Nhà văn Võ Bá Cường:

Trải nghiệm cuộc sống là trang sách không có chữ

Nhà văn Võ Bá Cường đã hơn 80 tuổi nhưng vẫn ham đi, ham viết, đặc biệt là tiểu thuyết chân dung, tiểu thuyết tư liệu, ký chân dung. Vì yêu quê, yêu quý đại thi hào Nguyễn Du, ông vừa xuất bản tiểu thuyết “Còn có ai người khóc Tố Như”. Nhà văn chia sẻ với phóng viên Thời Nay.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà văn Võ Bá Cường (ngoài cùng bên trái) dâng hương, dâng rượu tại phần mộ đại thi hào Nguyễn Du.
Nhà văn Võ Bá Cường (ngoài cùng bên trái) dâng hương, dâng rượu tại phần mộ đại thi hào Nguyễn Du.

Phóng viên (PV): Thưa nhà văn, thôi thúc nào khiến ông viết tiểu thuyết “Còn có ai người khóc Tố Như” khi mà đã rất nhiều người viết về đại thi hào dân tộc?

Nhà văn Võ Bá Cường: Theo tài liệu cổ còn lưu giữ, Nguyễn Du là con trai tiến sĩ, Tể tướng Nguyễn Nghiễm, quê ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, lấy con gái Hoàng giáp Đông các hiệu thư Đoàn Nguyên Thục, quê ở Hải An, Quỳnh Côi, nay thuộc xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ. Sinh thời, ông đã có

10 năm ẩn dật tại Thái Bình - khoảng thời gian mà ông gọi là “Thập tải phong trần”. Chính trong thời gian đó, dù rất khó khăn, những vần thơ chữ Hán và những áng văn chương bất hủ của Nguyễn Du được hình thành. “Thanh Hiên thi tập” và “Truyện Kiều” mà ông để lại là di sản vô giá, không chỉ riêng cho Việt Nam mà cho cả nhân loại. Tôi yêu những tác phẩm, con người Nguyễn Du, cũng yêu quê hương Thái Bình, nên tôi đã viết cuốn tiểu thuyết này, cũng là một cách tri ân quê hương.

PV: Ông thường viết về tiểu thuyết tư liệu, ký chân dung về những nhân vật văn hóa, phải chăng đó là mảng đề tài tâm đắc của ông?

Nhà văn Võ Bá Cường: Viết chân dung các danh nhân, người hiền tài, bậc túc nho là cực kỳ khó. Viết tiểu thuyết và để chạm được một phần của Nguyễn Du, tôi cũng tự hào lắm rồi. Trước đây, tôi đã viết về tướng Trần Độ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhạc sĩ Văn Cao, nhà viết kịch Tào Mạt, nhà thơ Quang Dũng, nhà thơ Thanh Tùng… Tôi viết tiểu thuyết nhân vật, tiểu thuyết tư liệu, ký chân dung với lòng ham thích, yêu quý nhân vật. Và để yêu được họ phải hiểu họ, hiểu bối cảnh lịch sử cũng như thời cuộc để có những phân tích, đánh giá đúng. “Máu” nghề nghiệp đã giúp tôi vượt qua rất nhiều định kiến, rào cản để tiếp cận với những nhân vật lớn và những nhân vật có tầm ảnh hưởng tới xã hội.

PV: Ông viết nhiều, đi nhiều, trải nghiệm không ít khó khăn vất vả, điều gì đã thôi thúc ông ngay cả khi tuổi cao vẫn dấn thân?

Nhà văn Võ Bá Cường: Theo tôi, trải nghiệm cuộc sống, những chuyến đi là “trang sách không có chữ”. Trang sách có chữ đọc được, có thể có giới hạn. Còn trang sách không có chữ, tức là trang sách trải nghiệm cuộc đời để thu nạp vốn sống thì không có giới hạn. Những chuyến đi giúp cho tôi thêm vốn văn hóa, được rèn luyện về phong cách sống, thêm yêu quê, yêu nước. Nhiều chuyến đi tôi phải ăn cơm bụi, ngủ nhờ, lần tìm ở hang cùng ngõ hẻm. Có lúc lâm vào cảnh túng quẫn không xu dính túi. Song tôi tự bảo, không sao hết! Hãy tìm sẽ thấy, hãy gõ cửa, cửa sẽ mở. Và tôi đã vượt qua.

Trong những chuyến đi, tôi cũng dành tâm sức thâm nhập vào ngành công an, xã hội. Tôi đã vào hang ổ tội phạm như Tây Trang (Điện Biên), Hang Kia - Pà Cò (Hòa Bình), Lóng Luông (Sơn La), Quế Phong (Nghệ An), Cầu Treo (Hà Tĩnh)… Tôi còn đi thực tế ở nhiều trại giam cùng các nhà văn trẻ trên cả nước và có cuốn tiểu thuyết tư liệu “Những người thầy đặc biệt” cùng hàng chục bài ký về người chiến sĩ công an đăng rải rác trên các báo. Tôi cũng thật vui, khi được cụ Nguyễn Tiến Đoàn, dịch giả Hán Nôm viết tặng câu: “Cổ kim mặc khách đa ưu họa/Chỉ vị sinh linh tả bất bình” (Xưa nay những người bút mực đều gặp khó khăn/Cả cuộc đời viết nỗi bất bình cho thiên hạ).

PV: Ông gặt hái nhiều giải thưởng, vậy giải thưởng có tầm quan trọng thế nào?

Nhà văn Võ Bá Cường: Theo tôi, giải thưởng là sự ghi nhận với mỗi tác phẩm xứng đáng. Nếu tác phẩm đạt giải thưởng được nhân dân, bè bạn, giới chuyên môn đánh giá cao thì mới có giá trị. Thực tế, có người lấy giải thưởng làm thỏa mãn, khoe mình, trong nhà treo đầy nhưng tác phẩm không được công chúng nhớ đến. Còn với tôi, tôi vẫn đi, viết, trải nghiệm trên trang sách cuộc đời. Bởi thật ra, với nhà văn, được đi cũng là điều đáng quý lắm!

PV: Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của nhà văn!

Nhà văn Võ Bá Cường: Đã có rất nhiều người viết về Nguyễn Du cũng như truyện Kiều. Các loại hình nghệ thuật khác như hội họa, mỹ thuật, sân khấu… cũng đã làm rất kỹ. Tôi chỉ góp một giọt nước nhỏ nhoi vào biển khơi, để gọi là thêm một sự biết ơn, ca ngợi, nhắc nhớ đến một con người tài hoa, đã gắn bó với mảnh đất Thái Bình.