Mùi cá mắm xộc vào cánh mũi khiến tôi nhớ đến cồn cào những năm tháng ấu thơ. Khi ấy nhà nghèo, bữa cơm độn sắn thêm vài con cá mắm khô mặn chát. Đó là loại cá trích gầy, mình mỏng đét, mặn chát, chỉ cần một con cá là ăn cả bữa cơm. Quê nghèo đến hàng cá mắm cũng nghèo. Những con cá đã mục, phần thịt bụng nát ra trơ những chiếc xương dăm. Phần thịt nạc nhất chúng tôi ăn, trong bát cơm bố mẹ chỉ thấy đầu cá mắm.
Bao nhiêu năm trôi qua, cuộc sống đã đổi thay nhiều. Mỗi tối trước khi nhắm mắt hẳn nhiều người phụ nữ cũng như tôi thường nghĩ xem ngày mai ăn gì? Có những hôm lượn quanh chợ mấy vòng vẫn không biết mua gì. Thịt thà, cá tép tươi ngon là vậy nhưng ăn mãi cũng chán. Cứ mỗi lần như thế tôi lại ghé mấy sạp cá khô. Đủ các loại cá khô được bày bán. Cá nục, cá bống, cá cơm… nhạt có, mặn vừa có, tẩm ớt cay cũng có, tùy theo sở thích mỗi người. Thấy tôi ngồi sà xuống, bà cụ đang chọn cá ngẩng lên cười bảo: “Già rồi ăn chẳng thấy gì ngon ngoài muối lạc, cá khô cháu à. Con cháu cứ bảo ăn cá khô làm gì có chất, răng lợi cũng chẳng có. Ấy thế mà vẫn cứ thích ăn. Người không hiểu lại cứ bảo ăn thế này thì để đâu hết tiền. Nhưng cá khô giờ còn đắt hơn cả thịt”.
Mỗi lần về nhà mẹ, tôi lục trong tủ lạnh thể nào cũng thấy túi cá khô. Sẵn than bếp củi, vùi vào đó vài con, mùi cá chín tỏa ra bùi ngùi ký ức. Lục nồi nhón cơm nguội ăn với cá khô là nhất. Chồng tôi có lần trêu: “Chắc do ngày bé em ăn nhiều cá mắm nên lớn lên vẫn giữ thói quen ăn mặn”. Cũng như vài lần ốm, nằm co quắp trên giường, chồng hỏi em thích ăn gì, chẳng hiểu sao đầu óc tôi chỉ nghĩ tới món cá khô. Tôi thèm đến mức trong giấc mơ còn thấy mẹ ngồi cạo vảy cá mắm trích chọn phần thịt nạc nhất bỏ vào bát con mình. Chẳng thèm thuồng cao lương mỹ vị gì ấy thế nhưng tôi đã nhiều lần cố gắng đi qua sạp cá khô ở chợ mà chẳng dám dừng mua. Chỉ vì cá khô giờ bị tẩm ướp chất bảo quản chống ẩm mốc, ruồi nhặng nhiều quá rất có hại cho sức khỏe. Cứ nhìn sạp cá khô thấy chẳng có ruồi nhặng nào dám đậu, chồng tôi thường lắc đầu ghê sợ. Nhiều người cũng biết vậy nhưng tặc lưỡi bảo: “Giờ cái gì mà không độc hại đâu. Rau cà ngấm thuốc sâu. Thịt thà thì chất tăng trọng. Đến thuốc thang còn giả cơ mà. Thôi thì cứ khuất mắt trông coi. Hôm gửi cá khô sang Nhật cho anh, mẹ tôi cứ tần ngần. Mẹ dặn đi dặn lại anh nhớ ngâm cá vào nước thật lâu cho thải bớt chất bảo quản ra ngoài rồi mới mang đi nấu. “Thôi ăn tạm cá chợ, chờ khi nào mẹ gom được cá khô sạch sẽ gửi sang sau”.
Cá khô sạch mà mẹ nói thường là loại cá sộp, to bằng mấy đầu ngón tay được chú tôi đi câu ngoài đồng hằng ngày. Câu được bao nhiêu chú dì thường rửa sạch, ướp muối, phơi khô. Cá câu được thì ít, người dặn mua thì nhiều. Thế mới biết cái thú ăn cá khô đâu phải của ít người. Còn gì bằng mâm cơm ngày oi bức có bát cà muối, dưa chua, canh cua đồng nấu mồng tơi và vài con cá mắm. Cuộc đời có khi vui vì những điều bình dị và giản đơn như thế…