Thúc đẩy du lịch từ TP Hồ Chí Minh đến Đồng bằng sông Cửu Long

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quyết định phê duyệt Phê duyệt Đề cương chi tiết nhiệm vụ “Tổ chức các hoạt động liên kết phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long”.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: K.MINH
Ảnh: K.MINH

Theo đó, các hoạt động xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch sẽ được triển khai trên địa bàn, với sự tham gia của nhiều đơn vị như Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh và Sở quản lý lĩnh vực du lịch của các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.

Các đơn vị sẽ nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch, tăng cường liên kết giữa các tỉnh trong khu vực về tour, tuyến, các sản phẩm dịch vụ nhằm tạo ra sản phẩm du lịch mang tính thu hút, kéo dài thời gian trải nghiệm và chi tiêu của du khách khi đến với du lịch vùng. Cùng với đó, tổ chức nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch thông qua khảo sát thực tiễn từng địa phương, tìm hiểu sản phẩm đang có và hướng phát triển trong thời gian tới. Thời gian tới, nhân dịp tỉnh Vĩnh Long tổ chức “Festival Gốm đỏ - Kinh tế xanh Vĩnh Long lần thứ 1 năm 2024”, Bộ sẽ triển khai các hoạt động liên kết phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đây được cho sẽ là tiền đề cơ sở để tạo mối liên kết, hợp tác đối với các sản phẩm, dịch vụ du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trên, cũng như hấp dẫn, thu hút nguồn khách lớn từ TP Hồ Chí Minh đến với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong các hoạt động trên, sẽ có việc tổ chức đoàn Famtrip trải nghiệm làng nghề và các sản phẩm du lịch cụm liên kết phát triển du lịch tại các khu, điểm du lịch đã và đang khai thác, điểm đến tiềm năng trên địa bàn 6 tỉnh với các nội dung: “Hành trình sắc màu vùng biên”, “Hành trình từ sông ra biển”. Cùng với đó là tổ chức hội nghị đánh giá sản phẩm du lịch hiện có và tiềm năng phát triển du lịch theo hướng liên kết vùng nhằm xác định cụ thể các ưu điểm, nhược điểm cũng như các khó khăn, vướng mắc và hạn chế về các sản phẩm, dịch vụ, điểm đến du lịch.

Các hoạt động trên được kỳ vọng sẽ cơ cấu lại, làm mới và phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch trên cơ sở tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc của các tỉnh cụm phía đông vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phù hợp với thị hiếu của du khách từ TP Hồ Chí Minh, đồng thời, nâng cao khả năng cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ. Cùng với đó, hỗ trợ các địa phương tăng cường liên kết, hợp tác phát triển về lĩnh vực du lịch với TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.