Vọng thu

Thu sang, nắng nhẹ nhàng rải đều, miên man trên triền đê thoai thoải. Đồng lúa rì rào, trĩu nặng chờ đón tay người gặt. Tấm thảm vàng mênh mông trong những ngày trời chuyển dịu dàng. Mùi thơm thoang thoảng của giống lúa tám thơm cứ bay phất phơ trong gió.
Vọng thu

Mùa này, được đằm mình trong không gian đầy lãng mạn, dịu êm và nên thơ ấy, người ta sẽ thấy tâm hồn mình như được bay bổng. Vượt qua nghìn trùng xa xôi nơi phố thị phồn hoa, những cô cậu sinh viên, vài người đi làm ăn xa, đưa con về quê nghỉ hè, lại cảm giác tâm hồn mình được tưới đẫm miền ký ức tuổi thơ năm nào.

Hình ảnh những đứa trẻ quê, gầy nhong nhỏng, đen nhẻm, lủi dưới những bụi cây xanh ven đường tìm quả vàng lại hiện hữu trước mắt. Mơ hồ nhận ra, mình cũng từng là một đứa trẻ vô âu, hòa lẫn trong đám bạn cùng làng. Cây giới vàng rậm rạp, ẩn hiện trong một buổi chiều nhập nhoạng. Những quả giới nhỏ bằng ngón tay út, da căng bóng, vàng hươm, đậu phía sau đít là một sợi dây nhỏ xíu. Lũ nhỏ thường kháo nhau, trước khi ăn nên ngắt cái dây đó đi, vì nó có nọc độc của những con rắn trú ngụ trong bụi giới rậm rạp kia. Mùi thơm thoang thoảng, xen lẫn vị ngọt thanh luôn khiến những đứa trẻ thích thú. Chiếc áo vén lên đến tận cổ, kéo lại thành một chiếc túi nho nhỏ trước bụng. Đứa trèo lên cây, đứa ngồi ở dưới, lượm bỏ vào áo. Chiến lợi phẩm mang về lúc nào cũng nặng trĩu, mấy chiếc áo mặc hè chi chít những vết mủ cây. Kệ! Tuổi thơ mà, chẳng ai hai lần được tắm trên một dòng sông, cuộc sống sẽ cuốn mọi thứ đẹp đẽ ban sơ đi xa mà khi ngồi lại, nhiều khi bất giác thèm, thèm đến điên dại.

Mùa thu, hương thị bên nhà hàng xóm theo làn gió bay phảng phất trước hiên nhà. Bà ngoại lọm khọm gánh hai thúng nhỏ hai đầu mang ra chợ bán, kiếm chút tiền ăn trầu. Thị hàng xóm lúc nào cũng vàng tươi, tròn xoe và nưng nức đầu mũi. Quả bé xíu xiu, cầm gọn trong lòng bàn tay. Mỗi lần ngoại lấy thị về, ít nhiều gì lũ nhóc cũng xúm xít lại, xòe tay ra xin phần. Ngoại cẩn thận chọn quả chín mềm, chia cho mấy đứa cháu. Chúng ôm khư khư quả thị vào lòng, chốc chốc lại đưa lên mũi ngửi, để dành không dám ăn.

Ở quê mùa thu này, là dịp để những người con vào mùa Vu Lan báo hiếu. Những ngôi chùa rậm rịch chuẩn bị lễ lạt. Áo nâu theo đường mòn, men theo đám ruộng về tới chùa tụng kinh. Không phải ai mất cha, mất mẹ rồi mới hiểu được đạo nghĩa làm con. Có lẽ niềm hạnh phúc lớn lao nhất, vẫn là được quỳ dưới chân mẹ, rửa chân cho mẹ và tạ lỗi về những điều con chưa làm được với mẹ cha. Khi cài lên bông hồng đỏ trên ngực áo, biết bao đứa trẻ đã khóc trong hạnh phúc, vì hôm nay chúng còn đủ đầy mẹ cha.

Mùa đi qua mỗi năm, quả vàng vẫn chín rộ, nhưng hình như chỉ mỗi mùa thu luôn làm cho người ta xao xuyến trọn tâm can. Hình ảnh quả lúc lỉu trên cây, vườn nhà xanh tốt, bà ngoại tất tả gánh hàng ra chợ, lũ trẻ loi nhoi dưới chân đê, tiếng chuông chùa vang xa, khắc khoải một niềm thương luôn là những vọng tưởng ẩn hiện trong tâm khảm của mỗi người.

“Sáng nay ngoại có gánh thị ra chợ làng không em”, tiếng anh hai dịu dàng trong điện thoại. Có lẽ nơi phố thị ấy, mùa thu tới sẽ làm cho người ta nôn nao nhớ, công việc bận đến đâu vẫn sẽ thường xuyên liên lạc về nhà. Để hỏi xem tình hình sức khỏe của mọi người và hơn hết là cảm nhận vị thu đang len lỏi qua từng góc nhà, ngõ chợ, bay đến phố xá đông đúc, ghé vào tai người con xa quê “Thu về rồi, em có hay không?”.