Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam:

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp vì một cộng đồng nhân văn

Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, không chỉ cần tập trung vào công nghệ, sản phẩm mà còn phải đầu tư vào văn hóa phát triển doanh nghiệp. Đây là vấn đề được quan tâm thời gian qua. Thời Nay đã có cuộc phỏng vấn ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
0:00 / 0:00
0:00
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp vì một cộng đồng nhân văn

Ông Hồ Anh Tuấn: Trong thời đại công nghệ số, để thích ứng hoàn cảnh mới, doanh nghiệp cũng cần có những cách tiếp cận và xây dựng văn hóa doanh nghiệp khác biệt so với trước. Đó có thể là sự thay đổi trong vận hành và quản trị doanh nghiệp, cũng có thể là sự điều chỉnh trong giao tiếp, tương tác, quan hệ với khách hàng, đối tác sao cho phù hợp hoàn cảnh mới… Để xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số, chúng ta cũng cần nghiên cứu chuyển đổi các quy trình truyền thống sang các nền tảng công nghệ.

Phóng viên (PV): Thời điểm tháng 7/2011, lần đầu tiên, Việt Nam có Bộ tiêu chí xác định chuẩn mực văn hóa kinh doanh Việt Nam. Đây là một nội dung đáng chú ý. Theo ông, đâu là những lý do cần thiết để từ đó đến nay, chúng ta đánh giá “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” dựa trên Bộ tiêu chí?

Ông Hồ Anh Tuấn: Bộ tiêu chí được xây dựng để các doanh nghiệp làm căn cứ, công cụ đo lường, định lượng cụ thể về văn hóa kinh doanh. Từ đó nhằm xây dựng một đội ngũ doanh nhân, một cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh với những chuẩn mực văn hóa, văn minh, hội nhập, bảo đảm xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, bền vững, phát triển hài hòa dựa trên các trụ cột: kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường với yếu tố cốt lõi là văn hóa.

Chúng tôi muốn nhân rộng những điển hình tiên tiến, qua đó lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến nhiều doanh nghiệp và toàn xã hội. Ông cha ta từng nói “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Giả dụ, nếu trong một cụm công nghiệp, chúng ta có một doanh nghiệp văn hóa, thì sẽ tạo ảnh hưởng tích cực đến các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp đó, là tấm gương để các doanh nghiệp chung quanh học tập, noi theo.

Rộng hơn, nếu chúng ta có càng nhiều doanh nghiệp đạt chuẩn, xây dựng, phát huy văn hóa kinh doanh thì việc hướng đến xây dựng một cộng đồng nhân văn vì con người sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Thực tế đã chứng minh, các tập đoàn lớn mạnh và tồn tại lâu đời trên thế giới đều xây dựng cho mình một văn hóa doanh nghiệp mang bản sắc riêng. Việc đánh giá xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” góp phần để các doanh nghiệp quan tâm đến xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh.

PV: Việc áp dụng của bộ tiêu chí đến doanh nghiệp Việt Nam hiện nay như thế nào, thưa ông?

Ông Hồ Anh Tuấn: Từ khi công bố, chúng tôi đã triển khai Bộ Tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam đến nhiều khu vực, tỉnh, thành phố trên cả nước. Các cơ quan, ban, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cả nước hưởng ứng tích cực. Vì vậy việc đưa Bộ Tiêu chí vào đời sống doanh nghiệp rất hiệu quả, ngày càng có nhiều doanh nghiệp mong muốn tham gia xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam”.

Việc triển khai Bộ tiêu chí rất cần sự vào cuộc tích cực, chủ động của các sở, ngành, địa phương và cả cộng đồng doanh nghiệp. Đây sẽ là cơ sở, tạo niềm tin vững chắc với cộng đồng doanh nghiệp trong lao động sản xuất, kinh doanh; khích lệ tính sáng tạo với những mô hình hay, cách làm mới để doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước.

Bộ tiêu chí có các tiêu chí bắt buộc: 1/Không buôn lậu, không trốn thuế; 2/Không làm hàng giả, sản phẩm độc hại; 3/Không nợ lương và bảo hiểm xã hội của người lao động; 4/Không lừa đảo, lợi dụng hoặc làm hại người khác; 5/Không vi phạm pháp luật. Tiêu chí nào cũng quan trọng. Doanh nghiệp xây dựng văn hóa kinh doanh đạt chuẩn thì cần thực hiện các tiêu chí này.

PV: Với vai trò Chủ tịch Hiệp hội văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, ông có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp khi xây dựng văn hóa kinh doanh?

Ông Hồ Anh Tuấn: Bộ Tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam có những tiêu chí và chỉ số đánh giá, đo lường cụ thể. Doanh nghiệp cần bám sát vào những tiêu chí, chỉ số đo lường cụ thể để xây dựng văn hóa kinh doanh cho doanh nghiệp mình. Có như vậy doanh nghiệp mới có định hướng, chiến lược rõ ràng trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh mà không sợ rơi vào tình trạng mơ hồ, lạc lối.

PV: Xin cảm ơn chia sẻ của ông!

Bộ Tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam là bộ chuẩn mực đầu tiên về văn hóa kinh doanh được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện, các bộ, ngành tham gia. Quá trình xây dựng đã nhận được sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các bộ, ngành, nhà khoa học, chuyên gia, các doanh nghiệp và báo chí truyền thông. Bộ tiêu chí đã được cho phép ban hành làm căn cứ xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam”.