Trở thành hàng xóm tốt

Sau lần nhập viện trở về, tôi nhận ra thật may mắn khi chung quanh có hàng xóm tốt. Điều mà trước đây tôi chẳng mấy quan tâm.
0:00 / 0:00
0:00

Hồi mới chân ướt chân ráo đến sống ở thành phố lớn, tôi đã nghe quen câu “tình hàng xóm là đặc sản quý hiếm”, tôi càng tự trang bị cho mình cơ chế phòng vệ theo kiểu chẳng cần đến ai.

Đó là khi tôi vừa 30 tuổi. Thật may, ở mỗi giai đoạn, người ta nghĩ khác đi. Ở tuổi 30, tôi có chút bất cần. Chẳng bao giờ tôi nghĩ đến một sự kết nối nào nếu không phải liên quan công việc, học hành. Tôi tự tin mình có thể độc lập mọi thứ.

Khi đến những nơi ở mới, tôi luôn luôn khóa cửa, ngắt mọi kết nối với hàng xóm, dù chẳng ai phiền đến mình bao giờ. Tôi cũng không hiểu sao lại phản ứng thái quá như vậy. Thậm chí tôi từ chối mọi tiếp xúc, kể cả việc các cô trong ban điều hành chung cư đến thu tiền xe, phí chung cư hàng tháng, tôi cũng xin được chuyển khoản để không phải chạm mặt.

Một lần, cơn choáng ập đến rất nhanh. Tôi nhớ lúc đó mình vừa ăn trưa xong, còn ngồi dựa vào ghế ngắm mấy chậu cây vừa ra hoa rất đẹp. Đột nhiên tôi thấy khó thở, ngay sau đó là hai mắt tối sầm lại. Ở chiếc ghế dựa, tôi cảm giác không an toàn nếu như chẳng may tôi ngất đi. Tôi cố gắng rời ghế để đến giường nằm, ít ra khi nằm, có chuyện gì tôi cũng sẽ an toàn hơn. Nhưng không kịp, lúc vừa dợm đứng lên, tôi ngã khuỵu, điện thoại văng ra khỏi tay.

Trong chút nhận thức còn lại, tôi ráng với điện thoại, gọi vào số cô tổ trưởng. Nghe giọng yếu ớt không ra hơi của tôi, cô tổ trưởng lập tức chạy đến phòng. Phải mất thêm gần nửa tiếng để tìm cách mở cửa phòng, cô tổ trưởng cùng những người ở chung cư mới tiếp cận được với tôi.

Sau lần trở về từ bệnh viện, tôi ý thức hơn về sự kết nối với hàng xóm - việc mà bấy lâu nay mình thờ ơ.

Tôi có nhiều người thân, họ hàng, bạn bè… nhưng họ đều ở xa. Khi có chuyện, hàng xóm mới là người xuất hiện đầu tiên và nhanh nhất. Vậy tại sao mình không cởi mở hơn với mọi người, nhiệt tình giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, cần đến mình, bởi sẽ có lúc chính bàn tay họ nắm lấy tay mình trong cơn khốn khó. Tôi thấy câu nói “bán anh em xa, mua láng giềng gần” chẳng bao giờ lỗi thời.

Đôi khi tôi nhớ lại “tôi” của những ngày mới về chung cư, luôn nhìn mọi người với ánh nhìn cảnh giác, đề phòng, chẳng phải chính tôi đã làm nên một hàng xóm thành thị vừa vô cảm, vừa khó gần, khó ưa?

Sau gần 10 năm về ở chung cư, tôi mới bỡ ngỡ tham gia vào những hoạt động ý nghĩa của chung cư mà bấy lâu tôi không hay biết. Đó là hỏi thăm những người già, những người đau ốm, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, thăm viếng đám tang…

Ở nơi nào cũng vậy, nếu mình mở rộng trái tim ra sẽ đón nhận những điều tốt đẹp đến từ chung quanh.

Mỗi khi có dịp nhắc đến tình hàng xóm ở chung cư, tôi lại ngập tràn lòng biết ơn, không hẳn vì lần được “cứu sống” mà chính nơi này đã dạy cho tôi biết trở thành hàng xóm thân thiện giữa chốn thành thị này.