Trở về khuôn thước cội nguồn của ca trù

Sau hai tháng khổ luyện, khóa tập huấn trong dự án “Hiệu chỉnh khuôn thước, âm luật và bài bản tại các câu lạc bộ (CLB) ca trù Hải Phòng” của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã kết thúc và nghiệm thu ngày 25-12 vừa qua. Nỗ lực của cả thầy và trò đã được các nhà nghiên cứu âm nhạc và hội đồng khoa học nghiệm thu của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đánh giá rất cao.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền và các học viên trong buổi tập huấn ở đình Hàng Kênh, thành phố Hải Phòng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền và các học viên trong buổi tập huấn ở đình Hàng Kênh, thành phố Hải Phòng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Xây lại từ đầu

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã dành hơn sáu năm nghiên cứu hệ âm luật ca trù nhằm xác định thế nào là khổ phách - khổ đàn, cung bắc - cung nam… Kết quả dự án hiệu chỉnh khuôn thước, âm luật và bài bản và khóa tập huấn tại các CLB ca trù Hải Phòng chính là câu trả lời cho sự đau đáu của anh.

Các khổ đàn, khổ phách được tác giả “mô hình hóa” và lắp ghép theo sơ đồ khác nhau, tạo thành những bài bản đa dạng, liền mạch. Khổ phách, khổ đàn là sự kết hợp giữa nhạc đàn và nhạc phách theo chiều dọc. Mỗi khổ đàn, khổ phách có chiều dài thời gian âm nhạc rất chính xác trong hàng trăm năm qua… Cho tới nay, chưa có tư liệu hay sách vở nào ghi lại những kiến thức này và các nghệ nhân hàng đầu cũng hiếm tiết lộ, bởi vậy nhà nghiên cứu đã phải đúc rút từ những tư liệu ca trù của thế kỷ 20, như bản thu âm từ những năm 30 của các ca nương nổi tiếng, hay dựa trên kiến thức thu được từ những nghệ nhân cuối cùng.

Khi vén được “bức màn” bí ẩn của nghệ thuật ca trù, cảm xúc đầu tiên của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền là sự “vỡ òa” kinh ngạc, trước độ tinh tế đến mức vi diệu của khuôn thước, âm luật được các nghệ nhân nhà nghề gìn giữ suốt hàng trăm năm. Nếu hiểu đúng và chấp nhận những giá trị này, nhiều đào kép ca trù sẽ phải thay đổi phần lớn thói quen diễn tấu hình thành từ lâu, thậm chí quên hết để học lại. “Cũng dễ hiểu nếu nhiều nghệ sĩ ca trù thành danh khó chấp nhận hoặc phản đối. Điều này đòi hỏi sự dũng cảm rất lớn. Ngay cả trong khóa tập huấn vừa qua, lúc đầu có 15 đào kép trẻ đăng ký học viên chính thức và năm người dự thính nhưng cuối cùng chỉ còn tám người học tới cùng. NSƯT Đỗ Quyên, chủ nhiệm CLB ca trù Đông Môn, là một trong những người đầu tiên dũng cảm thừa nhận và đặt hàng tôi giảng dạy cho đào nương, kép đàn và quan viên trẻ trong CLB. Nhiều đào kép trẻ có kiến thức âm nhạc hạn chế, bởi vậy thay vì sử dụng nốt nhạc, việc mô hình hóa khổ đàn, khổ phách sẽ giúp khuôn thước, âm luật trở nên dễ tiếp cận hơn”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền chia sẻ.

200% sức lực

Đợt tập huấn hai tháng của các thành viên trong CLB ca trù Đông Môn thật sự là quá trình tập luyện gian khổ, có những lúc cả thầy lẫn trò phải dạy và học tới bốn ca để kịp tiếp thu lượng kiến thức dày đặc. Trong vai trò giảng dạy, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã dùng chính hệ thống lý thuyết mới nghiên cứu tiến hành thử nghiệm việc học nhạc đi kèm học âm luật. Khác với phương pháp truyền khẩu, nội dung lớp tập huấn đưa ra các chi tiết, thành tố âm nhạc được đúc kết, lý thuyết hóa và trình bày theo dạng sơ đồ giúp đào kép dễ hiểu, dần thay đổi thói quen diễn tấu cũ và tiếp thu hệ giá trị mới phát hiện. “Điều tôi tâm đắc nhất khi tham gia lớp tập huấn, đó là nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã đưa ra khuôn khổ bài bản, có thể bóc tách từng phân đoạn và sau đó chắp nối lại với nhau thành một hệ thống chặt chẽ”, kép đàn Tô Văn Tuyên chia sẻ.

Các ca nương trẻ cũng được khắc phục sao cho giọng hát vang hơn, đầy đặn hơn. Ngoài ra, cách xử lý câu chữ, luyến láy cũng được chỉnh lại. Với kinh nghiệm nhiều năm tìm hiểu lối hát của các nghệ nhân nhà nghề, anh Hiền áp dụng phương pháp “thổ tận can tràng”, một thuật ngữ cổ mang nghĩa bóng là “hát bằng cả ruột gan” nhưng nghĩa đen nói về việc hát bằng cơ bụng. Để quay về đúng lối hát cổ, các đào nương trong lớp tập huấn phải tập thở bằng bụng dưới theo bài thở khí công. Đối với quan viên, vị trí quan trọng làm nhiệm vụ đánh trống phân ngắt khổ hay các phân đoạn, càng cần hiểu rõ mô hình lắp ghép của khổ đàn, khổ phách. “Tôi thấy đây là phương pháp đào tạo về ca trù bài bản và khoa học. Sau buổi tập huấn thứ hai, tôi đã nhận diện được tất cả khổ, phách trong âm nhạc ả đào”, quan viên Lê Quang Thái bày tỏ.

Các nhà nghiên cứu tên tuổi như GS, TS Tô Ngọc Thanh, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, GS, TS Từ Thị Loan… đều đánh giá xuất sắc và khẳng định đây là dự án cấp thiết, cần được khuyến khích, mở rộng. Về khía cạnh chuyên môn, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan cho rằng, dự án mang tính đột phá, bằng việc mô hình hóa khổ đàn, khổ phách dễ hiểu nên có thể giúp ca trù dễ giảng dạy hơn, tiếp cận công chúng rộng rãi hơn. 

Xét về bảo tồn văn hóa, “Khác với nhiều dự án bảo tồn, phát huy di sản nghệ thuật cổ truyền chủ yếu ở dạng sưu tầm, ghi chép, tư liệu hóa kiểu “đông lạnh”, công trình của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền mang tính ứng dụng cao. Bốn lớp tập huấn cho CLB ca trù Đông Môn cũng rất thành công với nội dung phong phú, nhờ sự tận tâm của cả thầy và trò, làm việc với 200% sức lực để cống hiến”, GS, TS Từ Thị Loan khẳng định.