Ngoài ra, ở thời điểm lịch sử 10/10/1954 còn ghi nhận có nhiều ca khúc về Hà Nội khác nữa như: “Về Thủ đô” của Tô Vũ, “Hà Nội giải phóng” của Nguyễn Văn Quỳ, “Thủ đô vui đón các anh” của Anh Vũ, “Đêm trăng nhớ Hà Nội” của Nguyễn Đức Toàn…
Rất xưa quý báu!
Những ca khúc viết về Hà Nội vẫn còn nối dài cùng thời gian nhưng ở đây chỉ điểm qua tác phẩm nổi bật trong giai đoạn từ 1947 đến 1954 sẽ thấy nhiều điểm đáng chú ý. Nếu để ý, có nhiều tác phẩm ra đời trong tâm thế hướng đến sự kiện chung của Hà Nội và của dân tộc, tức là chung một chủ đề, chung một thời điểm vang lên trước công chúng. Nhiều tác phẩm trong số đó đến ngày nay vẫn là những giai điệu quen thuộc, nhiều tác phẩm hiện chỉ còn được nhắc đến bởi cái tên trong khi những giai điệu lời ca của nó đã không còn hiện hữu. Chỉ chi tiết này thôi cũng cho thấy tác phẩm nghệ thuật cũng như một đời người, có sứ mệnh và số mệnh của nó. Khi sứ mệnh đã hoàn thành mà số mệnh vẫn còn thì nó vẫn tiếp tục được ngân vang trong lòng công chúng.
“Người Hà Nội” mở đầu bằng những lời ca mang tính khái quát lại chứa đựng cả một chiều dài của thành phố với những thăng trầm của lịch sử: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây! Đây lắng hồn núi sông ngàn năm. Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội. Hà Nội mến yêu…”. “Ai về Thủ đô tôi gửi vài lời, Tâу Hồ mờ xa là nhà tôi đó. Đâу chợ Đồng Xuân bên dòng Nhị Hà, đi học về qua luôn hát vui ca” là câu hát mở đầu ca khúc “Sẽ về Thủ đô”. Câu hát này cũng nhắc đến những địa danh gần tương tự như “Người Hà Nội” nhưng trong một tâm thế khác. Nó không giống một tuyên ngôn về vị thế Hà Nội trong lòng dân tộc mà như một tâm sự cá nhân, gần gũi về nỗi nhớ da diết mảnh đất gắn bó với mình.
Tương tự, nỗi nhớ da diết một Hà Nội lung linh ánh đèn, những bóng dáng thanh lịch hào hoa và ẩn chứa thân phận của thành phố những ngày khói lửa trong “Hướng về Hà Nội”: “Hà Nội ơi hướng về thành phố xa xôi, ánh đèn giăng mắc muôn nơi, áo màu tung gió chơi vơi…”. Còn trong “Tiến về Hà Nội” thì thành phố hiện lên rõ nét, sinh động như một thước phim: “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về. Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào” và “Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu”.
Những ca khúc này đều có chung một đặc điểm tạo nên đặc trưng riêng, đó là viết về Hà Nội nhưng chỉ trong một không gian địa lý hẹp và rất rõ nét, đó là trung tâm Hà Nội, là Hà Nội của những phố phường, của năm cửa ô và được giới hạn tới Hồ Tây, sông Hồng. Dù được khu biệt vào phạm vi địa lý như thế nhưng lại mở ra một không gian rất rộng, thể hiện vị thế của mảnh đất này là khu vực trung tâm với những giá trị hiện hữu, những giá trị tinh thần của một Thủ đô là trái tim cả nước. Tức là hẹp nhưng lại mang tính bao quát, mở ra một không gian rộng lớn chứa đựng hồn cốt dân tộc.
Chi tiết tiếp theo cũng rất đáng chú ý đó là dù không nhiều về số lượng tác phẩm nhưng lại rất phong phú về yếu tố nghệ thuật. Chẳng hạn, có bài được sáng tác ở dạng hành khúc như “Tiến về Hà Nội”, có bài mang tính trữ tình như “Hướng về Hà Nội”, có bài vừa khai thác chất trữ tình ở đoạn đầu và vừa khai thác nhịp hành khúc ở đoạn hai như “Sẽ về Thủ đô”, trong khi có cả bài được xếp vào dạng trường ca như trường hợp tác phẩm “Người Hà Nội”. Như vậy là rất đa dạng về thể loại trong khi tính chất âm nhạc cũng rất phong phú.
Điểm đáng nói nữa ở đây là tính hàn lâm hiện hữu rất cao trong các tác phẩm này. Bên cạnh “Người Hà Nội” được xếp vào hàng trường ca, một thể loại lớn trong sáng tác cho thanh nhạc, nhiều tác phẩm có thể xếp vào thể loại ca khúc nghệ thuật (một loại tác phẩm cho thanh nhạc trong âm nhạc hàn lâm) như trường hợp “Hướng về Hà Nội”. Chưa hết, tính khí nhạc hiện hữu trong hầu hết các tác phẩm, cho nên khi nghe những tác phẩm này, mặc dù là các ca khúc nhưng vẫn hình dung ra được không gian âm nhạc giao hưởng thính phòng.
Quả thực, 70 năm, hơn 2/3 thế kỷ, đó là một khoảng thời gian dài có thể khiến rất nhiều thứ lùi vào dĩ vãng, nhiều thứ sẽ bị loại ra khỏi đời sống vì không còn phù hợp, nhiều thứ buộc phải thay đổi nếu muốn tồn tại. Nhưng cũng rất nhiều thứ vẫn tồn tại và thậm chí tồn tại gấp rất nhiều lần khoảng thời gian đấy. Nhiều trong những tồn tại ấy là chứng tích của thời gian và lịch sử, có thể là những giá trị vật thể hoặc phi vật thể đại diện cho tinh thần, tư tưởng, nếp sống, thẩm mỹ…
Nói vậy để thấy được rằng, những ca khúc viết về Hà Nội ngày giải phóng Thủ đô từ 70 năm trước vậy mà cho tới hôm nay, đặc biệt trong những ngày tháng 10 lịch sử này, những giai điệu ấy vẫn vang lên ngập tràn không gian, đất trời, lòng người Hà Nội thì nó không còn đơn thuần là một bài hát, một tác phẩm nghệ thuật nữa mà là một di sản tinh thần.
Rất mới thênh thang!
70 năm sau ngày 10/10/1954, âm nhạc đã có một hành trình dài và rộng mở. Hành trình ấy chia thành nhiều giai đoạn, tiếp tục có những ca khúc, tác phẩm khí nhạc có giá trị, sống cùng thời gian. Ở đây chúng tôi tạm lấy khung mốc từ 2017 cho tới 2024 và chỉ nhìn vào những ca khúc về Hà Nội thật sự đã được đón nhận và đang sống trong lòng công chúng.
Có thể kể ra đây ca khúc đại chúng phổ biến nhất mà chúng tôi tìm được và biết tới là “Hà Nội nơi tìm về” với những câu hát đã thành quen “Bâng khuâng chiều hồ Tây lao xao kỷ niệm Từng lối đi không người qua. Một tiếng ghi-ta quán trà đá ven đường, dừng chân nghe chút bình yên…”. Ca khúc là sáng tác của nhạc sĩ Lê Thành Trung, lần đầu ra mắt năm 2018 do ca sĩ Tuấn Hiệp thể hiện. Dẫu thiếu vắng ca khúc chính ca hay trữ tình hay về Hà Nội nhưng gần đây lại chứng kiến sự xuất hiện nhiều sản phẩm âm nhạc của nghệ sĩ Gen Z (sinh 1997 trở đi) với đa dạng thể loại nhạc R&B, Drill, Electro-pop, Flamenco R&B… Tháng 12/2023 Wren Evans - một phong cách âm nhạc ấn tượng - ra mắt “Cầu Vĩnh Tuy”. Đây là một trong 11 ca khúc nằm trong album “Loi choi” của nam nghệ sĩ người Hà Nội sinh năm 2001 này. Trước đó, đúng ngày 10/10/2023 một nam rapper khác cũng sinh năm 2001 người An Giang là Obito gây ngạc nhiên khi ra mắt bài rap mang cái tên ngắn gọn “Hà Nội”…
Cùng trong khoảng thời gian 2017-2024 có cả trăm tác phẩm mới về Hà Nội, chủ yếu nằm trong các cuộc vận động, cuộc thi sáng tác thời gian qua. Có thể có nhiều tác phẩm chất lượng nhưng xin phép không điểm ở đây vì công chúng chưa được tiếp cận hoặc chưa đủ thời gian để thẩm thấu. Trong khi, những ca khúc mới đã điểm ra trên đây đều đã được đón nhận, có khán giả riêng. “Hà Nội” của Obito tính đến nay đạt hơn 24 triệu lượt xem trên YouTube; “Cầu Vĩnh Tuy” của Wren Evans dù số view không nhiều bằng, hiện đạt gần 3 triệu, nhưng lại được đánh giá cao về tính cách nghệ thuật và hiện vẫn đang nằm trong tốp 100 ở vị trí 18 của bảng xếp hạng âm nhạc Billboard Vietnam. Trong khi, “Hà Nội nơi tìm về” được hát thường xuyên.
Có thể thấy, ca khúc về Hà Nội hiện nay vẫn là tình yêu dành cho Hà Nội, nét đẹp hoài niệm và cả những hiện hữu mới mẻ trước đó không có, như cầu Vĩnh Tuy năm 2010 mới có. Dù có thể phạm vi địa lý cụ thể của Hà Nội được nhắc rộng hơn, một vài địa danh trước đây là ngoại ô hiện là nội thành… nhưng không gian bao trùm lại hẹp hơn vì tác phẩm không đề cập tới tính bao quát Hà Nội ở vị thế tinh thần dân tộc như trong quá khứ.
Tất nhiên không thể so sánh với các bậc tiền nhân kỳ tài, nhưng rõ ràng 70 năm trước đó là tiếng nói thời đại, là mạch nguồn, là dòng chảy lịch sử, trong khi giai đoạn hiện nay sống trong hòa bình và xu hướng giao lưu quốc tế cho nên để có một tác phẩm mang tầm vóc lớn lao không phải không thể nhưng rất khó. Bù lại, tác phẩm lại có màu sắc âm nhạc lan tỏa, mới mẻ và hội nhập với âm nhạc của giới trẻ khu vực và thế giới. Đương nhiên, nó có giá trị cũng như vị thế riêng cần được khuyến khích phát huy.