Phóng viên (PV): Duyên cớ nào khiến anh từ bỏ công việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng để về nước, đi vào thị trường nghệ thuật?
Giám tuyển Mark Vũ: Tôi xa gia đình từ khá sớm. Sau 14 năm học tập và làm việc tại Anh quốc, hai năm nay tôi đã quyết định chủ yếu sống và làm việc tại Việt Nam để trước hết có thêm nhiều thời gian gần gũi với bố mẹ mình. Sau sáu năm, tôi cũng đạt được những thăng tiến nhất định trong nghề nghiệp nhưng cuối cùng, nghệ thuật đã hấp dẫn tôi.
Thực hành nghệ thuật và thưởng thức nghệ thuật xuất phát từ nhu cầu cá nhân. Nghệ thuật quan tâm đến cảm xúc của con người thông qua các giác quan. Tạo hóa trao tặng gần như bình đẳng cho mỗi chúng ta những giác quan này nên tôi xem việc thưởng thức, hưởng thụ nghệ thuật, thậm chí thực hành nó là dành cho tất cả mọi người, mọi giới, không hề có sự phân biệt.
PV: Chính vì thế nên anh tham gia vào chuỗi thực hành quản lý nghệ thuật, để mở rộng thêm các không gian thưởng thức nghệ thuật cho công chúng? Có là khó khăn không khi công chúng hiện thời, hình dung về nghệ thuật tạo hình vẫn chỉ là chọn được một vài bức tranh, bức tượng… hợp mắt để trưng bày trong căn nhà đang tiện nghi dần lên của mỗi người?
Giám tuyển Mark Vũ: Đúng thế! Với đại chúng luôn tồn tại vô vàn những rào cản khiến cho việc tiếp cận và thưởng thức nghệ thuật trở thành điều cao siêu và quá sức. Tác phẩm nghệ thuật thường xuất hiện ở những không gian thiếu sự gần gũi như gallery, bảo tàng. Chúng ta đang ở trong giai đoạn thiếu hụt trang bị nền tảng văn hóa nghệ thuật trong giáo dục phổ thông, nên nghệ thuật có vẻ như vẫn là một điều gì đó chưa phổ cập, chưa là thiết yếu trong cuộc sống của mỗi cá nhân. Nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng tâm hồn có thể trở nên sơ sài, chỉ gói gọn trong việc tiêu dùng và giải trí.
Ngoài ra còn có những khó khăn nhất định đối với một bộ phận công chúng thuộc thế hệ trước chúng tôi, khi tâm trí họ bị chi phối quá nhiều vào kinh tế và sao nhãng hưởng thụ nghệ thuật. Nhưng thế hệ sinh sau 1990 có điều kiện từ rất sớm để tiếp xúc với nghệ thuật, vì thế sự đón nhận nghệ thuật của lớp công chúng này khá cởi mở. Đó là những tín hiệu rất đáng mừng.
PV: Các giám tuyển hiện thời ở Việt Nam được hiểu như là người chọn tranh, chọn tác phẩm, thậm chí chọn họa sĩ cho một cuộc trưng bày có chủ đề sẵn? Anh có nghĩ như thế không?
Giám tuyển Mark Vũ: Trong khuôn khổ của một cuộc triển lãm, giám tuyển là người đảm nhiệm những công việc liên quan đến việc tuyển chọn, biên tập và trình bày nghệ thuật nhằm làm mạch lạc sáng sủa kết quả quá trình lao động nghệ sĩ ra trước công chúng. Vì thế việc giám tuyển có trách nhiệm chọn ra những nghệ sĩ và tác phẩm tiêu biểu phù hợp theo chủ đề có sẵn của những cuộc trưng bày là điều dễ hiểu. Trong phạm vi của những tổ chức nghệ thuật, giám tuyển ngoài vai trò nêu trên sẽ là người giúp quản lý và xây dựng bộ sưu tập của tổ chức dựa trên những bộ giá trị và quan điểm về văn hóa, nghệ thuật, địa chính trị của cá nhân, tổ chức đó.
PV: Phải chăng con mắt của một “nhà định giá” tài chính, chuyên sâu về thị trường phái sinh của anh đã nhận ra tiềm năng phát triển của thị trường nghệ thuật Việt Nam?
Giám tuyển Mark Vũ: Nghệ thuật từ góc nhìn tài chính là một hạng mục đầu tư mở rộng, tài sản trú ẩn hoặc là hàng hóa xa xỉ. Một trong những lợi thế cạnh tranh của tôi trong công việc hiện tại là khả năng xây dựng những mô hình định giá riêng có lý tính và logic cao, bao gồm và cân bằng những yếu tố quan trọng về lượng và chất mang đến những định giá khôn ngoan về lâu dài. Thay vì những định giá sơ sài, mang cảm tính cao dựa trên những giao dịch nhất thời và xu hướng ngắn hạn thường thấy ở thị trường nghệ thuật Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia đang phát triển có sự hội nhập chóng mặt, luôn giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong suốt mấy thập kỷ qua. Chúng ta đã không còn bị bất ngờ khi thấy họa sĩ sống được bằng nghề, thậm chí có không ít họa sĩ Việt Nam hiện nay trở nên giàu có. Điều này cho thấy tuy chưa mang tính chuyên nghiệp nhưng bấy lâu nay đã hình thành một thị trường nghệ thuật ở Việt Nam. Tôi thấy nếu thị trường nghệ thuật được vận hành theo hướng chuyên nghiệp thì tiềm năng là rất lớn, giống như phần chìm của tảng băng trôi.
PV: Các nghệ sĩ, công chúng và các cơ quan quản lý nhà nước cần phải làm gì thêm nữa để thị trường nghệ thuật Việt Nam phát triển được đúng với tiềm năng của nó?
Giám tuyển Mark Vũ: Điều đầu tiên quan trọng nhất để bất kỳ một thị trường nào có thể phát triển lớn mạnh và bền vững là niềm tin cần được củng cố từ tất cả những người chơi: nghệ sĩ, nhà sưu tập, các bên trung gian (dealer & gallery). Điều này có thể đạt được khi tính minh bạch của thị trường được cải thiện. Ở thời điểm hiện tại, hầu như chúng ta không có một hệ thống cơ sở dữ liệu có tính tin cậy, các giao dịch trên thị thường được thực hiện dựa trên rỉ tai và đồn thổi dẫn đến sự hoài nghi, làm giảm khối lượng giao dịch tiềm năng.
Ngoài ra, để thị trường nghệ thuật Việt Nam phát triển được đúng với tiềm năng, nghệ sĩ, công chúng và các cơ quan quản lý nhà nước phải trở thành một hệ sinh thái. Giữa các họa sĩ cần có nhu cầu cao hơn nữa trong việc bàn bạc trao đổi về nghề nghiệp. Họa sĩ phải luôn tự vấn chính mình để làm rõ hơn thực tại thế giới chung quanh để đưa chúng vào tác phẩm, từ đó kể ra câu chuyện nghệ thuật mang chung tiếng nói của họa sĩ và cộng đồng. Điều này sẽ giúp gia tăng sự đồng cảm và quan tâm của công chúng, thúc đẩy việc biến những hoạt động trưng bày, sự kiện triển lãm nghệ thuật, hội chợ nghệ thuật trở thành nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội. Điều đó sẽ tạo áp lực khiến các cơ quan quản lý nhà nước cùng vào cuộc để dần xây dựng hoàn thiện những khuôn khổ vận hành minh bạch, lành mạnh thông qua các hành lang pháp lý, giúp cho thị trường nghệ thuật được quản lý và vận hành chuyên nghiệp, từ đó phát triển đúng với tiềm năng sẵn có.
PV: Trân trọng cảm ơn anh!