Trong thanh xuân của sáng tạo

Ngắn gọn mà gợi nhiều về trải đời. Tạo nhiều khoảng trống khiến người đọc phải huy động vào đó nhiều liên tưởng để lấp đầy.
0:00 / 0:00
0:00
Trong thanh xuân của sáng tạo

Nhiều câu, khổ tưởng ít liên quan mà kết với nhau nên bài thơ. Nhiều bài không quá dài mà thấp thoáng đâu đó cốt truyện… Đó là vài cảm nhận chưa đầy đủ khi cứ đọc tiếp vào tập thơ “Nơi con sông đổ về biển” (NXB Nghệ An), ta lại nhận thêm ra. Tập thơ của nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Hữu Quyền, một tác giả lặng lẽ và thong thả, kể cho ta bao điều về những suy tư, cảm nghiệm của con người dường như đã thấu lẽ thăng trầm, nhục vinh, được mất, nhưng sao có lúc lòng còn thanh xuân, bâng khuâng lạ thường.

Đó cũng chính là điều thú vị ở người thơ và công việc sáng tác, sự sáng tạo. Là những cái làm nên nét đặc sắc khi ta đọc những người làm thơ hay khác nhau. Ở Nguyễn Hữu Quyền, nhiều bài thơ của ông như những mảnh ghép. Hình ảnh chậu địa lan ngoài cửa đóng, vành trăng vẹt khuyết một niềm thiếu phụ, bến vắng không người qua sông, nhớ nhung chợt đến về cánh đồng làng xưa giữa những ngọn đồi, một thoáng bùi ngùi gặp hoa mà không thấy người…, tất cả phác nên hun hút tâm trạng hoài nhớ, như là thương, như là tiếc. Đó là bài “Hoa địa lan nở”. Với “Vành trăng dát”, nhiều hình ảnh đẹp dậy lên cảm xúc cứ bày ra, trôi trước mặt, gợi những liên tưởng phóng khoáng, linh động và mỹ lệ: “Ai dát chị hằng vào nong phơi dưới biển/Hẹn rồi sao người không đến/Trăng từ đáy biển duềnh lên//Bến ở bên kia cơ mà/Sao trăng sang bên này/Tơ hơ mình nong dưới đáy//Ngả ấy trăng về//Ngập chìm trong cơn mê/Hoa chua me bên vệ đường nở đỏ hoe tháng bảy/Khế rụng/Đồng xa lắc//Bỏ biển tôi về/Mở phong thư ngày xưa/Hé lộ vành trăng/Từ biển//Trăng dát mưa”. Nhiều bài thơ trong tập này đẹp, tươi, và ẩn khuất nỗi niềm như vậy. Trăng, sóng, bãi bờ, những tiểu cảnh nhỏ xinh và tự nhiên của hoa lá, thơ dại ngập gió và ngợp không gian, tuổi trẻ xa lăng lắc, những người phụ nữ trên đường làng, phiên chợ vắng…, nhiều dữ liệu ấy được liên tưởng, biến hóa, kết nối để sáng lên những cảm nhận đẹp.

Có gì cứ đau đáu thế ở một người già? Những bài thơ như tự trả lời cho câu hỏi người đọc, tự trả lời những gì gợi lên ở bài thơ trước. Để xuyên suốt và trải khắp, thương mến, ngậm ngùi cứ dội lên không dừng. Có phải còn gì cấn cáy chưa làm được với quê, với người xưa, với cuộc sống?

Hay không phải thế, mà chỉ muốn làm nhiều hơn cho thơ? Chắc là vì tất cả! Bài thơ “Chiều nay tôi đến đó” lại kể cùng ta điều này: “Trâu húc vào giấc ngủ/Loang loáng gạo châu, củi quế/Tuổi nhỏ//Ngày xưa trâu thường bơi vượt sông sang bên kia gặm cỏ/Để lại bên này bờ/Tôi bơ vơ//Gió thổi mạnh quá/Qua đồng cỏ/Lắc lơ chùm quả vú bò/Cầu vồng làm tím giấc ngủ//Ai đứng bên kia sông?/Trong mảnh vỡ ký ức anh trai cõng đi chơi xế chiều rồi mà vẫn chưa về/Mẹ đợi/Vương trong thời gian bóng tôi/Thời thơ bé//Bao la đồng cỏ. Mơ ước. Ráng chiều/Trâu về tới ngõ/Giấc ngủ bị vỡ/Ô, con trâu của tôi//Chiều nay tôi đến đó”.