Việt Nam và Pakistan ký kết hợp tác về văn học

Hội Nhà văn Việt Nam vừa ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Hội và Viện Văn học Pakistan tại Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam và Pakistan ký kết hợp tác về văn học

Lĩnh vực hợp tác chính gồm: phối hợp tổ chức các chuyến thăm lẫn nhau của các nhà văn, nhà thơ, trí thức, nhà khoa học thuộc lĩnh vực xã hội và học giả hai nước; phối hợp tổ chức các hội chợ sách tại mỗi nước; luân phiên tổ chức các hội nghị, hội thảo, nghiên cứu về các chủ đề cùng quan tâm trong lĩnh vực văn học tại mỗi nước; dịch các tác phẩm văn học của nhà văn hai nước; xuất bản sách của các nhà văn hai nước. Cùng với đó, đăng tải thơ và các tác phẩm văn học khác lên các trang web chính thức của hai bên; tổ chức các khóa đào tạo cho các nhà văn, nhà thơ và trí thức hai nước; trao các giải thưởng văn học cho các nhà văn và nhà thơ của cả hai nước; và các hoạt động khác nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực văn học, văn hóa và sáng tác.

Trước mắt, phía Pakistan sẽ xem xét việc dịch và xuất bản các tác phẩm của Việt Nam và ngược lại, phía Việt Nam sẽ dịch và xuất bản tuyển chọn 100 bài thơ hay của Pakistan.

Nhà văn Trương Văn Dân ra mắt tiểu thuyết tại Italy

Tiểu thuyết “Ultima Promessa” (Ước hẹn cuối cùng) của nhà văn Việt Nam Trương Văn Dân đã ra mắt tại không gian văn hóa “lo Spazio Barrili” ở Milano, Italy. Buổi ra mắt thu hút sự chú ý của giới văn nghệ sĩ và độc giả, bởi câu chuyện tình yêu cảm động giữa hai nền văn hóa Việt Nam - Italy cùng những vấn đề nhân sinh sâu sắc.

“Ultima Promessa” xoay quanh câu chuyện tình yêu giữa Đôn, một sinh viên Việt Nam, và Anna, một cô gái người Italy, gặp nhau trong những năm 1970. Mối tình vượt khoảng cách văn hóa nhưng lại chịu nhiều biến cố. Bi kịch đến khi Anna gặp tai nạn, đặt Đôn vào tình thế phải đưa ra quyết định khó khăn. Tác phẩm là câu chuyện tình yêu mang tính triết lý sâu sắc về sự sống, cái chết. Tác giả đã khéo léo thể hiện các khía cạnh văn hóa, lịch sử của Việt Nam và Italy, làm nổi bật giá trị nhân bản trong tình yêu và cuộc sống.

“Nghệ thuật không phải để ngắm”

Nằm trong chuỗi triển lãm sách kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, tọa đàm về cuốn sách “Nghệ thuật không phải để ngắm” (San Hô Books và NXB Thanh niên) qua sự dẫn dắt của nhà văn trẻ Hiền Trang, có Giám đốc NXB Thanh niên Lê Thanh Hà, họa sĩ Kim Duẩn và họa sĩ Phạm Huy Thông tham dự.

Cuốn sách “Nghệ thuật không chỉ để ngắm” của tác giả Susie Hodge giúp bạn đọc đến gần hơn với nghệ thuật, từ đó tìm thấy sự thư giãn và cân bằng trong cuộc sống đời thường. Cuốn sách dành cho những người yêu thích nghệ thuật và những ai đang tìm kiếm một phương pháp để xoa dịu cảm xúc và khơi dậy sự sáng tạo.

Tại tọa đàm, Giám đốc NXB Thanh niên Lê Thanh Hà chia sẻ: “Đối với nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng, việc tiếp cận tới nghệ thuật trong cuốn sách này là một trong những cách thức để chữa lành, là liều thuốc trị liệu tâm hồn”. Còn họa sĩ Phạm Huy Thông mong muốn mọi người hãy tìm tới những tác phẩm nghệ thuật một cách tự nhiên nhất, tránh việc gò bó bản thân mà hãy “ngắm” theo bản năng của mỗi người.