Một buổi tối mùa thu năm 1945, vào khoảng những ngày đầu mà châu thành Sài-gòn bị quân thực dân xâm chiếm, có một toán dân quân tụ tập ở trong xóm hẻo lánh kia để bàn bạc việc đánh du kích đêm ấy. Họ vừa bàn việc vừa ăn cơm trên mấy mảnh chiếu giải ken nhau ngay mặt đất. Cơm đó do mấy chị trong xóm sẵn lòng thổi nấu biếu anh em, vậy nên món ăn chẳng có gì là cá thịt mà cũng ngon bằng mấy ngày thường.
Một anh ăn xong trước, thấy hết chuyện nói, mới nhìn lên vòm trời sâu thẳm, tuồng như một đứa trẻ ngồi rỗi chơi cái trò đếm sao. Những ngôi sao lấp lánh không tỏ lắm, khiến anh nảy ra một ý, vỗ tay đánh chát mà bảo:
- Đêm nay có sao cờ mọc đó!
Mọi người đều ngửng nhìn lên và mấy tiếng hỏi liền liền:
- Đâu, sao cờ mọc ở đâu? Sao cờ đâu? Vẫn nghe các ông già nói chuyện sao cờ mà chưa trông thấy bao giờ hết, nó đâu?
Anh nọ nhe răng cười, thủng thẳng đáp:
- Tới khuya nó mới mọc, và chừng sớm mai mọi người mới nhìn rõ được.
Một chị hỏi:
- Thế nó cũng giống lá cờ hay thế nào?
Bỗng anh khác nuốt vội miếng cơm vét bát, vung tay lên nói:
- Tôi biết rồi, nó có năm cánh mầu vàng. Phải đó, phải đó, bọn mình nhất định đêm nay phải làm cho lũ giặc hoảng kinh vì cờ đỏ sao vàng xuất hiện.
Ai nấy đều reo lên với những lời khác nhau nhưng cùng chung một ý: dẫu có những địa điểm mất rồi, nhưng cờ Việt Nam còn trở lại.
Mấy người ăn chậm nhất bị câu chuyện cắm cờ lên đầu giặc kích thích, hóa ra nóng ruột, mới và lùa vài miếng cho hết bát, rồi buông đũa đứng lên. Người đàn bà có tuổi bước đến thu dọn mâm nồi, nhẩn nha nói góp:
- Các anh đi treo cờ phải cẩn thận, lính Chà* chúng nó gác dữ lắm, những chỗ trước mình vẫn treo cờ, nay vào tay giặc thì giặc nó canh phòng cả ngày lẫn đêm.
Có anh bé nhỏ nhất, từ nãy ngồi lỳ, chỉ ăn mà không nói, bây giờ bỗng lên tiếng nặng chình chịch:
- Thế dễ giặc nó canh phòng thì mình chịu thôi, không đến treo cờ, không đến đánh giết gì được nữa hả? Đến chứ lại!
Người đàn bà tỏ vẻ lo ngại nói:
- Đã đành là phải đến, nhưng tôi cứ nhớ tới chuyện bữa trước thì lại rùng mình. Chuyện ở chợ Bến-thành ấy mà. Một em nhỏ giấu kín lá cờ trong nhà, chờ một buổi có quân du kích kéo vào chợ, mới vác chạy ra đường vẫy đón.
Mắt người đàn bà mau cảm động rưng rưng đôi màng lệ.
Thấy người ấy không nói nốt, một anh cao lớn nắm chặt bàn tay, rít lên:
- Em nhỏ vừa phất cờ thì bị giặc nhằm rõ, bắn chết. Đoàn du kích căm giận, đánh rất hăng. Chúng ta giờ đây cũng phải đánh giết quân cướp nước rất dữ, và noi gương em nhỏ nêu cờ đỏ sao vàng lên ở trước mũi giặc, chứ sợ gì đổ máu!
Anh thứ hai nói theo:
- Thằng này cũng không có sợ gì, nhất định đêm nay cờ mình phải treo lên một chỗ rõ cao, rất cao, cho cả châu thành nhìn thấy.
Anh thứ ba vỗ đùi bảo:
- Ta treo quách lên chóp nóc cái đài nước thì nhất định là ai cũng thấy sao cờ mọc ở giữa trời.
Người đàn bà hỏi:
- Sao không treo lên cái cột chuông của nhà thờ ấy, cột chuông cao đấy chứ?
Anh thứ ba xua tay cãi:
- Không, vào nhà thờ vất vả hơn. Ta cứ đến thẳng cái đài nước ở giữa trời là tiện nhất, đài nước cũng cao ghê!
Người đàn bà lẩm bẩm:
- Trèo cho khéo, kẻo lại như chuyện bóp quận Hai đó!
Anh cao lớn nhất lại cất cái giọng ồ ồ vịt đực mà kể:
- Mấy anh đây chắc chưa biết chuyện bóp quận Hai ra sao, tôi thuật cho mà nghe.
Có anh chưa biết, song cũng có anh biết rồi, thành thử họ làm ầm ỹ cả lên, khiến cho anh cao lớn phải cản:
- Các chú hãy cứ im, dẫu biết rồi thì bây giờ nghe kể lại càng hay chứ sao. Bóp quận Hai đã lọt vào tay giặc, nhưng một bữa, quân ta kéo tới đánh, xung phong giáp lá cà.
Ngay khi đó, một chị cảm tử nhanh như cắt xông lên tận cột cờ và lấy lá cờ đỏ sao vàng mang theo mình ra treo. Chẳng may chị trúng đạn ngã xuống.
Người đàn bà thở ra một hơi mạnh. Anh cao lớn như nghẹn ngào, tạm ngừng nói. Tất cả các bạn khác đều im lặng tưởng lại phút chị cảm tử với lá cờ cùng ngã xuống và chan hòa máu.
Cái anh bé nhỏ lầm lỳ, không muốn cảnh im lặng kéo dài mãi, vụt lên tiếng:
- Ồ, can chi mà buồn, phải trả thù cho chị ấy chứ! Còn bao nhiêu mạng đã hy sinh như thế, chỉ để giữ cờ.
Anh cao lớn nhếch mép cười, rồi dằn giọng nói:
- Phải, chúng ta phải chiến, phải chiến! Chúng ta phải nhớ rằng: bữa ấy, ở bóp quận Hai, sau khi chị cảm tử ngã rồi, lập tức một anh khác nhẩy đại tới, nhặt lá cờ vấy máu lên, để giương lên chóp cột; nhưng anh hăng quá, khiến giặc lại nhằm trúng, bắn anh chết nốt. Cờ lại đổ! Thế là mất hai mạng!
Người đàn bà quệt ngang tay áo lên mắt, khẽ thổn thức:
- Còn mạng đứa trẻ nữa!
Anh cao lớn nói tiếp:
- Mọi người đánh bóp quận Hai bấy giờ giận sôi lên, không còn nghĩ đến cờ, chỉ nghiến răng xốc tới tìm giặc giết. Nhưng có một em nhỏ, em đó mười bốn tuổi, tôi biết, chạy lại nhặt lá cờ đẫm hai lần máu kia cố treo lên kỳ được. Cờ vừa bay phấp phới, thì em nhỏ bị đạn ngã chồng lên hai xác anh chị nằm dưới chân. Chuyện có thế là hết. Bây giờ mọi người tha hồ im lặng vài ba phút…
Phút sau, ai nấy đều bị khích động bởi những anh chị em đã chết dưới sắc cờ cứu quốc, ai nấy đều sửa soạn lên đường, quyết phanh thây xé xác quân thù. Kẻ có dao tìm dao, kẻ có gậy tìm gậy, kẻ có súng tìm súng.
Nhưng nãy giờ, câu chuyện dài dòng kể bằng giọng tiểu thuyết của anh cao lớn đã làm lạc mất lời khuyên của người đàn bà, cho nên người đàn bà lại cẩn thận nhắc lại:
- Các anh có đi, đừng chết nhiều như ở bóp quận Hai đấy nhé. Làm thế nào treo được cờ mà không chết, mới giỏi.
Một anh có vẻ liều hơn cả, cười nhạt, bảo:
- Dẫu có chết, mà treo được cờ trên nóc đài nước, cũng sướng rơn!
Anh cao lớn hỏi:
- Thế những ai tình nguyện đi treo cờ, hãy giơ tay coi?
Mọi người cùng nhìn, thấy năm cánh tay dựng thẳng lên, năm người tình nguyện xin đi.
Anh cao lớn gật đầu, vui vẻ nói:
- Tôi ưng mấy anh cảm tử này lắm. Mấy anh hãy làm cho được việc. Còn chúng tôi thì bò dưới đất mà chiến hoài hoài.
Anh bé nhỏ cũng ở trong số năm người tình nguyện, quay nói với bốn bạn:
- Chúng ta đã lãnh việc rồi, bắt đầu từ đây, phải giúp đỡ nhau cho thành công, nghĩa là các anh hãy ngăn ngừa giặc cho tôi trèo lên trước, tôi có bị chết, anh khác sẽ thay.
Một anh bảo:
- Mỗi đứa phải mang theo một lá cờ, phòng khi thằng này ngã, thằng kia ngoẻo, cờ đều rơi mất, mà bấy giờ còn tìm nhặt lấy cờ, thì giặc nó bắn cho bể óc. Sao bằng sẵn cờ giắt ở lưng, mình cứ việc tìm chỗ tốt mà trèo.
Anh khác hỏi:
- Nhưng lấy đâu ra năm lá cờ? Nhà này có mỗi một chiếc.
Người đàn bà khoát tay một vòng khắp quanh nhà, mà bảo:
- Thiếu gì, trong xóm này thì thiếu gì cờ! Nhà nào mà chẳng có một cái! Để tôi đi kiếm cho. Chỉ bốn nhà ủng hộ nữa, là đủ năm lá.
Một anh nói:
- Nhưng phải những lá thật lớn.
Người đàn bà vừa chạy thốc đi, vừa ném lời lại:
- Vừa lớn, vừa nhỏ, miễn là cờ thì thôi, chứ kén toàn lớn cả, sao đủ được. Xóm này nghèo.
Ai nấy cũng chia nhau sửa soạn phần việc mình. Trời lúc đó đã tối mịt. Lập lòe ít ngôi sao nhỏ trên không. Xung quanh, mọi ngả im lặng một vẻ bí mật và âm ỷ. Những chiến sĩ vô danh lục tục lên đường, đếm thầm từng bước, hẹn thầm với nhau bao tiếng nổ tan hồn lũ giặc cướp nước. Giặc sợ đêm tối đến ngần nào thì dân quân lợi dụng đêm tối được ngần ấy. Châu thành
Sài-gòn không đèn đuốc, luôn mấy hôm không hôm nào là không bị nảy lửa từng chỗ, có nơi bỗng cháy rực lên như ban ngày, và khi bọn xâm lăng hoảng hốt trước ánh sáng bất ngờ như thế, thì quân du kích đã đánh phá rất nhiều rồi.
Trong xóm vừa kể trên, đàn ông đã rời đi gần hết. Họ tới những căn phố chưa phai vết máu. Chỉ còn những phụ nữ ở lại. Người đàn bà lúc nãy chạy mượn cờ, nay trở về trao cho năm anh cảm tử mấy lá cờ bằng vải. Lập tức, mỗi anh giắt lưng một lá, rồi ra đi nốt. Những cái bóng âm thầm ấy chìm vào quãng tối trong nháy mắt.
(Còn nữa)
* Lính Ấn Độ da ngăm đen