọng tâm phát triển của du lịch Hà Nam.

“Ðiểm nhấn” tài nguyên du lịch nhân văn

Là vùng đất nằm lọt giữa bốn dòng sông lớn trấn giữ bốn phương, sông Hồng phía đông - sông Đáy phía tây - sông Châu phía bắc và sông Vị Hoàng phía nam, địa danh này cũng là tâm điểm của một vòng tròn khép kín quy tụ các kinh đô - cố đô cùng đô thị cổ nổi tiếng như kinh đô Thăng Long (Hà Nội) - cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) - phủ Thiên Trường (Nam Định) và đô thị cổ Phố Hiến (Hưng Yên).

Bên cạnh nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú với những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp như Kẽm Trống, hang Luồn, Bát Cảnh Sơn, Ngũ Động Sơn, hồ Tam Chúc..., bao thế hệ người dân Hà Nam còn không ngừng sáng tạo, đắp bồi nên một kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể giàu bản sắc.

Không chỉ là “chủ nhân” của những bảo vật quốc gia vô giá như Trống đồng Ngọc Lũ hay Bia Sùng Thiện Diên Linh, tính đến năm 2021, địa phương này hiện sở hữu tới 222 di tích, cụm di tích đã xếp hạng (trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt; 92 di tích cấp quốc gia; 128 di tích cấp tỉnh).

Một kho tàng nghệ thuật dân gian độc đáo (Múa hát Dậm Quyển Sơn - Kim Bảng, hát Trống quân - Thanh Liêm, múa hát Lải Lèn - Lý Nhân; hát giao duyên vùng ngã ba sông Móng...) và những lễ hội mang bản sắc riêng có của vùng núi Đọi - sông Châu (như Lễ hội chùa Bà Đanh - chùa Long Đọi Sơn - đền Lảnh Giang; Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, Vật võ Liễu Đôi, Lễ phát lương Đức Thánh Trần...) cũng là nguồn tài nguyên nhân văn dồi dào mà mảnh đất này may mắn được bao thế hệ cha ông lưu giữ và trao truyền.

Không dừng lại ở đó, danh mục những làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như Làng trống Đọi Tam, Làng lụa Nha Xá, Làng nghề sừng mỹ nghệ Đô Hai, Làng mây tre đan Ngọc Động, Làng nghề thêu ren Thanh Hà... cùng những tinh hoa ẩm thực nức tiếng như cá kho Nhân Hậu, chuối ngự Đại Hoàng, bánh cuốn chả Phủ Lý, dê núi Kim Bảng... cũng trở thành thỏi nam châm tỏa ra sức hấp dẫn khó cưỡng với đông đảo du khách trong và ngoài nước, khi lựa chọn Hà Nam làm điểm dừng chân khám phá.

TRUNG TÂM DU LỊCH CỦA ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG TRONG TƯƠNG LAI ảnh 1

Lụa tơ tằm Nha Xá - sản phẩm truyền thống tiêu biểu của tỉnh Hà Nam. Nguồn | Báo Hà Nam

Bởi vậy, bản quy hoạch tổng thể kể trên cũng chỉ ra những loại hình du lịch thế mạnh của địa phương, trong đó nhấn mạnh sinh thái - tâm linh, giải trí - sáng tạo, văn hóa là những dòng sản phẩm du lịch độc đáo cần được ưu tiên phát triển.

Hướng tới cái đích “phát triển Hà Nam thành điểm du lịch hấp dẫn với sự kết hợp hài hòa các loại hình du lịch sinh thái, sáng tạo và nhân văn”, Hà Nam cũng đặt ra mục tiêu thu hút 7,6 triệu lượt khách năm 2030 (trong đó có 780 nghìn lượt khách quốc tế), tổng thu 10,3 nghìn tỷ đồng và đóng góp 10% GRDP toàn tỉnh.

Biến tiềm năng thành lợi thế phát triển bền vững

Theo đánh giá chung của UBND tỉnh Hà Nam, “tỉnh có vị trí địa kinh tế-chính trị thuận lợi, nằm kề thủ đô trên trục hành lang bắc-nam, lại là cửa ngõ quan trọng của các tỉnh đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía nam vào Hà Nội. Đó là lợi thế so sánh rất quan trọng tạo cơ hội giúp Hà Nam thu hút mạnh mẽ thị trường khách du lịch xuyên Việt, thị trường khách du lịch cuối tuần của thủ đô cùng các tỉnh lân cận”.

Vì thế, hợp tác phát triển du lịch là nhóm giải pháp được tỉnh đặc biệt quan tâm, chú trọng. Không chỉ liên kết chặt chẽ với các vùng đầu mối tập trung khách du lịch của cả nước (như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh) để tìm kiếm, kết hợp với các đơn vị lữ hành lớn trong việc khai thác và tổ chức các tour mới mẻ, hấp dẫn cho tỉnh, Hà Nam còn chủ động phát triển liên kết khu vực tiểu vùng (Hà Nam - Hà Nội - Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hưng Yên). Ngoài ra, tỉnh còn kết hợp với các khu du lịch trọng điểm của vùng đồng bằng sông Hồng để hình thành các trục du lịch văn hóa - tâm linh độc đáo theo các tuyến chính như Bái Đính - Tràng An - Tam Chúc, Chùa Hương - Tam Chúc...

TRUNG TÂM DU LỊCH CỦA ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG TRONG TƯƠNG LAI ảnh 2

Địa Tạng Phi Lai tự - điểm đến thu hút du khách bậc nhất tại Hà Nam hiện nay.

Nhờ đó, du lịch Hà Nam đã gặt hái được những kết quả khả quan trong thời gian gần đây. Theo số liệu do Phòng Quản lý du lịch (Sở VHTTDL Hà Nam) cung cấp, năm 2022 vừa qua, lượng khách đến với địa phương này đạt 3.154.000 lượt (đạt 119% so với kế hoạch), trong đó có 142.100 lượt khách quốc tế và 3.011.400 lượt khách nội địa, tổng thu 2.152,5 tỷ đồng (đạt 121% so với kế hoạch 2022). Nửa năm đầu 2023 thu hút được 3.418.000 lượt khách (đạt 180,53% so với cùng kỳ 2022 và 89,95% kế hoạch 2023), trong đó đón khoảng 78 nghìn lượt khách quốc tế cùng 3.340 nghìn lượt khách nội địa, tổng thu ước đạt 2.670 tỷ đồng (đạt 207, 9% so với cùng kỳ 2022 và 85,8% kế hoạch 2023).

Ở chiều ngược lại, lợi thế nằm kề thủ đô trên trục hành lang bắc - nam cũng tiềm ẩn yếu tố bất lợi, khi du khách thường coi Hà Nam như một điểm dừng chân trung chuyển, ghé qua thăm thú vài điểm du lịch trong ngày rồi tiếp tục lên đường. Bởi thế, tuy đạt tốc độ hồi phục khá nhanh sau thời gian đình trệ vì đại dịch Covid-19 nhưng như ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nam đã thẳng thắn chỉ ra, “lượng khách tăng mạnh nhưng tổng thu còn thấp, các chỉ tiêu về ngày khách - lưu trú bình quân - doanh thu còn hạn chế, dịch vụ - sản phẩm du lịch chưa đa dạng nên khó thuyết phục khách tăng mức chi tiêu”.

TRUNG TÂM DU LỊCH CỦA ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG TRONG TƯƠNG LAI ảnh 3

Chùa Bà Đanh - ngôi chùa từng đi vào thành ngữ quen thuộc "Vắng như chùa Bà Đanh", một điểm đến tâm linh nổi tiếng của tỉnh Hà Nam.

Chính vì vậy, nỗ lực đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch là những giải pháp mà ngành du lịch Hà Nam đang tập trung thực hiện. Theo Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Nguyễn Văn Trọng, “triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ-TU ngày 15/12/2021 của Tỉnh ủy, trong thời gian tới, Hà Nam tập trung phát huy thế mạnh của Khu du lịch Tam Chúc để thu hút các dịch vụ du lịch chất lượng cao, tập trung mời gọi đầu tư để sớm hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng - sinh thái mang tầm quốc gia và quốc tế. Tập trung phát triển sáu phân khu chức năng, trên diện tích 4.000 ha vùng lõi ưu tiên, khu du lịch này phấn đấu đón 3,5 triệu lượt khách vào năm 2025, nâng tổng số khách tới Hà Nam đạt 5 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt ngưỡng 6 nghìn tỷ đồng”.

Ngoài việc nâng cao chất lượng 12 tuyến, điểm du lịch của tỉnh (Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền thờ 10 nữ liệt sĩ dân quân phòng không Lam Hạ, Khu di tích lịch sử quốc gia Đình Vĩnh Trụ, chùa Bà Đanh - Núi Ngọc, chùa Địa Tạng phi lai, đền Lăng, đền Trúc - Ngũ Động Sơn, đền Lảnh Giang, Từ đường nhà thơ Nguyễn Khuyến, Khu tưởng niệm nhà văn Nam Cao, Khu di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh động viên cán bộ và nhân dân Hà Nam chống hạn, đền Trần Thương và chùa Đọi Sơn), dòng sản phẩm du lịch golf cùng hệ sinh thái hỗ trợ cũng trở thành sản phẩm thế mạnh, được kỳ vọng sẽ mang lại sự khởi sắc cho du lịch tỉnh nhà.

TRUNG TÂM DU LỊCH CỦA ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG TRONG TƯƠNG LAI ảnh 4

Góc nhìn toàn cảnh đền Trần Thương - Nguồn: Vietnamnet

Nếu sân golf Kim Bảng là một trong những sân golf quốc tế lớn nhất Việt Nam với quy mô 36 lỗ thì sân golf Tượng Lĩnh là tổ hợp thể thao - nghỉ dưỡng cao cấp. Trải thảm mời gọi thành công một số tập đoàn lớn như BRG, Sun Group... đầu tư hoàn thiện các khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí, hình thành các khu thương mại - dịch vụ cao cấp, khu nghỉ dưỡng như một dòng sản phẩm hỗ trợ du lịch golf cũng là nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm du lịch cần được ghi nhận. Dự kiến trong vòng ba năm tới, dòng sản phẩm này sẽ hoàn thiện và được kỳ vọng thu hút đông đảo lượng khách lưu trú từ Hà Nội và các tỉnh lân cận về với Kim Bảng, thay vì chủ yếu tập trung tại thành phố Phủ Lý như hiện nay.

Đăng cai, tổ chức các sự kiện văn hóa - nghệ thuật - thể thao để kích cầu du lịch cũng là hướng đi mà Hà Nam ưu tiên lựa chọn thời gian gần đây. Liên hoan các trích đoạn hay Nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 2023 diễn ra tại thành phố Phủ Lý từ 20/5-1/6/2023 đã thu hút sự tham gia của hơn 1.000 nghệ sĩ, nhạc công, với hơn 100 trích đoạn của 33 đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc tham dự. Giải khiêu vũ thể thao tỉnh Hà Nam mở rộng năm 2023 cũng đã mời gọi được gần 1.200 vận động viên đến từ 69 câu lạc bộ của 15 tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Và hiệu ứng tích cực nhận lại từ chuỗi sự kiện, hoạt động đặc sắc trong khuôn khổ Tuần văn hóa - du lịch Hà Nam diễn ra từ 14-20/5/2023 cũng cho thấy những tín hiệu khả quan, trong nỗ lực giới thiệu, quảng bá và thu hút du khách cùng các nhà đầu tư đến với địa phương này.