Các bài hát đang dần ngắn lại
Tháng 10/2022, ca sĩ Lil Yachty đã tải bản nhạc dài 83 giây mang tên Poland (Ba Lan) lên ứng dụng nghe nhạc trực tuyến SoundCloud. Đoạn nhạc, bao gồm một câu hook xuyên suốt đi kèm vài dòng rap vần chậm, được giới nghệ sĩ đánh giá cao. Hơn cả một bài hát, bản demo này giống như những dòng ý tưởng tuyệt vời. Dẫu vậy, bằng cách nào đó, Poland lại trở thành bản hit khi giành vị trí thứ 40 trên Billboard Hot 100 (bảng xếp hạng chính thống được phát hành hằng tuần bởi tạp chí Billboard dựa trên doanh số bán đĩa, lượt phát trên radio và lượt nghe trực tuyến tại Mỹ).
Nhìn rộng ra, trường hợp của Poland đại diện cho xu hướng lớn hơn: Thời lượng trung bình của các bài hát đang giảm dần. Từ năm 2000 đến nay, các ca khúc trên Billboard Hot 100 đã ngắn hơn khoảng 40 giây, xuống còn khoảng ba phút 30 giây. Tỷ lệ của những bài hát ngắn dưới ba phút đã tăng vọt từ mức chiếm 4% trong năm 2016 lên 38% vào năm 2022. Thậm chí, tính đến ngày 9/5, bài hát dẫn đầu Last Night (Morgan Wallen) và tác phẩm ở vị trí thứ hai Kill Bill (SZA) đều sở hữu thời lượng rất ngắn-lần lượt là 163 giây và 153 giây.
Thực tế, các bài hát ngắn thu hút nhiều lượt nghe hơn, đến từ việc người dùng chơi đi chơi lại nó trên các ứng dụng. Và nếu album gồm toàn những sản phẩm như vậy, thời gian để chạy hết tất cả bài hát sẽ rút lại, đồng nghĩa doanh số bán hàng trực tuyến cũng tăng lên trông thấy. Hơn thế nữa, việc rút ngắn thời lượng và cô đọng nội dung cũng làm giảm khả năng bài hát bị nhấn bỏ qua - điểm cộng được các nền tảng phát nhạc trực tuyến đánh giá cao.
Hiện tại, Spotify tính 30 giây nghe là khoảng thời gian vừa đủ để kích hoạt khoản thanh toán tiền bản quyền, nhưng thế hệ trẻ dùng TikTok không cần đến 30 giây để tương tác với âm nhạc. Theo nghiên cứu của công ty phân tích âm nhạc MRC Data, 67% số người dùng có nhiều khả năng tìm kiếm các bài hát sau khi nghe trích đoạn của chúng trên TikTok. Đồng thời, các bài hát thịnh hành trên ứng dụng này thường lọt vào Billboard Hot 100 hoặc Spotify Viral 50. Bởi vậy, sự chú ý dành cho các mạng xã hội như TikTok không phải là không có cơ sở.
Thậm chí, rapper Tiagz người Canada còn xây dựng được cộng đồng 4,2 triệu người hâm mộ trực tuyến, bằng cách sáng tác nhạc lấy cảm hứng từ các hiện tượng xã hội nổi tiếng trên thế giới (memes), cũng như dựa trên việc sử dụng hiệu quả thuật toán đề xuất nội dung tìm kiếm và xu hướng phổ biến trên TikTok. Khi công thức để tạo ra bài hát "ăn khách" dựa trên các xu hướng nổi bật trong tuần, không ít những cây viết trẻ sẽ cố gắng xây dựng sản phẩm ăn theo với hy vọng bản thân có thể "trúng số độc đắc". Đây cũng là nguy cơ tiềm ẩn từ tư duy muốn nhanh chóng nổi tiếng thay vì tạo ra ca khúc dựa trên trải nghiệm sống cá nhân.
"Trợ lý" sáng tạo âm nhạc
Cách đây không lâu, nhóm nhạc rock Metallica đã chia sẻ "quy trình" tạo nên một album chất lượng. Trước tiên, tay trống Lars Ulrich được tặng máy nghe nhạc ipod chứa 1.500 bản proto-riff (chùm hợp âm-đoạn nhạc nguyên mẫu) với hàng loạt các ý tưởng ẩn chứa trong đó. Ông ấy sẽ sàng lọc xuống thành 20 hoặc 30 đoạn riff nổi bật. Một trong những đoạn này sẽ là "nền móng" để xây nên sản phẩm cuối cùng. Bài hát đó đại diện cho hàng giờ chọn lọc giữa hàng trăm ý tưởng thành một bộ sưu tập các "đoạn proto-riff" đầy hứa hẹn, sau đó tập trung vào những đoạn tiềm năng nhất.
Cần phải biết rằng, âm nhạc có sức hấp dẫn lớn bởi nó kích hoạt các "công tắc cảm xúc" được tạo nên từ các phản ứng khác nhau trong não bộ. Một nhà soạn nhạc tài năng không chỉ nghe thấy các chuỗi hợp âm đơn thuần mà còn cảm nhận được những yếu tố ẩn sâu bên trong. Bởi vậy, khi nghệ sĩ nhận định bài hát hay chuỗi nốt cụ thể mang lại cảm giác vui hay buồn, họ đang mô tả cách bộ não tổng hợp nên những khuôn mẫu nhất định. Với sự phát triển của công nghệ, một nốt nhạc "tươi sáng" hay một giai điệu nghe "tràn đầy năng lượng" có thể được phân loại và định lượng bằng các thuật toán.
Trí tuệ nhân tạo (AI) dựa trên các thuật toán mạnh mẽ để xử lý âm thanh đã sở hữu khả năng phân tích, định lượng và diễn giải các đoạn proto-riff ở quy mô đáng kinh ngạc. Thậm chí, những phần mềm đa năng (như Flow Machines, AIVA và Amper Music) còn có thể tạo ra những bản nhạc giàu cảm xúc thông qua việc chọn thời lượng, nhịp độ, phong cách và tâm trạng theo sở thích cá nhân.
Nhờ AI, năng suất sáng tác của các nhạc sĩ có thể tăng lên gấp nhiều lần. Những nghệ sĩ như Lars Ulrich giờ có thể "huấn luyện" AI thông qua một bộ lọc cá nhân, để rồi máy tính sẽ tự phân tích và chọn lọc giữa hàng trăm nghìn hay thậm chí hàng triệu đoạn proto-riff. Đây chẳng khác nào một "trợ lý sáng tạo" và sẽ giúp nhạc sĩ tiết kiệm đáng kể thời gian để tập trung hơn vào những công đoạn cuối cùng.
Không những vậy, những thiết bị di động nhỏ gọn giờ đã hỗ trợ tích cực công việc sáng tác. Người Nhật cũng phát minh ra studio di động, cho phép nghệ sĩ thu âm thẳng vào băng cassette chỉ với giá vài trăm USD thay vì đầu tư đắt đỏ cho bộ phận phòng thu. Nhờ sự phát triển của công nghệ, thế hệ nhạc sĩ trẻ có thể tạo ra những bản nhạc chất lượng tốt ở bất cứ đâu với chi phí thấp hơn hẳn.
Rõ ràng, công nghệ đã thay đổi ngành công nghiệp âm nhạc theo nhiều cách, đặc biệt với các nhạc sĩ. Tuy nhiên, "đôi tai ma thuật" của mỗi người, cùng khả năng khơi gợi niềm cảm hứng từ nhiều chuỗi hợp âm khác nhau vẫn cần tới trải nghiệm cảm xúc thật sự trong cuộc sống và sự kiên trì đáng kinh ngạc để biến tất cả trở thành sản phẩm thỏa mãn người nghe. Đó cũng chính là nghệ thuật-điều giúp phân biệt cá tính cũng như giúp định danh người nghệ sĩ trên thị trường âm nhạc.