Lá cờ máu

Năm người bước đều nhau thành một tốp, song chẳng nói chuyện cùng nhau một câu nào hết. Họ chỉ nghĩ. Và có một chuyện này tuy không nói mà ai cũng nghĩ đến, vì ai cũng đã được biết cả.
Minh họa: LÊ ANH VÂN
Minh họa: LÊ ANH VÂN

Một bữa, một toán du kích đánh sâu vào một địa điểm quân thù, chỗ đó giặc vừa chiếm xong chưa bao lâu, canh giữ rất ngặt. Tuy nhiên, quân ta cũng tấn công rất hăng.

Có một anh dẫn đầu, tay luôn luôn phất lá cờ đỏ sao vàng cho các bạn theo sau tiến lên trong vòng lửa đạn bời bời. Giữa lúc quân ta đã có cơ thắng lợi, thì anh cầm cờ bỗng trúng đạn ngã gục. Lá cờ đổ xuống, phủ lên mình anh và thấm lấy máu anh.

Những ngưởi khác phần vì mải đánh, phần vì thấy lá cờ cuốn đắp lấy chiếc thây tử sĩ kia đương nhuộm thêm sắc thắm vinh dự của trận chiến đấu nên không ai cúi nhặt cờ lên để lại phất như những lần về trước. Người thanh niên hy sinh trong trận ấy, đã chết vì cờ của nước, lá cờ giành độc lập cho nước nhà, tức là đã chết cho nước nhà. Anh theo cờ trên trường chiến đấu đến phút cuối cùng, nên cờ cũng theo anh mãi mãi. Chuyện anh được kể từ miệng người này qua miệng người nọ, gây tinh thần cao cho mọi người và nêu một tấm gương chói lọi cho những thanh niên cảm tử như năm anh đương lên đường tới kỳ đài cao ngất đây.

Năm anh không ai bảo ai mà cùng nghĩ đến chuyện trên. Cái đài nước cao ngất đã được các anh chọn làm kỳ đài đêm ấy. Tuy trèo lên được nóc đài cũng là một việc khó khăn nguy hiểm lắm, nhưng các anh không sờn lòng và không chịu thua. Các anh, phải treo được cờ. Cờ có treo lên cao tít giữa châu thành như thế, mọi người mới thấy rõ, mọi người mới thêm tin ở nền độc lập, mọi người mới vui sướng và hăng hái đánh đuổi quân phản động hơn lên. Còn các anh đó? Các anh nào có ngại gì, khi đã biết rằng, lá cờ do mình treo lên sẽ mang một sứ mệnh đẹp đẽ vô cùng. Như vậy, nếu cờ còn phải tô thêm bằng máu các anh, thì các anh cũng sẵn lòng đổ máu ở ngay chân kỳ đài đã chọn.

Các anh đã tới sát kỳ đài. Phố không đèn, bóng các anh lẫn với nhiều thứ bóng khác mà ánh sao nhạt thưa không soi cho rõ ra được.

Đây là bắt đầu những phút sống chết vì cờ.

Quanh đài nước, có mấy tên lính thực dân đứng canh, tay cầm lăm lăm súng, chỉ chờ nghe có động là nhả đạn.

Đã khôn khéo bàn nhau từ trước, năm anh cảm tử bấy giờ chia nhau đi tản ra mấy chỗ đã cắt đặt sẵn.

Thành phố vẫn lặng ngủ. Bọn lính mơ màng đã tưởng đêm nay có lẽ được yên lành nằm trong những tòa nhà chiếm đoạt, không phải giật mình đánh thót nữa. Chỉ thỉnh thoảng nghe nổi lên mấy tiếng chuột đi mò thịt người chết, hoặc mấy tiếng ngáp dài của tên lính thực dân đói ngủ mà phải thức, cố thức để canh cho những tên trùm thực dân khỏi chết.

Năm người mang cờ khấp khởi mừng, vì tiếng súng của các toán quân du kích chưa thấy nổi ở một chỗ nào cả. Thời khắc rất thuận tiện. Nếu gần xa đã có tiếng súng, thì mấy tên lính gác đài nước hẳn là phải soát xét từng làn bóng tối kỹ càng hơn. May sao, chúng vẫn chểnh mảng đứng lù đù từng xó.

Anh thấp bé nhất nghe ngóng chưa thấy các bạn mình động đậy. Anh thầm nghĩ quân thù kia không có gì đáng sợ và nhờ bóng tối che phủ, anh có thể đột nhập đài nước dễ dàng.

Lập tức, anh lom khom cúi đi lần tới. Không súng đạn, anh chỉ giắt theo mình có một lưỡi dao găm. Nhưng anh mong rằng, sẽ chả phải dùng đến khí giới. Mắt quân thù hẳn là còn mải nhìn bâng khuâng vào những đâu đâu.

Chẳng may cho anh, bấy giờ, ở phía xa bỗng có một tiếng nổ lớn, khiến tên lính thực dân ở gần anh nhất giật mình ngoảnh lại. Mấy phát đạn bắn nhau từ đâu vẳng tới. Anh mang cờ biết mình bị lỡ bước, song không nhẽ lùi, đành vội vã úp bụng nằm xuống để bò lên mau chỗ thoát cặp mắt soi mói của giặc. Ác một nỗi là tên lính canh đã bị tiếng súng báo động làm cho hoảng sợ. Vì y sợ quá, hoảng quá, tưởng chừng bị dân quân nước Việt bắn giết tới nơi, thành thử tay y đặt sẵn vào cò súng và mắt y tinh hơn, giương to hơn lên, nhìn kỹ từng chiếc lá cây rụng dù nó rụng ở thật xa.

Anh cảm tử thứ nhất vẫn bò men.

Cái mũi súng của tên lính dữ chợt từ từ quay và nhằm trúng chỗ anh cảm tử mà lăm le như nhả đạn. Anh cảm tử trông thấy thế càng cố nín thở hơn. Tên lính cũng đã nhận thấy anh rồi. Cái mũi súng nhằm trúng vào anh và ở yên đó. Phút nguy cấp khó lòng tránh khỏi. Anh cảm tử chỉ có một lưỡi dao. Anh vừa toan liều nhảy bổ tới, xỉa cho quân thù một nhát, nhưng không kịp, súng quân thù đã nổ, một phát đạn trúng vào mình anh, rồi hai, ba phát nữa. Anh quay ra chết, lá cờ nằm gọn bên lưng anh thấm đẫm máu hồng.

Anh cảm tử thứ hai chắc rằng, bạn mình đã bị hại rồi, thế là cờ chưa treo được. Giờ đến lượt anh. Thừa lúc tên lính bận mắt về cái xác vừa ngã xuống, anh thứ hai nóng trả thù cho bạn và cũng nóng treo được cờ tức khắc nên anh vội bỏ chỗ nấp xông ra, rút súng lục chĩa thẳng vào tên lính mà bóp cò. Anh bắn liền mấy phát. Giặc cũng bắn luôn một chập. Rút cục, anh chỉ có mấy viên đạn, bắn hết thì đành thôi và đau đớn nhận lấy những vết thương tàn ác. Máu anh ứa ra, cơn căm giận của anh thoát ra trong một tiếng hét lớn “Việt Nam độc lập”, thế rồi anh mới chịu ngã xuống, ôm chặt lấy lá quốc kỳ mà chết.

Ba anh khác còn lại không dám bạo động vội, tuy tức đầy ruột. Quân thù đương hoảng, đương ham bắn. Súng đạn của các anh thiếu, tất nhiên các anh không thể xông ra đánh tại trận với chúng được. Vả chăng các anh đi chuyến này cũng không có mục đích đánh lấy thắng. Phần việc của các anh là chỉ làm thế nào treo được cờ lên trên đài nước, rồi trở về nguyên vẹn, lo sự tổ chức đoàn du kích đêm sau.

Chỉ tiếc rằng, vì thô xuất, hai người đã tử thương, còn lại có ba.

Anh thứ ba chuyển sang một phía khác, tránh con đường vừa vấy máu, tìm lối thuận tiện hơn.

Chừng một lúc sau, nhờ vì tiếng súng ở phía xa đã yên hẳn, anh thứ ba mới lò mò lấn lên từng tấc đất. Chỉ một lát, anh đã bám được vào đài nước và như một con mối dán mình leo trên vách dựng, anh cố sức vừa lẩn cho khuất mắt hai tên lính gác, vừa trèo cho mau tới nóc đài. Mỗi nấc một gần thêm, anh đã vượt qua già nửa tầng đài, thì chợt cái bóng linh động của anh đã bị một tên lính gác thình lình ngẩng mặt trông thấy. Không ngần ngại gì, không hò hét gì, tên lính ngậm miệng, nghiến răng, giơ súng lên nhằm trúng cái bóng đương leo mà bắn luôn mấy phát.

Giữa nơi lơ lửng, anh cảm tử không sao chống cự được, không sao ẩn lánh được, đành thét lên một tiếng chúc cho những người ở lại sẽ thành công, rồi nhận đạn của kẻ thù mà bỏ rơi mình từ trên cao xuống mặt đất.

Đồng thời, tên lính canh mải nã súng vào anh cảm tử thứ ba kia cũng thốt nhiên bị trúng đạn ngã vật. Ai đã bắn y? Chính anh cảm tử thứ tư! Anh này định cứu bạn, song không kịp. Dù vậy, anh cũng đã trừ xong một con thú dữ vừa hại bạn mình. Ảnh cướp lấy súng của tên giặc đã chết và chạy tới bên người bạn nằm vật trong vũng máu. Anh cúi xuống, lay hỏi bạn:

- Anh có gượng dậy để tôi cõng về được không?

Một tiếng thều thào đáp:

- A… anh… anh về bảo mẹ tôi đừng khóc...

- Anh để tôi cõng.

Anh thứ tư nói hết câu ấy, song không thấy bạn trả lời. Anh hỏi lại, bạn vẫn im. Đầu bạn ngoẹo đi, thì ra bạn chết rồi.

Tiếng súng nổ ở ngay mé bên kia đài nước. Anh thứ tư lập tức rút lá cờ của bạn, lá quốc kỳ đẫm máu, phủ lên mình kẻ tử sĩ, rồi đứng vùng dậy, chạy nép vào sát cạnh đài mà rình quân thù để bắn.

Từ nãy, tên lính canh thứ hai chưa làm dữ được với anh cảm tử thứ tư, là bởi y cũng mắc bận với anh cảm tử thứ năm. Anh này, leo lên ở mé bên kia đài, đã may mắn tới được sát nóc. Anh tung cờ ra treo, tưởng rằng đắc thắng đến nơi, ngờ đâu tên lính rình anh chỉ đợi có thế, đợi anh tung cờ ra rồi, mới nhả đạn để hạ cả anh lẫn cờ rụng xuống.

Tiếng kêu và hô trước khi chết của anh thứ năm, là tiếng gọi gấp anh thứ tư mạo muội, bất chấp cả những viên đạn bắn vung tứ linh, cứ liều nhằm nơi nghe tiếng mà chạy tới. Tên lính dữ đã ló ra. Tức thì, anh cảm tử nằm xoài ngay xuống đất và dùng ngay khẩu súng vừa cướp được để bắn quân địch. Trận giữa hai người kết liễu trong khoảnh khắc. Anh cảm tử thắng. Anh giết xong tên lính, làm chủ được đài nước bấy giờ.

Năm phút sau, anh cảm tử thứ tư, kẻ sống sót trong năm người cảm tử đã chót vót đứng trên nóc đài nước, bên cột cờ nền đỏ sao vàng mà anh vừa treo rất chắc. Gió đêm của miền Nam nước Việt thổi cờ bay. Ngôi sao đẹp nhất đã mọc lên giữa châu thành Sài Gòn, vào đúng lúc ở khắp các ngả đường mọc ra nhan nhản từng toán dân quân hăng hái tấn công vào những chỗ lính thực dân chiếm đóng.

Súng trận ầm ỹ nổi. Đạn vụt lên cả chỗ anh cảm tử đứng treo cờ…

Qua một đêm kinh hoàng, sáng hôm sau, dưới ánh mặt trời, Sài Gòn loang lổ hiện ra với mấy đám khói lửa tàn hại. Nhưng có cái mà bọn thực đân kinh ngạc hơn cả, cái mà người Việt Nam còn ở trong thành phố phải reo mừng hơn cả, ấy là lá cờ máu đã nêu cao trên ngọn đài nước do năm anh cảm tử mang tới. Mà cũng không phải chỉ do năm anh, vì trước năm anh đã có biết bao người và sau năm anh sẽ còn biết bao người nữa hy sinh triệt để cho lá quốc kỳ vinh dự ấy.

Nhà xuất bản Văn hóa Cứu quốc, Hà Nội, 1946.