Trao giải cho “Giải mã chữ Hán Lê Quý Đôn”

Sáng 27/12, Hội Nhà văn Hà Nội tổng kết hoạt động năm qua, trao giải thưởng của Hội, kết nạp thành viên mới.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà văn Ma Văn Kháng (thứ hai từ trái sang) và nhà văn Vũ Bình Lục (thứ hai từ phải sang) nhận giải thưởng Ảnh báo Hà Nội mới.
Nhà văn Ma Văn Kháng (thứ hai từ trái sang) và nhà văn Vũ Bình Lục (thứ hai từ phải sang) nhận giải thưởng Ảnh báo Hà Nội mới.

Theo đánh giá của lãnh đạo hội, trong khó khăn suy thoái kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế, nhưng Hội Nhà văn Hà Nội đã duy trì thường xuyên 10 buổi sinh hoạt chuyên đề, giới thiệu, đánh giá về các tác phẩm; tổ chức các buổi đi thực tế ở Sơn La, Ba Vì và Thanh Hóa, tham gia trại sáng tác toàn quốc...

Năm nay, Hội Nhà văn Hà Nội trao giải cho tác phẩm “Giải mã chữ Hán Lê Quý Đôn” (NXB Hội Nhà văn) của nhà thơ Vũ Bình Lục. Giải thưởng cống hiến trọn đời dành cho nhà văn Ma Văn Kháng, người có uy tín trong quá trình sáng tác và bề dày cống hiến cho văn học nước nhà. Hội cũng kết nạp 24 tác giả mới, trong đó văn xuôi có 7 người, thơ có 14 tác giả, lý luận, phê bình văn học có hai và 1 tác giả văn học dịch.

Tập sách của tác giả Vũ Bình Lục được đánh giá là công trình nghiên cứu chuyên sâu và khá công phu, dày hơn 800 trang. Tác phẩm đã phân tích 400 trong tổng số hơn 550 bài thơ của Lê Quý Đôn, kết hợp phương pháp lý luận truyền thống với nghệ thuật phê bình văn học đương đại. “Thơ Việt Nam không hề thua kém thơ Đường, thơ Tống. Bởi cùng ngôn ngữ Hán thư, mà cha ông ta đã có được thành tựu văn học Trung đại to lớn trong suốt thời kỳ phong kiến, tồn tại tới ngày nay. Sẽ là có lỗi nếu chúng ta không biết nhiều về những giá trị đó của ông cha. Hiểu được, nhận thức được giá trị trí tuệ và tâm hồn của ông cha ta gửi gắm trong thơ văn Trung đại là điều cực kỳ quan trọng đối với thế hệ hôm nay, trong thời kỳ du nhập nhiều nền văn hóa nước ngoài”, nhà thơ Vũ Bình Lục chia sẻ.

Thời gian tới, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội và Hội Nhà văn Hà Nội sẽ chủ trì một số hoạt động quan trọng. Trong đó phải kể tới “Ngày thơ Thăng Long - Hà Nội” dự kiến lần đầu tiên được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.