Hai trăm triệu

1/Mỗi lần Phát về đến nhà là ông Tình dọn hết mớ cây cảnh trong vườn cho gọn lại, sợ thằng con làm gãy cành.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

Một lần, bên hiên bếp, những bước chân nhẹ hẫng của ông Tình dừng lại, ông nghe được Phát nói với má nó bằng cái giọng hằn học: “Má xem, ba thương cây hơn thương con cháu trong nhà. Có đứa nào đau ốm, bệnh tật, cần gì mà ba biết rõ như biết từng chậu cây không?”. Má gạt đi: “Cái thằng, so sánh gì mà khập khiễng. Con cháu là con cháu, cây là cây chứ mậy?”.

Tính ông Tình nghiêm, nên con cái có bất bình gì cũng không bao giờ dám nói thẳng mà chỉ nói sau lưng. Tụi nó méc với bà cũng chỉ để hả dạ, chứ biết thể nào bà chẳng bênh ông. Có khi nể mặt con cái, bà lựa lời nói cho qua: “Ba tụi bây già rồi, kệ ổng đi. Ổng làm gì thấy vui là được. Còn hơn nhàn rỗi lại sinh bệnh”. Mà không phải ông Tình già rồi mới quay sang món cây cảnh cho bớt rỗi rãi tay chân, ông mê cây từ hồi còn thanh niên. Cái thuở túi xẹp lép mà vô hàng cây kiểng cứ muốn chọn cây thật đẹp về ngắm cho thỏa thích. Tưởng như chỉ cần ẵm được chậu kiểng ưng ý về là ông đã đủ đầy, chẳng cần gì hơn.

Ngày đó, có bao nhiêu tiền là ông đổ dồn vào mua cây. Mua chỉ vì thích chứ không buôn bán gì. Cũng nhờ đi “săn” cây đẹp mà ông gặp được bà Hiền, rồi nên duyên vợ chồng đấy thôi! Ông về ở hẳn Sa Đéc, kiếm tiền từ mảnh đất tổ tiên để lại. Mảnh đất tưởng cằn cỗi nhưng lại hợp với dòng cây bonsai. Hôm mới đến, nhìn mầu nắng vàng chan chứa mảnh vườn, ông đã nghĩ đặt vào đấy những gốc cây kiểng, cây hứng trọn ánh nắng vàng như dát mật này sẽ hân hoan phải biết. Cây có cần gì đâu ngoài nắng với nước. Mà cả hai món đó ở vùng đất này có thừa.

Khi đã trở thành rể miệt vườn. Mỗi sáng, nhằm lúc con nước dâng cao, ông ra sông múc từng xô nước tưới cho cây. Sau này vườn nhiều cây hơn, ông mới dùng tới máy bơm. Cứ vậy sáng chiều hai bận, từng chùm rễ khoan khoái đón dòng nước mát lạnh vận chuyển nuôi lá, nuôi thân. Chẳng mấy chốc, vườn cây nhà ông Tình tấp nập khách ghé mua cây. Bốn đứa con của ông lần lượt ra đời trong mầu nắng nhuộm vàng mảnh vườn lấp lánh mỗi sớm mai.

Bên bàn trà mỗi sáng, thỉnh thoảng ông lại hào hứng kể với bạn uống trà câu chuyện tình kẻ nam, người bắc gặp nhau ngay giữa vườn cây cảnh bạt ngàn vùng Sa Đéc. Ông Tình bị thu hút bởi những gốc bonsai có hình dáng như một cây cổ thụ thu nhỏ. Càng tìm hiểu càng như bị hút vào. Hóa ra, chơi cây cũng như những bộ môn nghệ thuật khác. Càng tiến vào sâu càng thấy mênh mông. Thời ông Tình làm gì có các group trên mạng để anh em đam mê cây cảnh cả nước giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với nhau như bây giờ. Nhưng cây lá vẫn có sự kết nối diệu kỳ, để dẫn những bước chân ông về tận xứ sở miền Tây đất đai trù phú này. Mối tình của ông với bà cũng được ươm mầm từ mảnh vườn màu mỡ ấy.

Mà ngẫm lại thấy Phát nói cũng đúng. Trong sân nhà, mỗi chậu cây được ông Tình nâng niu từng chồi non. Cây ra mấy ngọn, bao nhiêu lá, nụ, trổ bông… ông biết hết. Mấy trăm chậu lớn nhỏ để tràn khắp mảnh vườn, vô tới sân mà chỉ cần một chậu dời đi là ông phát hiện ngay.

Có lần, thằng Phát từ trên thành phố về. Nó chạy xe máy, giữa trưa trời nắng to, chiếc kính râm loại xịn của nó hình như chỉ tránh xe với người đi đường, không tránh cây. Vì vậy mà nó quẹo vào nhà chẳng màng gì tới đám cây cảnh ông Tình để tràn lối đi cho cây đón nắng. Hôm ấy, chậu bonsai mai chiếu thủy có tuổi đời gần 10 năm của ông đổ nhào từ trên kệ xuống. Những tay cành mà ông chờ đợi từ năm này qua năm kia để hoàn thiện, bị cú sốc từ trên cao gãy lìa thân. Phải chi nó còn dính lại chút vỏ, ông sẽ băng bó cho cành. Với kinh nghiệm và sự nhẹ nhàng nâng niu của mình, ông Tình từng băng bó thành công, đoạn đứt gãy vài tuần sau là liền cành. Nhưng cây mai chiếu thủy gặp xui kia không còn cách nào cứu được khi độ bật ngược của nó tác động vào khúc giòn nhất của cành, gãy rời ra. Ông đau lòng không còn tâm trí để la mắng tính ẩu tả của thằng Phát. Chẳng biết có phải vì thương tiếc cây cưng không mà ông Tình đổ bệnh.

Bà mắng thằng Phát một trận, nó trốn biệt trên thành phố không về. Bà dặn con cháu trong nhà đừng đụng chạm gì đến cây cối của ba. Đám con cũng gật gù theo, bởi trước đó, tụi nó nghe câu chuyện có thật ở gần nhà. Đó là nhà ông Thọ có cây vú sữa cổ thụ bao nhiêu năm cho trái trĩu trịt, đột nhiên gần đến mùa hoa, cây chết khô cành, ông Thọ khi ấy đang sống khỏe mạnh, ngủ qua một đêm không thức giấc nữa. Họ nói cây trồng lâu năm linh lắm, có điềm cả.

Bà chỉ mong ông khỏe mạnh, mỗi buổi sáng ngồi tỉa tót cho cây, cùng cây đón ánh nắng đầu ngày ban sơ, là bà vui rồi!

2/Phát lù lù trở về trong buổi chiều chập choạng. Mặt nó buồn so, rủ rỉ với bà: “Con hết gồng nổi rồi má, má cứu con đi!”. Bà nhìn thằng con râu ria mọc dài chẳng kịp cạo, tóc tai bờm xờm đúng với hình ảnh kẻ làm ăn thất bại trở về. Bà hỏi Phát: “Bây cần bao nhiêu?”. “Hai trăm triệu”. Bà ngỡ ngàng nhìn con: “Nhiều vậy má lấy đâu ra?”. Phát chỉ ra mảnh vườn: “Đất nhà mình nhiều mà má, bán bớt ba khỏi chăm cây cho đỡ cực”. Thằng Phát nói nhỏ xíu mà không biết sao ông Tình nghe được, ông phản ứng bằng chàng ho không dứt khiến thằng Phát sợ, nín thinh.

Trưa đó, ông Tình tỉnh táo hẳn, ông nhìn thằng con trai mà má nó cưng như vàng như ngọc, dịu giọng: “Ra ngoài làm lụng khó khăn, hay là về chăm cây kiểng thay ba?”. Thằng Phát giãy nảy: “Con có biết gì đâu mà chăm. Với lại, vườn nhà mình giờ lỗi thời rồi ba. Người ta bán hàng online chốt đơn ầm ầm, cây kiểng xếp đế đẹp như hình vẽ, mà giá thành lại rẻ, chỉ cần ngồi một chỗ là hàng gửi đến tận nơi”. Thằng Phát chẳng ý tứ gì, nói một tràng khiến bà sợ ông giận, phải giật gấu quần nó mấy lần. Nhưng ông không giận. Ông chỉ nhẹ nhàng bảo: “Thì con chăm sóc rồi bán theo cách của con cho hợp thời”. Thằng Phát vẫn chẳng mảy may đem ý tưởng đó vào đầu. Nhưng nó cũng không dám đòi ông Tình bán đất. Chuyện gì ông còn nhân nhượng chứ bán đất tổ tiên để lại là không bao giờ. Ông từng nói với Phát trưởng thành rồi, té chỗ nào thì tự mình đứng lên ở chỗ ấy mới nên người được.

Chiều xuống, ông Tình thấy người khỏe hơn, ông ra vườn ngồi nghe gió rít. Bụi tre già mỗi lần gió đến lại phát ra tiếng kẽo kẹt. Ông nhìn mảnh sân vườn, cây nguyệt quế cổ thụ to đến vòng tay người ôm không xuể. Ông mua từ miệt Thứ về. Nghe đâu cây được thế hệ trước để lại, đến thế hệ con cháu chẳng ai chăm cây nên bỏ hoang. Ông Tình chỉ nhìn gốc cây để đưa ra giá. Có đến 90% cuộc ngã giá thành công mà không phải cò kè gì. Có những gốc cây ông tìm thấy mà mừng như nhặt được vàng. Từ mai chiếu thủy, nguyệt quế, khế, đến mai vàng, lộc vừng, giấy… Ông mừng một, chủ nhân của nó còn mừng gấp chục, không nghĩ loại cây trơ cành như khúc củi ấy mà được trả đến vài triệu đồng. Cứ như vậy, vườn nhà ông Tình giờ toàn cây cổ thụ có giá trị cao.

Chiều muộn, ông vẫn tần ngần ngoài vườn không vào. Bà ra, thủ thỉ với ông hay là mình bán bớt đất đi, ông cũng có tuổi rồi, chỉ giữ lại mảnh sân trong nhà trồng cây kiểng cho vui, chứ hơi sức đâu chăm bẵm vườn tược cho mệt? Ông không trả lời, mắt nhìn một lượt mảnh vườn rộng, cây nào cây nấy khoe dáng tự nhiên, càng ngắm càng thấy đẹp!

Có ngờ đâu, đó là bữa cuối cùng ông Tình ngắm vườn cây. Ông ra đi nhẹ nhàng trong đêm.

Sáng đó, bà gọi mãi không thấy ông ra ăn sáng, bà khẽ đưa tay sờ vào trán thấy da thịt ông còn ấm. Chắc cũng mới đi đây thôi. Bà gọi thằng Phát vào. Nó gục xuống bên ông Tình, nức nở khóc. Gần 30 tuổi, thằng Phát vẫn như đứa trẻ được cưng chiều, đòi hỏi đủ kiểu và chẳng mảy may nghĩ đến một ngày nó chẳng còn gọi được hai tiếng “ba ơi”.

3/Sáng chủ nhật, nhà hàng xóm có đám cưới. Nhạc xập xình từ tối hôm trước. Từng đoàn khách rồng rắn đậu xe chật cả khúc đường quê. Còn sớm nên khách thong dong thả bộ ngắm cảnh miền quê sông nước. Một người đàn ông chừng ngoài 40 tuổi dừng lại trước nhà ông Tình, đứng lâu lắm, chăm chăm nhìn vào vườn cây. Bà không lạ gì cảnh khách đến coi cây, nhưng lâu lắm rồi, từ ngày ông mất, khu vườn xơ xác hẳn, chẳng còn khách đến mua bán gì.

Người đàn ông bước vào, tiến thẳng đến cây mai chiếu thủy có dáng cổ thụ rất đẹp, gốc to, tán tròn cân đối nhìn như một bức tranh. Anh ta chỉ chạm nhẹ vào thân cây, đi một vòng quanh cây, rồi ngước lên nhìn bà hỏi giá. Phát từ dưới nhà kịp thời đi lên, vừa lúc thấy mẹ lúng túng vì không rõ giá cả. Phát đáp chắc giọng: “Hai trăm củ”. Bà không biết hết ngôn từ của tuổi trẻ bây giờ, nhưng cũng phần nào đoán ra con số mà Phát vừa nói. Bà đã nghĩ, thằng con chỉ hét giá để khách bỏ đi cho xong, đó cũng là số tiền mà Phát đang thiếu nợ người ta, nào ngờ vị khách lên tiếng: “Chuyển khoản được không?”. Phát mừng rỡ gật đầu. Thêm vài thao tác nữa, số tiền hai trăm triệu đã vào thẳng tài khoản Phát trong sự ngỡ ngàng của hai mẹ con.

Lần đầu tiên Phát chạm vào thân cây, cảm giác có sự kết nối từ nhựa sống trên lớp vỏ cây sần sùi. Phát thì thầm: “Cảm ơn mày nha cây!”.

Hôm ấy, trên bàn thờ ông Tình nhang khói nghi ngút. Thằng Phát nhìn lên di ảnh của ba, hình như ba đang cười.