Phóng viên (PV): Tâm huyết với đề tài dành cho thiếu nhi, nhưng tại sao cho đến bây giờ chị mới cho ra đời cuốn sách đầu tiên?
Nhà văn Niê Thanh Mai: Tôi luôn dặn mình hãy cố gắng viết cho thiếu nhi điều gì đó. Một tập sách với rất nhiều truyện ngắn. Đó sẽ là nhiều câu chuyện kể xinh xắn và trong trẻo nào đó. Đó sẽ là quà tặng cho cô con gái Su Su, quà tặng cho những bạn nhỏ chung quanh tôi. Điều mong mỏi đó có trong tâm trí tôi từ rất lâu rồi. Ấy vậy mà những bản thảo về mảng này của tôi cứ dang dở. Viết rồi lại cất vào. Mãi không trở thành đứa con tinh thần đến với các bạn đọc nhí. Điều đó làm tôi băn khoăn mãi.
PV: Điều gì là động lực với chị?
Nhà văn Niê Thanh Mai: Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng đã thôi thúc tôi. Hay đúng hơn là cái duyên cùng sự “rủ rê” của nhiều bạn trẻ, trong đó có nhà văn Văn Thành Lê, Phương Huyền, rằng: Chơi với trẻ con thích lắm! Tôi là người rất yêu trẻ con. Khi lên ý tưởng và bắt tay viết đề cương tập truyện này, tôi đã đặt ngay tiêu đề truyện rồi mới bắt đầu viết. Lúc ấy, tôi đã nghĩ đến con gái mình và hình dung ra những vẻ mặt thích thú của đám trẻ con hằng ngày tôi vẫn gặp. Và tôi thấy hứng thú vô cùng, như thể mình tìm được niềm vui mới, trong veo và dễ thương hơn mọi thứ trên đời.
PV: Ký ức tuổi thơ ở Tây Nguyên tác động gì đến chị và “Cánh diều hình nốt nhạc”?
Nhà văn Niê Thanh Mai: Không chỉ ký ức tuổi thơ của tôi, mà chính những điều thú vị trong cuộc sống của em Su - con gái tôi - cho tôi rất nhiều cảm xúc để viết nên tác phẩm. Ở đó, bạn đọc sẽ gặp cậu nhóc nhân vật chính là Đèn Pha 9 tuổi sống với ông bà ngoại, mẹ và em gái. Bố Đèn Pha là bộ đội biên phòng thỉnh thoảng mới được về phép. Đèn pha trong tập truyện mang theo những ký ức tuổi thơ trong trẻo và hồn nhiên của tôi, từ đi bắt cá, tắm mưa, bắt ve, bẫy mối cho gà... Tất cả những kỷ niệm đáng yêu ấy ùa về rất nhanh khi tôi viết. Đến mức tôi viết một cách cuống quýt, vừa viết vừa ghi chú vào sổ vì sợ trôi tuột đi. Cứ thế mà tôi nhận ra, ký ức tuổi thơ của mình đẹp quá. Đẹp tới mức nếu giờ ai đó hỏi tôi nhớ nhất, yêu nhất điều gì thì tôi không biết chọn cái nào là sự ưu tiên.
PV: Những năm gần đây, theo thống kê, sách cho thiếu nhi tăng cả về số lượng và chất lượng, ta có nên lạc quan?
Nhà văn Niê Thanh Mai: Tôi nghĩ đó là những tín hiệu đầy khả quan và đáng để trông đợi. Nhiều tác giả hứng thú và dành sự quan tâm, sáng tác cho thiếu nhi như giai đoạn này có lẽ là điều đáng phấn khởi vô cùng. Tôi thiết nghĩ vấn đề quan trọng lúc này là với rất nhiều đề tài được khai thác quanh đối tượng thiếu nhi như thế thì viết như thế nào để các em đón nhận thật sự chứ không phải chỉ là trào lưu là vấn đề mà chúng ta cần suy nghĩ thật kỹ…
PV: Hội VHNT tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức hiệu quả nhiều trại sáng tác cho thiếu nhi. Trong vai trò Chủ tịch Hội, chị thấy yếu tố nào đã được chú trọng nhất? Và nếu cần đổi mới thì đó là gì?
Nhà văn Niê Thanh Mai: Mỗi dịp hè, Hội VHNT chúng tôi đều tổ chức trại bồi dưỡng sáng tác thơ văn dành cho thiếu nhi. Việc tổ chức ý nghĩa này diễn ra hơn 20 năm qua, góp phần bồi dưỡng cho hàng trăm lứa học sinh từ tiểu học đến THCS. Với chúng tôi, mỗi lần tổ chức là một lần nỗ lực đổi mới. Làm thế nào các em thiếu nhi cảm thấy thích thú với văn học, có thể phát huy tốt nhất khả năng mới chớm của mình. Làm thế nào để các em nhận được ngọn lửa được truyền từ các thế hệ nhà văn, nhà thơ. Hay làm thế nào các em có thể yêu sách, dành nhiều thời gian cho sách để vun đắp tình yêu với thơ văn... Những trăn trở đó khiến chúng tôi luôn phải cố gắng tìm tòi cách tổ chức trại bồi dưỡng sáng tác mới mẻ, phù hợp với các em và thay đổi theo từng năm.
Khi tổ chức các lớp bồi dưỡng sáng tác cho thiếu nhi, chúng tôi nhận được sự quan tâm từ Hội Nhà văn Việt Nam và nhiều nhà văn, nhà thơ trực tiếp hướng dẫn, lên lớp và giúp đỡ các em. Chúng tôi đưa các em tham gia lớp bồi dưỡng tìm hiểu về văn hóa các dân tộc trong và ngoài tỉnh qua những chuyến đi dã ngoại, thực tế sáng tác và gặp gỡ với bà con, đặc biệt là trải nghiệm văn hóa, ẩm thực các dân tộc… Những hoạt động phong phú, phù hợp với lứa tuổi, kích thích sự say mê tìm hiểu và khám phá của các em phần nào sẽ giúp cho các trại, lớp bồi dưỡng sáng tác có hiệu quả.
PV: Cảm ơn nhà văn Niê Thanh Mai!
Nhà văn Niê Thanh Mai: Hè này, cùng với các văn nghệ sĩ, chúng tôi có những chuyến đi thực tế đến các trường học trên địa bàn tỉnh; đặc biệt về với vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn để trao đổi về tình yêu với sách. Hội VHNT cũng nỗ lực kết nối với nhiều doanh nghiệp hỗ trợ, trao tặng sách cho thiếu nhi. Bên cạnh đó, chúng tôi đã và đang kêu gọi sự đồng hành, hỗ trợ của các NXB trong và ngoài tỉnh trao tặng những cuốn sách dành cho các đối tượng yếu thế, học sinh các trung tâm bảo trợ xã hội...