Nhà văn Nguyễn Việt Hà:

Nghệ thuật bay trên đôi cánh mơ và thực

“Tuyệt không dấu vết” là tiểu thuyết được nhà văn Nguyễn Việt Hà viết trong vòng 5 năm, với thể loại “tiểu thuyết trinh thám kiếm hiệp”. Tiểu thuyết “Tuyệt không dấu vết” là một trong ba tác phẩm văn xuôi được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà văn Nguyễn Việt Hà (ảnh nhỏ) và cuốn tiểu thuyết “Tuyệt không dấu vết”.
Nhà văn Nguyễn Việt Hà (ảnh nhỏ) và cuốn tiểu thuyết “Tuyệt không dấu vết”.

Phóng viên (PV): Trong tiểu thuyết này, nhà văn Nguyễn Việt Hà tiếp tục khai thác không gian quen thuộc về Hà Nội. Một Hà Nội vừa xưa cũ vừa hiện đại, chứa đầy hiện thực cuộc sống. Nhà văn có thể chia sẻ thêm lý do vì sao mà ông viết về Hà Nội, về phố phường một cách rõ nét và chứa đựng nhiều dụng ý như vậy?

Nhà văn Nguyễn Việt Hà: Tôi là một thị dân, vì thế mà cái gọi là văn minh đô thị có những cái nét rất là đặc thù. Ai cũng biết rằng, đô thị Việt Nam trở nên phát triển là nhờ văn minh phương Tây, cụ thể là văn minh Pháp. Từ đó, hình thành nên một lớp gọi là thị dân. Vì thế tôi muốn mô tả đậm nét đặc tính, căn tính đó ở Hà Nội - một Hà Nội tôi sống có biết bao nhiêu thứ cần phải nói. Để đi tìm căn tính thị dân thì điều mà tôi khai thác, đó là sự tinh tế, một phẩm chất gọi là “dĩ ngoa truyền ngoa” nghĩa là hơi nói quá lên. Tôi quan niệm rằng, ăn nói ra sao thì viết văn như thế, mỗi một vùng đất có cái hay, có cái dở riêng. Nhắc đến Hà Nội chúng ta vẫn hay dùng từ “lắng đọng”, phần lắng của nó rất là tinh tế, phần đọng thì đương nhiên, có cái dung tục. Tôi đã trộn lẫn vào nhau, tất nhiên đó là dụng ý, nó tạo nên một lớp ý nghĩa và quả thật là cần sự chắt lọc. Tôi nghĩ đến vai trò của văn học, văn chương cần phải làm.

PV: Có thể nói “Tuyệt không dấu vết” được xây dựng nên từ những mê lộ. Tuy có cốt truyện tương đối đơn giản, dễ hiểu khi được hậu thuẫn bởi chất trinh thám, nhưng chính bằng cách kể chuyện giữa hai bờ mơ - thực để dấn sâu vào tiềm thức con người. Đây có phải là thế mạnh của nhà văn khi xây dựng cốt truyện độc đáo này?

Nhà văn Nguyễn Việt Hà: Văn chương là một phần của cuộc sống và ai cũng đi tìm câu trả lời là bản chất đích thực của cuộc sống là như thế nào? Thực và mơ cũng chỉ là hai phẩm chất của đời sống thôi. Ngay cả nói về những giấc mơ thì không chỉ những học giả phương Tây nói về giấc mơ, trong Kinh Thánh, Kinh Phật đều đề cập rất nhiều. Trong văn chương cũng nói đến giấc mơ và thường phản ánh rất khác với đời sống thực. Nhưng tôi lại nghĩ, giấc mơ vẫn luôn luôn song hành với đời sống thực. Khi anh viết, anh chìm đắm vào giấc mơ nhưng rõ ràng, nó vẫn hiện hữu những điều của thực tại. Tôi nghĩ, để tường minh hơn thì đòi hỏi nghệ thuật phải làm, nghĩa là phải đi trên đôi cánh của giấc mơ và hiện thực, nó phải song hành cùng nhau.

PV: Ngay trang dẫn vào tác phẩm, ông cũng định dạng “Tuyệt không dấu vết” là “tiểu thuyết trinh thám - kiếm hiệp”. Ông chia sẻ thêm về giọng điệu, giọng văn của mình?

Nhà văn Nguyễn Việt Hà: Tôi là người rất mê truyện kiếm hiệp, trinh thám và tôi luôn tìm đọc những cuốn sách như thế. Với tiểu thuyết “Tuyệt không dấu vết” ban đầu tôi cũng nghĩ khá đơn giản, đó là chọn một cách kể giản dị nhất, nhân vật của tôi đã thực hiện chức năng đó một cách tự nhiên nhất. Tôi muốn phản ánh cuộc sống này bằng lối nói dễ gần, thị dân như vậy. Tuy nhiên, vẫn đậm nét chất cổ như bạn đọc nhận ra. Tôi không cố làm đậm nhưng nó vẫn có dấu ấn. Có thể là ngoài ý chủ quan của tôi, cũng may là bạn đọc thích cách viết này. Tôi tạm gọi là có dấu ấn. Đơn giản như vậy thôi.

PV: Điều mà nhà văn muốn nói với bạn đọc thông qua tác phẩm này là gì?

Nhà văn Nguyễn Việt Hà: Không chỉ cuốn tiểu thuyết này mà trước đó, các cuốn tiểu thuyết trước, có một điều mà tôi nghĩ là có một sợi dây xuyên suốt, đó là tuổi trẻ đô thị và vấn đề tôn giáo. Tôi cho rằng, điều mà tôi trăn trở về các vấn đề chính trị hay xã hội nó mang tính nhất thời hơn so độ bền vững của tôn giáo hay triết học. Hay nói cụ thể hơn là vấn đề đạo đức, vấn đề dân tộc cần phải nói đậm sâu và tôi thích được bộc lộ rõ điều đó qua tác phẩm. Làm gì mà để dân tộc Việt trở nên khỏe khoắn thì tôi ủng hộ. Tôi tin rằng, một dân tộc như dân tộc Việt, bi tráng như thế và cũng trải qua những mỏi mệt mà vẫn hùng tráng thì chắc chắn phải có một sinh lực rất đặc biệt. Tôi đem ý niệm ấy vào trang viết và tôi tin là phần nào tôi đã phản ánh được và có thể nói là tạm hài lòng.

PV: Trân trọng cảm ơn nhà văn Nguyễn Việt Hà về cuộc trò chuyện!