“Giải mã” thông điệp thẩm mỹ của Nguyễn Tư Nghiêm

Trong những ngày nắng tươi tưng bừng giữa thu, tại khu nhà B của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học), diễn ra chương trình “arttalk”: “Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - Người kết nối Giá trị thẩm mỹ truyền thống với đương đại”. Chương trình thu hút hàng trăm khán thính giả nhiều độ tuổi và công việc khác nhau đến lắng nghe và trò chuyện.
0:00 / 0:00
0:00
“Giải mã” thông điệp thẩm mỹ của Nguyễn Tư Nghiêm

1/Diễn giả khách mời của cuộc tọa đàm nghệ thuật này không thể thiếu hai người quan trọng trong việc tôn vinh và tham gia tổ chức triển lãm đầu tiên ở thập kỷ 80 cho ba danh họa trong “bộ tứ Sáng, Nghiêm, Liên, Phái” (là Nguyễn Sáng (1923-1988), Nguyễn Tư Nghiêm (1918-2016) và Bùi Xuân Phái (1920-1988). Đó là họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam và họa sĩ Đặng Thị Khuê, nguyên Ủy viên Thường vụ - thường trực của Hội, tên khi đó là Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam).

Bài viết để phục vụ phát biểu cho cuộc tọa đàm lần này của bà Đặng Thị Khuê dài 12 trang A4, chủ yếu kể lại những kỷ niệm hết sức thú vị của bà khi trực tiếp chứng kiến gặp gỡ và trò chuyện với danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Trong đó có nhiều câu chuyện và lời nói của ông được nữ họa sĩ kể lại và phân tích lần đầu tiên đến với người nghe. Thí dụ như phân tích năm sinh thực và năm sinh trong căn cước của danh họa, bà Khuê đã cho rằng ông sinh năm 1918 (năm Mậu Ngọ) mới “chuẩn” chứ không phải năm 1922 như trong căn cước. Điều này, không phải chỉ do chính danh họa đã nói với bà và nhiều bạn bè khác, mà còn có lý do là ông từng rất thích vẽ ngựa trong rất nhiều bức tranh chất liệu khác nhau. Bởi vậy, tuổi thọ thực của ông là gần 100 tuổi.

“Giải mã” thông điệp thẩm mỹ của Nguyễn Tư Nghiêm ảnh 1

Tranh sơn mài “Thánh Gióng” của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

2/Chính từ đó, nhận định tổng kết của bà Khuê rằng danh họa là “người đồng hành cùng thế kỷ nghệ thuật 20, người đã trực tiếp vào cả ba giai đoạn của nghệ thuật hiện đại Việt Nam với những thành tích không nhỏ”. Thí dụ như ông đều giành giải nhất trong Triển lãm mỹ thuật toàn quốc ở hai giai đoạn là năm 1948 và năm 1990. Ông cũng là người trong giới mỹ thuật được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật lần thứ nhất, năm 1996 (cùng với nhà điêu khắc Diệp Minh Châu (1919-2002).

Khẳng định việc họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã có thành tựu đặt nền móng cho cả ba giai đoạn của mỹ thuật hiện đại Việt Nam (tạm đặt tên là: 1. Kết nối chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa lãng mạn; 2. Chuyển đổi kết nối chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa dân tộc; 3. Thời kỳ đổi mới và phát triển), họa sĩ Đặng Thị Khuê dẫn dụ bằng nhiều câu nói giản dị trực tiếp của ông đối với bà như: “Nhìn về nghệ thuật hoang dã nguyên thủy, có nhiều giá trị lớn…” hay “Hiện đại không nên vay mượn nước ngoài, nên quay về gốc rễ là hơn, bởi trong truyền thống nước ta, có nhiều tinh thần hiện đại”. Cũng để tán thành việc này, họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đã “tổng hòa được ngôn ngữ của nghệ thuật truyền thống, và nói được tiếng lòng mình...”. Họa sĩ kể một lần danh họa nói với ông một lời đúc kết như một triết lý nghệ thuật là: “Đi tới cùng nghệ thuật truyền thống, ắt sẽ chạm đến đương đại”.

3/Trong cuộc tọa đàm, nhiều hình ảnh tranh, ảnh tư liệu rất quý trong lịch sử trên dưới 100 năm về mỹ thuật và nghệ thuật hiện đại Việt Nam nói chung, được hai diễn giả và các nhân viên bảo tàng trình chiếu tới người xem, đem lại những xúc động khó có thể nói hết. Cũng chính vì vậy, khán giả không thể thiếu là bà Nguyễn Thu Giang, vợ danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đã phát biểu đại ý ngắn gọn: “Chồng tôi như sống lại và trở về đây, ông ấy là người yên lặng ít nói, có khi ông ấy ngồi góc tối dưới kia kìa, để quan sát và mỉm cười với chúng ta…”.

Năm 1994, cũng do cố gắng của bà Giang, cuốn sách tranh đầu tiên về các tác phẩm chính của Nguyễn Tư Nghiêm được xuất bản. Năm 2011, bảo tàng tư nhân đặc biệt có tên: “Bảo tàng Nguyễn Tuân - Nguyễn Tư Nghiêm” tại số nhà 90-B2 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã chính thức khai trương, đã đón tiếp đông đảo công chúng yêu văn chương, mỹ thuật hiện đại vào chiêm ngưỡng. Triển lãm này cũng do bà Giang nỗ lực thực hiện... để lưu nhớ về người chồng và người cha của mình - nhà văn Nguyễn Tuân.