Phóng viên (PV): Theo ông, điều gì làm nên điểm đặc biệt khiến “Tiếng gọi của dân cày” được dịch sang tiếng Việt?
TS Nguyễn Văn Chiến: Trước hết, sở dĩ tác phẩm này được Đại sứ quán Armenia lựa chọn dịch ở Việt Nam là nhờ một sự kiện đáng nhớ vào năm 1959. Khi ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm đất nước Armenia, tới khu nghỉ dưỡng của Hội Nhà văn Armenia và có cuộc gặp gỡ tình cờ với nhà văn Khachik Dashtents. Còn một lý do quan trọng khác, đó là nội dung cuốn tiểu thuyết đã thể hiện các giai đoạn lịch sử khác nhau trong phong trào giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do của nhân dân Armenia, vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Điều thú vị ở cuốn tiểu thuyết này nằm ở việc tác giả không kể chuyện theo tuyến tính, không xây dựng mạch truyện, nên mỗi phần bên trong lại là một câu chuyện riêng biệt. Mỗi câu chuyện lại là sự pha trộn, đan xen của những yếu tố thần thoại và đời thực. Tất cả đều được xâu chuỗi vào nhau thật khéo léo để tạo nên cấu tứ độc đáo, kể về cuộc đời của những vị anh hùng mà thành ra kể về lịch sử của cả một dân tộc. Ngay đến tên của cuốn sách - “Tiếng gọi của dân cày” cũng là tiếng gọi những người dân cày dũng cảm, can trường, là tiếng gọi của Tổ quốc đối với tự do.
PV: Được biết, cuốn tiểu thuyết đã phải đi qua hai lần chuyển ngữ từ tiếng Armenia sang tiếng Nga và từ tiếng Nga sang tiếng Việt. Liệu đây có là một thách thức đối với ông và nhóm dịch giả?
TS Nguyễn Văn Chiến: Vì không thể tìm được dịch giả chuyển ngữ từ tiếng Armenia sang tiếng Việt nên việc dịch cuốn tiểu thuyết này vô cùng phức tạp với chúng tôi. May mắn là nhờ các phương tiện truyền thông, nếu không, bản thân nhóm dịch không thể hiểu hết được các khái niệm trong tác phẩm, vì đó là cả một nền văn minh hoàn toàn khác của người dân vùng du mục. Có những từ ngữ không thể tìm thấy trong các từ điển thường mà phải nằm trên các tài liệu nghiên cứu sâu.
Dịch thuật quả là phức tạp. Để có được bản dịch cuối cùng sát với bản gốc tiếng Armenia nhất, ngài Đại sứ Armenia và tôi đã phải có những cuộc trao đổi sâu về việc xử lý văn bản. Tôi cũng chủ động cho đại sứ biết rằng, chúng tôi đã thực hiện việc dịch thuật ra sao.
Trong quá trình đối chiếu giữa hai bên, đại sứ có phát hiện ra có những chỗ chênh và cần phải thay đổi. Có những từ người Armenia hiểu là như vậy, còn bản dịch tiếng Nga lại hiểu chưa đúng. Sau đó, chúng tôi phải quay lại tìm các tài liệu liên quan để kiểm tra độ chính xác, kiểm chứng lại điều mà đại sứ nói. Nếu hôm nào đại sứ bận thì còn bí thư thứ hai. Có lần, ông ấy phát hiện ra phần dịch của một bài hát chưa theo đúng chuẩn âm điệu của Armenia. Ông mang hẳn văn bản gốc của tiếng Armenia ra, soi chiếu vào từng chữ trong bản dịch để làm sao sát với âm vần của nhau nhất có thể. Có những phần bí quá, ông lại gọi điện hỏi ý kiến ông đại sứ…
Nói vậy để thấy được, cả về phía Armenia cũng dành rất nhiều kỳ vọng cho tác phẩm này.
PV: Cuốn tiểu thuyết có một khối lượng chú thích khá dày đặc, điều này cho thấy sự công phu và tâm huyết của ông và nhóm dịch giả. Vậy có những khó khăn gì trong việc tra cứu và diễn giải những chú thích này không, thưa ông?
TS Nguyễn Văn Chiến: Ban đầu trong bản dịch tiếng Nga, chỉ xuất hiện khoảng 10 chú thích. Nhưng trong quá trình thực hiện, chúng tôi gặp thêm rất nhiều khái niệm khó như tên địa danh, các khái niệm liên quan đến dân tộc như lối sống, nhà cửa, đồ ăn, thức uống, vũ khí… mà chỉ dành riêng đặc thù cho dân tộc Armenia. Tức là, nếu ta để nguyên những từ ngữ như vậy thì bản thân người dịch cũng không hiểu, mà người đọc càng không hiểu. Vì vậy, chúng tôi phải tra cứu ở các nguồn tài liệu khác nhau để truy được gốc gác của từng nghĩa từ ấy, để thông tỏ văn bản cho độc giả Việt Nam và giúp họ thấu hiểu, đồng cảm với nếp sống văn hóa của dân tộc Armenia, từ đó thêm gắn bó với nội dung câu chuyện. Vai trò và nhiệm vụ của dịch thuật chính là nằm ở điều đó.
PV: Nhóm dịch giả đã dành khoảng bao lâu để hoàn thành cuốn tiểu thuyết? Có câu chuyện hay kỷ niệm nào làm ông nhớ nhất trong quá trình chuyển ngữ không?
TS Nguyễn Văn Chiến: Chúng tôi bắt đầu dịch từ năm 2021 đến nay. Riêng về công làm đã gần hai năm, cộng thêm quá trình trao đổi và chỉnh lý.
Trong thời gian đầu, tôi nhớ một lần có dịp gặp bí thư thứ hai của Đại sứ quán Armenia trong một buổi tiếp tân. Chúng tôi có trò chuyện với nhau về cuốn tiểu thuyết cũng như công tác phổ biến tác phẩm này cho độc giả Việt Nam. Sau đó, tôi có hỏi thăm về tình hình hành lang dẫn khu vực mà người Armenia về cố quốc, ở vùng đất mà hiện đang xảy ra tranh chấp giữa Azerbaijan và Armenia. Ngay khi tôi vừa cất lời “Tình hình dân chúng thế nào rồi? Có ổn không?”, ông ấy ngay lập tức bắt đầu câu chuyện và cảm thấy đây là điều không thể không giãi bày cho một người Việt như tôi, người mà muốn quan tâm đến vấn đề đó. Ông đã giải thích rất sâu, về việc đưa người dân trở về, nói khá lâu, đến mức người vợ bên cạnh còn sốt ruột và mấy người khách chung quanh phải nhìn. Họ chỉ thấy sao một người nước ngoài nói với một người Việt Nam về một vấn đề gì đó với vẻ say sưa, gay gắt và nghiêm trọng như thế.
Qua câu chuyện, tôi mới hiểu được chiến tranh là điều day dứt tới chừng nào với họ. Khi tôi chỉ hỏi một câu đó thôi nhưng ông ấy trình bày từ đầu đến cuối. Chứng tỏ một điều rằng, sự day dứt, đau đớn ấy luôn luôn thường trực trong tâm can của họ. Dân tộc Armenia là một dân tộc rất đáng kính trọng và chúng ta cần phải có sự thông cảm đối với họ thông qua cuốn tiểu thuyết này.
PV: Xin ông chia sẻ suy nghĩ, quan điểm của mình về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuốn tiểu thuyết trong việc truyền bá lịch sử, văn hóa Armenia tại Việt Nam?
TS Nguyễn Văn Chiến: Qua quá trình dịch thuật và nghiên cứu, tôi nhận thấy dân tộc Armenia đã đóng góp rất nhiều cho nền văn minh của loài người. Vì sau mỗi cuộc chiến tranh, số người gốc Armenia định cư ở nước ngoài ngày một đông hơn, đạt nhiều thành tựu lớn ở các ngành khoa học của thế giới. Hay bảng chữ cái của người Armenia là một hệ thống chữ viết rất tiến bộ. Họ tạo ra những con chữ với số lượng chỉ khoảng hơn 30 chữ cái. Nói như vậy để thấy rằng, nền văn minh của Armenia là một nền văn minh rất phát triển và phong phú mà người Việt nên được biết tới thông qua nhiều kênh văn hóa. Trong đó, cuốn sách này có thể sẽ là một kênh tiên phong.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!
TS Nguyễn Văn Chiến: “Tôi có thể khẳng định “Tiếng gọi của dân cày” mang một giá trị rất lớn trong việc mở ra quan hệ văn hóa giữa hai nước. Thực chất, giữa Armenia và Việt Nam đã và luôn duy trì mối quan hệ rất tốt, từ những năm 1930 khi Armenia còn là một nước Cộng hòa trong thành phần 15 nước của Liên bang Xô-viết. Khi đó, Armenia cũng đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong lĩnh vực giáo dục. Có nhiều lứa sinh viên Việt Nam đã tốt nghiệp đại học ở Armenia, được cập nhật kỹ thuật, làm việc trong các cơ xưởng, sau đó trở về nước và trở thành những cán bộ giỏi. Nhưng còn quan hệ văn hóa hiện tại thì chưa nhiều”.