Mạnh dạn hướng đến văn chương của tương lai

Hội nghị những người viết trẻ TP Hồ Chí Minh lần thứ 5/2024 vừa diễn ra từ ngày 11 đến 13/10 với chủ đề “Đồng hành khát vọng phương Nam”, khẳng định sự hình thành đội ngũ sáng tác văn chương sinh ra và lớn lên sau 1975.
Các đại biểu tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Các đại biểu tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Thế hệ những gương mặt mới

Hội nghị quy tụ 100 đại biểu, cùng các cây bút trẻ ở các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa Vũng Tàu… Nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, cho rằng, sẽ vô cùng may mắn khi những năm tháng chúng ta đang sống đây có một lớp nhà văn trẻ, sung sức viết, có kiến thức và kỹ năng để nắm bắt được những dòng chảy trên bề mặt và những tầng sâu của cuộc sống và đưa vào trang viết.

Văn chương trẻ thành phố đang hình thành những tác giả mang phẩm chất công dân toàn cầu. Đến với hội nghị có những tác giả sinh sau năm 2000, thông thạo ngoại ngữ và có thể sáng tác bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Tác giả trẻ Minh Anh sinh năm 2007 đã đoạt giải A của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam với tập thơ song ngữ “Một ngày từ bên trong”. Còn đại biểu trẻ nhất hội nghị là tác giả trẻ Cao Việt Quỳnh sinh năm 2008, có bộ tiểu thuyết “Người sao Chổi” gồm 3 tập, được trao tặng Giải thưởng Sách quốc gia. Hội nghị lần này quy tụ các gương mặt tác giả trẻ đã đông đảo và nhiều dấu ấn. Họ khác thế hệ đi trước, khi tự chọn con đường riêng để đột phá, có người chuyên tâm viết cho thiếu nhi, có người đầu tư mảng truyện tranh, có người khai thác mảng khoa học viễn tưởng, có người sáng tác đề tài trinh thám phá án…

Nhà thơ Trần Đức Tín tâm sự, kỳ vọng rất nhiều về thế hệ của mình và các bạn trẻ hơn, họ có đủ điều kiện nền tảng, có nhiều sự trợ lực, hy vọng họ sẽ bứt phá, đưa văn chương thành phố gặt hái thành công mới và lớn lao hơn, sánh vai cùng văn chương cả nước và vươn qua bên kia đại dương. Trần Đức Tín cho rằng, vài năm tổ chức đại hội một lần thì chỉ dừng ở mức độ tìm thấy, điểm danh và dừng lại ở đó, phải có kế hoạch thiết thực, dài hơi vun cho một lớp trẻ thật căn cơ, trường kỳ.

Lạc quan và kỳ vọng

Nhiều tác giả trẻ đã thể hiện tư duy văn chương đầy mới mẻ cũng như xác định rõ hành trình của mình. Thông qua sự nhiệt huyết của tuổi trẻ các đại biểu cũng mạnh dạn trình bày những đề xuất, nguyện vọng. Đại biểu Cao Việt Quỳnh cho rằng: Người Việt có một sức mạnh tưởng tượng, bằng chứng từ hệ thống thần thoại, truyện cổ tích dày đặc, phức tạp, có sự liên kết giữa các vùng miền. Đi kèm với ngôn ngữ rất đẹp đẽ, giàu chất thơ, nhưng cũng đơn giản, dễ hiểu, giản dị. Hội nghị lần này cho thấy, những tác giả ngày càng trẻ hơn, ngày càng nhiều bạn trẻ đam mê với nghề viết, vào nghề từ rất sớm. Có thể trong tương lai, sẽ có thêm nhiều tác giả, nhà văn, nhà thơ còn trẻ hơn em, với một góc nhìn mới mẻ, hiện đại hơn. Em chắc chắn văn chương TP Hồ Chí Minh và cả nước, trong thế giới công nghệ, kết nối, biến đổi không ngừng này, sẽ ngày càng đa dạng hơn. Đi kèm với những tác phẩm về lịch sử hào hùng của dân tộc, những bài thơ miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước, sẽ có những tác phẩm theo dạng khoa học viễn tưởng, kỳ ảo và nhiều thể loại mới lạ, kết hợp hoàn hảo văn hóa Việt Nam và nước ngoài.

Đại biểu Lương Huỳnh Trọng Nghĩa, dịch giả tiếng Anh và Hàn Quốc kỳ vọng văn học dịch sẽ sôi nổi, nhất là ở chiều ngược từ Việt sang Anh, Hàn, Pháp… “Một tín hiệu đáng mừng cho văn học dịch nước nhà là đã có không ít tác phẩm Việt Nam được dịch ra tiếng Anh. Chiều xuôi đã được triển khá tốt, bây giờ là đến chiều ngược, đầy thử thách nhưng rất đáng mong đợi, đáng nỗ lực để mang văn học Việt Nam ra thế giới và điều này có quyền hy vọng vào thế hệ dịch giả trẻ hiện nay”, Trọng Nghĩa nói.

Còn nhà văn trẻ Nguyễn Thị Như Hiền cũng cảm nhận lạc quan: Sân chơi cho các tác giả trẻ hiện nay rất “mở”. Các bạn có thể thoải mái đăng tải những sáng tác mới trên các diễn đàn, hội nhóm văn chương. Và gần như ngay lập tức, nhận được sự phản hồi, tương tác từ phía bạn đọc. Tuy nhiên, theo Như Hiền, đó là những diễn đàn trên mạng xã hội. Còn các tờ báo, tạp chí văn nghệ rất hiếm hoi “đất” cho tác giả trẻ gửi gắm những đứa con tinh thần. Trước đây có tờ “Văn nghệ Trẻ”, sau một thời gian hoạt động sôi nổi cũng đành dừng lại. Vài tạp chí có chuyên trang “sáng tác Trẻ”, tuy nhiên vẫn rất hiếm hoi so nhu cầu của các tác giả trẻ hiện nay. Tác giả Như Hiền đề nghị, các báo, tạp chí văn nghệ sẽ có thêm nhiều chuyên trang dành riêng để đăng tải sáng tác của những cây bút trẻ. Đó vừa là nơi phát hiện ra những tài năng mới, vừa là nơi tiếp sức cho các bạn trẻ trên con đường chữ nghĩa.

Các đại biểu trẻ đã có 2 ngày về với An Giang như một chuyến giao lưu chia sẻ và trải nghiệm thực tế; dâng hương và tham quan tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng; giao lưu với sinh viên Trường đại học An Giang; tham quan di chỉ văn hóa Óc Eo; thăm nơi ở và viết của học giả Nguyễn Hiến Lê tại Long Xuyên…