Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy:

Lọc ra vẻ đẹp bình dị từ cuộc sống

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy vừa giành giải nhất cuộc thi viết ký “Biên cương một dải vững bền” do Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa tổ chức. Tập bút ký “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” của anh cũng vừa được NXB Kim Đồng tiếp tục tái bản. Đam mê, nhiệt huyết… dường như ở giai đoạn nào anh cũng thể hiện sự ưa khám phá và đặt ra thử thách. Thời Nay đã cuộc trò chuyện cùng Trung tá - nhà văn đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy bên cụ bà dân tộc Lự trong một chuyến đi thực tế.
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy bên cụ bà dân tộc Lự trong một chuyến đi thực tế.

Phóng viên (PV): Cảm xúc của anh thế nào về âm hưởng rừng và biển vẫn luôn thường trực?

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Có lẽ âm hưởng ấy vẫn luôn trong tôi, chỉ là lúc âm ỉ, lúc cao trào, có những thời điểm bận rộn phải dìm xuống để làm các việc khác, khi thoải mái hơn thì có thời gian dành cho nó. Năm qua tôi đã nỗ lực thực hiện những chuyến đi bởi tôi nhận ra nếu không đi nhanh thì cơ hội đi sẽ ngày càng ít hơn. Rừng và biển như hai đối cực cho những cân bằng, bù trừ, đó cũng là nơi những người lính có mặt nhiều nhất để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Tôi từng viết về biển, từng viết về rừng. Với những nơi ấy, dù có thể lúc đến được lúc không nhưng trong tâm khảm của tôi luôn hướng về. Đất nước Việt Nam “tam sơn tứ hải nhất phần điền”, nên hướng về nơi núi cao biển xa cũng là hướng về đất đai Tổ quốc, đó là những vấn đề muôn thuở.

PV: Anh vẫn luôn có những chuyến đi tới những vùng miền xa xôi, còn nhiều khó khăn của Tổ quốc. Nguồn động lực nào thôi thúc anh?

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Trước hết tôi luôn mong muốn đến với những người lính và người dân ở nơi ấy. Nhưng đến được đâu đôi khi còn là cơ duyên nữa. Tôi cảm giác ở nơi ấy luôn nắm giữ những câu chuyện cuộc sống đẹp đẽ, bình dị. Con người sống đơn giản hơn, còn lại thì dù ở đâu, giàu hay nghèo cũng đều có những câu chuyện buồn. Phát hiện ra những vẻ đẹp bình dị từ cuộc sống luôn là nhu cầu của tôi. Những việc làm của họ, đôi khi là thân phận của họ, dễ chạm đến trái tim tôi, mà tôi là người dễ xúc động. Cái sự viết từ đó cũng rung động hơn. Một phần vì thiên nhiên ở đó, sự nguyên sơ hoang dã hay vẻ đẹp có bàn tay con người đều tuyệt vời, đem lại sự thanh tẩy, cân bằng rất tốt những áp lực trong cuộc sống. Mỗi chuyến đi dù vất vả nhưng tôi như được tiếp thêm nguồn năng lượng.

PV: Anh nhận định thế nào về vai trò của việc đi thực tế với các nhà văn? Đó có phải điều kiện quan trọng nhất để có tác phẩm?

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Với tôi, điều đó là quan trọng. Quan trọng trên cả hai phương diện viết văn và làm báo, trong sự tích hợp hợp lý. Ít nhất là ở thể loại cần tương tác với thực tế đời sống nhiều như ký văn học thì cần phải đi, tôi viết thể loại đó thì tôi không thể không lấy tư liệu từ thực tế. Còn lại là những chắt lọc khác từ quá trình đi đó. Có thể với nhiều người viết văn khác, việc phải có những chuyến đi thực tế là không cần thiết, mỗi người có một vùng thực tế khác nhau, một kênh tiếp nhận đời sống khác nhau, ngay cái sự sống của mỗi người cũng là chuyến thực tế lớn nhất rồi. Cái gì thấy cần cho việc viết của mình thì làm, tôi nghĩ thế giới đủ lớn cho những lựa chọn và những khuynh hướng, cách thức sáng tạo khác nhau.

PV: Kể từ khi rời Trường Sa trong vai trò một người lính công tác tại đó, anh đã có bao nhiêu lần trở lại và cảm xúc của anh có gì thay đổi?

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Đến nay tôi đã rời Trường Sa 22 năm. Kể từ khi ra Hà Nội và chuyển sang làm báo, nghề báo cũng cho tôi cơ hội để trở lại Trường Sa. Năm 2008, khi xuất bản tiểu thuyết “Biển xanh màu lá”, tôi đã có cơ hội trở lại, mang theo tác phẩm của mình ra với những người lính đảo. Từ đó đến nay, cũng đã 16 năm tôi chưa có dịp trở lại vùng biển đảo gắn bó nhiều kỷ niệm. Năm nào cũng có công văn gửi về cơ quan cử phóng viên đi Trường Sa nhưng vì còn nhiều anh em khác chưa có dịp đến vùng sóng nước đặc biệt nên tôi thường lui lại phía sau.

Dù trở lại được hay chưa thì Trường Sa vẫn luôn trong tâm khảm của tôi, mỗi khi có đồng nghiệp nào chuẩn bị đi Trường Sa hay từ Trường Sa trở về là tôi lại thấy như chính mình vừa được trở về nơi ấy. Bởi đơn giản, nó đã giữ một phần tuổi trẻ của tôi, đã trở thành một góc tâm hồn của tôi rồi. Trường Sa hôm nay đã được cải thiện ít nhiều về đời sống sinh hoạt cùng những tiện ích, nhưng có nhiều thứ vẫn cần sự hy sinh của những người lính, bởi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thời nào cũng quan trọng với những khó khăn riêng.

PV: Còn có một đề tài anh luôn quan tâm đó chính là văn học thiếu nhi và có thể nhận thấy ở bất cứ giai đoạn nào dường như đây vẫn là mạch nguồn quan trọng. Sắp tới hình như anh sẽ ra mắt một tác phẩm mới?

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Cùng với tái bản “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa”, năm nay tôi cũng sẽ ra mắt tác phẩm mới dành cho thiếu nhi. Truyện dài “Đại náo nhà ông ngoại” sẽ là một thế giới trẻ thơ tinh nghịch, đáng yêu với nhiều nguyên mẫu trẻ em chính là những đứa cháu trong gia đình tôi. Tôi bật mí một chút là trong những chuyến leo núi, chinh phục những đỉnh núi cao top đầu của Việt Nam, tôi nảy ra ý định sẽ làm một cuốn sách kể cho các em nghe về những nóc nhà Tổ quốc. Tôi vẫn đang tích lũy tư liệu và tranh thủ lúc rảnh, ngày nghỉ tiếp tục công việc leo núi để có thêm thông tin, trải nghiệm thực tế về những đỉnh núi định giới thiệu với các bạn nhỏ Việt Nam. Như vậy những chuyến đi của tôi sẽ không chỉ là đam mê leo núi, nó sẽ được chuyển hóa thành sách ở dạng kết hợp giữa khoa giáo và văn học, có phần giống như “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” nhưng là về núi cao. Hiện tại tôi vẫn đang từng bước hoàn thiện theo kế hoạch.

PV: Trân trọng cảm ơn anh!