Nhà thơ Hồng Thanh Quang:

Trai phố Hàng lớn lên trên vỉa hè Hà Nội

NDO - Nhà thơ Hồng Thanh Quang sinh ra và lớn lên ở Hàng Ðào. Bố anh là bộ đội, ở chiến trường nên mẹ con anh sống cùng ông bà ngoại. Nhân duyên đưa anh đến với văn chương, khi anh lên sáu, vì chiến tranh nên phải đi sơ tán về quê ngoại ở thôn Chản, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Tây, nay là Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà thơ Hồng Thanh Quang
Nhà thơ Hồng Thanh Quang

Lúc đó, anh đang học lớp vỡ lòng. Về quê, trong những ngày chưa được đi học, bà ngoại nhờ một người họ hàng là cụ Lý Phương (một ông đồ từng làm lý trưởng thời Pháp thuộc) dạy cho ít chữ.

Cụ Lý dạy anh bằng cách cho xem và học thuộc một số bài thơ mà cụ đã viết theo những tích cũ, trong đó có cả những mẩu chuyện lấy từ sách kiếm hiệp hay sách dã sử. Việc học hành với anh trở nên rất hấp dẫn vì có nhiều tích truyện hay.

Tới giờ nhà thơ Hồng Thanh Quang vẫn còn nhớ đoạn thơ là lời của Dương Quý Phi nói với vua Đường khi biết mình sẽ bị giết, mà cụ Lý viết: “Mỗi khi ngự tới cung vi, Gọi thiếp ba tiếng thiếp thì hiện ra...”.

Rồi từ những nguồn thơ dân gian, ca dao mà anh đã tập làm những câu thơ đầu tiên của mình...: “Tôi đặc biệt thích ca dao và thuộc nhiều câu vì chúng giúp tôi thể hiện những cảm xúc lãng mạn sớm nảy nở trong tâm hồn mình.

Tôi còn nhớ, hồi lớp ba, tôi rất thích một bạn gái cùng lớp tên là Hà. Có một lần được ngồi cạnh bạn ấy, tôi đã viết vào tờ giấy câu ca dao: “Thuyền ơi có nhớ bến chăng, Bến này một dạ khăng khăng đợi thuyền...”. Tất nhiên, ở thời lớp 3 thì cô bé Hà ấy chả hiểu gì cả và rất hãi tôi... Gần đây, 60 tuổi, họp lớp, Hà nói với tôi: “Hồi đó là tớ ghét cậu nhất...”. Và cả hai đều cười khì khì...

Từ bé, Hồng Thanh Quang đã phải sống trong cảm giác cô độc vì ít ai chung quanh hiểu được những gì anh nghĩ. Thế giới chính của anh là những cuốn sách, đủ loại sách, hỗn độn, có gì đọc nấy mà phần nhiều là sách người lớn, những cuốn sách nghiêm túc và có lẽ là đã khó hiểu đối với anh: “Tôi đã tiếp nhận từ đó những gì thích hợp với đầu óc nhạy cảm và ưa mơ mộng của mình.

Tôi đã khóc mỗi lần đọc: “Ruồi trâu”. Tôi thích “Thép đã tôi thế đấy”, “Thuyền trưởng và đại úy”, “Ơ gie ni Grăng đê”... Tôi mê thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ...

Trai phố Hàng lớn lên trên vỉa hè Hà Nội ảnh 1

Nhà thơ Hồng Thanh Quang (giữa), (cố) nhạc sỹ Phú Quang và nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang - tác giả bài viết.

Sách gối đầu giường của tôi là “Tục ngữ ca dao Việt Nam” của Vũ Ngọc Phan. Tôi đọc rất nhiều tiểu thuyết Trung Quốc như “Tam Quốc diễn nghĩa”, “Đông Chu liệt quốc”, “Tây Du Ký”, “Nho Lâm ngoại sử”, “Hồng Lâu mộng”, “Thủy Hử”... Và vô số sách kiếm hiệp...”.

Thuở học trò, Hồng Thanh Quang hay bị bạn bè cùng lứa bắt nạt vì trông cứ khù khờ. Anh cũng hay nghịch dại nên dễ bị đòn oan. Trẻ con thích trêu chọc anh để cười khoái trá với nhau khi thấy vẻ tẽn tò trên khuôn mặt ngây ngô.

Điều may mắn, anh luôn là một trong những học sinh có sức học tốt nên dần dà cũng có được những người bạn tâm giao và vị nể. Lúc này nhìn lại, nhà thơ Hồng Thanh Quang tự cho rằng, ở tuổi nào, anh cũng có cách cư xử không giống chung quanh mấy...

Anh luôn sống riêng theo một kiểu mà ít ai thấu cảm... Đó cũng là lý do, càng về sau, càng thấm tháp những đòn ác người đời, anh càng trở nên thận trọng, ít bày tỏ suy nghĩ sâu bên trong, tránh phán xét người và cũng không thể hiện cảm xúc nhiều như xưa...: “Tôi lớn lên trên hè phố Hà Nội, vừa rất dân dã lại vừa rất mơ mộng nhờ những cuốn sách mà tôi đã được đọc.

Thật ra thì tôi không bao giờ thấy trong cái “sự Hà Nội” của mình có gì đặc biệt vì trên hè phố thủ đô cũng đủ kiểu người. Thành ra tôi rất dễ hòa đồng với bạn bè, đồng đội sinh ra ở những vùng quê, miễn là họ tử tế và quý mến tôi... Không có “chất Hà Nội” như một khái niệm khác biệt ở trong tôi... Tôi là giai phố nhưng tâm hồn luôn xào xạc tiếng hát của những bụi tre ở làng khi tôi về sơ tán. Thơ tôi là sự kết hợp nhuyễn của mọi địa bàn”.

Trai phố Hàng lớn lên trên vỉa hè Hà Nội ảnh 2

Nhà thơ Hồng Thanh Quang

Đi nhiều trải nghiệm nhiều, nhưng Hồng Thanh Quang nói, anh chỉ thích sống ở Hà Nội. Mỗi chuyến tới những vùng đất xa càng khiến anh muốn trở về thành phố tuổi thơ, nơi anh có cảm giác từng viên đá lát hè cũng ruột thịt đối với mình:

“Tôi rất may mắn là ở giai đoạn nào trong cuộc đời cũng có những người bạn tốt, những tri kỷ. Vừa lớn lên đã được học trong những tập thể được tuyển chọn từ những tinh hoa nhất của thế hệ mình nên tôi có điều kiện cọ xát để tự tu dưỡng, rèn luyện và nâng chính bản thân mình lên. Giữa những người bạn ấy, tôi rất bé nhỏ nhưng tôi cũng có được một vị trí của mình nên tiếp xúc với họ luôn là niềm vui và sự thú vị. Thơ là một nếp sống, là hơi thở hàng ngày, là sự cứu rỗi và sự tự khẳng định vị trí của tôi trong cõi thế. Những sáng tác thơ hay nhất của tôi thực ra lại không mấy liên quan tới những sự vụ trong đời sống của tôi mà cứ như những ghi chép lại từ tiếng nói vẳng từ đâu đó truyền cho lòng tôi. Cho nên, mỗi bài thơ chính là tất cả những gì có thể nói về nó, không thể kể thêm gì nữa. Vì kể gì cũng có thể chỉ là một sự bày đặt. Bài thơ vang lên như sấm truyền với riêng tôi, nhiều khi chi phối cuộc đời tôi, chứ không phải cuộc đời đã tạo ra nó.

Có bài thơ được phổ nhạc thì mình thích vì lời thơ ít bị tổn thương. Nhưng có bài thơ khi trở thành ca khúc, thậm chí rất phổ biến, thì mình lại bắt buộc phải chấp nhận như một sự phóng tác, bởi ca từ không còn là những câu thơ, lắm khi không còn đúng như ý của câu thơ nữa. Bây giờ tôi không coi việc thơ được phổ nhạc là một sự vui mừng. Vấn đề là bài thơ đã được nhạc sĩ xử lý thế nào, có bài thích, có bài cũng phải nghiến răng để không tỏ ra là mình rất không thích. Ca khúc, ngay cả khi phổ thơ, đó là tác phẩm chủ yếu của nhạc sĩ”.

Trai phố Hàng lớn lên trên vỉa hè Hà Nội ảnh 3

Một số tập thơ đã phát hành của nhà thơ Hồng Thanh Quang

Dù bận rộn đến đâu, nhà thơ Hồng Thanh Quang vẫn viết. Với anh, càng bận rộn thì tình ý càng dễ sinh ra những câu thơ. Hồng Thanh Quang không tin là sự nhàn rỗi sẽ giúp viết được thơ hay:

“Tôi là nhà thơ bẩm sinh, tôi không bao giờ rẻ rúng thơ, nhưng tôi không bao giờ thích sự quan trọng hóa công việc làm thơ. Nhà thơ mỗi người một tạng, không nên trở thành giống nhau trong cách làm việc. Tôi luôn có cảm giác là những câu thơ đang đầy ứ trong trái tim tôi, chỉ đợi một tác động thích ứng từ bên ngoài đập vào là chúng xuất hiện, ở trong bất cứ tư thế nào, đứng, ngồi, nằm, hay đang rảo bước...”.

Ở bất cứ giai đoạn nào trong cuộc đời, Hồng Thanh Quang luôn dành ưu tiên cho thơ. Trước đây cũng thế, bây giờ lại càng thế... Với anh, viết được một bài thơ hay như vừa trải qua sự cực khoái, có nhiều lúc, những ý thơ quẫy đạp trong lòng như nổi loạn, không viết ra thì cảm thấy bức bối không chịu được...

Dù vậy, Hồng Thanh Quang vẫn mơ màng: “Thực sự tôi cũng không biết mình có phải là một người thành công hay không. Tôi chỉ là một “nhà thơ quèn” không có “Dì Julia”... Tôi viết vì tôi không thể sống khác được. Việc của tôi chỉ là viết thôi, còn đối xử thế nào với những gì tôi viết là việc của xã hội.

Không phải tôi không thích thơ mình được để ý nhưng tôi không quá coi trọng cái sự ấy. Khoái cảm lớn nhất của tôi là chép ra những câu thơ trào dâng từ trái tim mình. Đó là một công việc rất tuyệt vời!”.

Chưa bao giờ tổng kết đời mình nên nhà thơ Hồng Thanh Quang không biết mình đã được mất những gì. Anh đang là một lữ hành, vẫn tiếp tục đi, theo tiếng gọi của trái tim...

Nếu có gì ân hận thì đó phải là sự cảm ơn và xin lỗi đối với những người thân yêu nhất trong gia đình, bởi anh đã dành quá ít thời gian và cảm xúc cho họ. Bên cạnh thơ ca, Hồng Thanh Quang còn có đam mê và trách nhiệm với báo chí.

Anh nói: “Tôi bước vào nghề báo với niềm tin rất lớn vào sự cao quý và sứ mệnh giúp đời của nó. Tôi cố gắng giữ mình theo những tiêu chí của nghề ở mức cao nhất có thể, dù không phải lúc nào cũng đã làm được đúng như mình mong muốn. Tôi có thể đã có những vấp váp, sai lầm trong công việc nhưng đó chỉ là những lỗi kỹ thuật, không thuộc về tâm thế. Với nghề báo, tôi làm như cách tôi hiểu về nghề và cái sự đúng đắn trong nghề. Có thể với ai đó, tôi là một người anh, nhưng với nhiều người, tôi chỉ là một cậu học trò nhỏ và... ngỗ ngược. Lúc nào tôi cũng sống như thế, ngay cả bây giờ, khi đã sức tàn lực kiệt...”.

Nhà thơ Hồng Thanh Quang chọn lạc quan mỗi ngày, ngay cả trong những giai đoạn đen tối nhất của sức khỏe và công việc: “Tôi nhớ một câu thơ tôi đã viết hồi đầu thế kỷ này: “Ta giữ cho con trai nguyên niềm kiêu hãnh, Đến và đi đều bởi chân thành...”.

Đến lúc này, Hồng Thanh Quang chỉ một tâm niệm: “Từ nay sẽ phải cố gắng già đi một cách thơm tho và trang nhã...”.