Rộn ràng cốm nếp Ôn Lương

Khi những đợt mưa ngâu rủ nhau tan vào sương đêm thì gió heo may thổi về các thửa ruộng bậc thang làm cho tiết trời dịu mát sau những buổi oi nồng, ngột ngạt. Cánh Đồng Rum thẫm lại, mang hương trời vị đất trung du vào từng hạt thóc nếp rủ xuống chuyển màu quả vải chín

Người già ở bản, chẳng ai biết giống lúa nếp dẻo thơm, chỉ cấy được một vụ đến bén rễ trên đồng đất từ bao giờ. Họ chỉ biết trên gác nhà sàn, những bông lúa cái, hạt mẩy đều, buộc thành bó hong từ vụ trước để dành làm giống gieo mạ cho mùa sau. Hết buổi lên đồi hái chè, các chị em tranh thủ ra ruộng lựa từng vùng cắt lúa non về nhà, bắt đầu bước vào vụ cốm non chỉ vẻn vẹn trong 30 ngày.

Hạt lúa dứt sữa bấm mềm tay là nguyên liệu làm nên thứ quà vặt quen thuộc được các gia đình cầu kỳ chế biến để ăn chơi trong những ngày nông nhàn. Nếu chọn phải hạt thóc đã già thì mẻ cốm ngà vàng, ăn bở cứng và gãy nát khi giã. Còn lúa quá non, sữa sẽ bết hạt vào vỏ trấu, cầm nhão và ăn nhạt, trông không hấp dẫn. Lúa nếp non gặt về nhà cho vào máy tuốt rồi sàng sẩy sạch bụi lá, đầu gié, nhờ sức lửa hấp chín và đảo đều trong lò rang. Ngày trước chưa có máy móc, làm được hạt cốm thơm, từ già đến trẻ cũng mất cả buổi chiều mới xong một mẻ. Khói đã không còn ngun ngút, hạt cốm đã chín vừa độ dẻo thì đổ ra mẹt cho nguội mới chuyển sang máy dập, xát tách vỏ. Lúc này, những hạt cốm xanh tươi lộ dần, bóng bẩy như những hạt ngọc mà trời đất ban tặng. Ngắm nghía thành quả của mình, người nông dân cảm thấy bõ công những ngày mưa nắng nung nước ruộng, cần mẫn cấy mạ trên đồng, phập phồng lo vỡ bờ, trôi dạt phân bón ngày mưa rào sấm động.

Trước khi cho vào cối giã, các chị em đổ cốm ra sàng, sàng thật kỹ những vỏ trấu còn sót lại. Cối đá được chôn dưới nền nhà, tránh tiếng ồn và bảo đảm độ đầm. Để hạt cốm dẹp, bà con cần giã thật đều. Khoảng 10 phút lại đem sàng sảy bớt trấu, rồi đổ vào cối giã tiếp, cứ làm như vậy nhiều lần cho đến khi mẻ cốm sạch hẳn trấu và dẻo mịn. Tiếng chày gỗ nện xuống cối đá “cụp cum cụp cum” giục bước chân bọn trẻ trong bản đến thật nhanh, thật đông. Chúng xúm xít lại hít hà hương cốm non, mắt lấp lánh niềm vui vì mầu xanh hấp dẫn. Những bàn tay bé xíu, sạch sẽ đón từng nắm cốm người lớn cho hãy còn âm ấm. Nhúp vài hạt cốm tơi bỏ vào miệng cảm nhận ngay vị ngọt mát, ấm bụng rồi vẫn thơm mãi hương lúa non nơi đầu lưỡi.

Thưởng thức cốm nếp vải bên cối đá rồi nhấp một ngụm trà xanh Thái Nguyên trong phút giải lao thật là sảng khoái. Mệt mỏi thường ngày dường như tan biến hết. Nhưng ít người biết, ở Ôn Lương, cốm còn được ăn kèm với quả chuối tiêu chín. Các bà, các chị gói cốm bằng lá dong, lá sen cuối mùa để giữ được mùi thơm, độ ẩm và dẻo lâu. Cốm được chế biến thành nhiều món như chả cốm, nấu chè hoặc đồ lên làm xôi cũng rất đậm đà. Người Ôn Lương còn sáng tạo thêm bằng cách trộn cốm với bánh đậu xanh Hải Dương để cốm non có một vị ngọt thơm riêng có.

Từ món ăn chơi bình dân miền trung du, bà con đã biết làm cốm thành hàng hóa thu về số tiền không nhỏ mỗi mùa. Khách sành ăn xa gần đều được thưởng thức và tìm mua làm quà. Cốm non chẳng cần chất bảo quản gì, hút chân không vẫn gửi được tới các tỉnh lân cận. Nâng niu gói cốm lá dong, lá sen vuông vắn buộc cọng rơm xanh hãy còn hạt thóc lép dính chặt, tôi thêm yêu sự cần cù của người Tày đã kỳ công làm nên thương hiệu: Cốm lúa nếp vải Ôn Lương.