Họa sĩ Mai Đại Lưu:

“Tranh khổ lớn là con người tôi”

Họa sĩ Mai Đại Lưu tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật vì cộng đồng và nhiều triển lãm cá nhân, nhóm, trại sáng tác quốc tế trong và ngoài nước. Theo đuổi phong cách Tân biểu hiện, sáng tác của anh hướng về những chủ đề lớn như tôn giáo, hòa bình, sắc tộc, trẻ em... Giữa tháng 4 này, anh sẽ giới thiệu triển lãm cá nhân thứ 4 mang tên “Vườn mộng ảo”.
0:00 / 0:00
0:00
“Tranh khổ lớn là con người tôi”

Phóng viên (PV): “Vườn mộng ảo” là câu chuyện hội họa thứ 4 của họa sĩ Mai Đại Lưu, sau “Bay trên bầu trời”, “Tôi là Mai Đại Lưu”, “Trong rừng sâu”. Với những gam mầu chủ đạo là đỏ, cam, xanh, dường như anh đang dẫn người xem đến những cảm xúc mạnh hơn, cô đọng hơn?

Họa sĩ Mai Đại Lưu: Câu chuyện về “Vườn mộng ảo” tôi đã ấp ủ trong 2 năm qua, nói về thế giới trong mộng tưởng, trong những suy nghĩ cá nhân. Vẫn là mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người, tình yêu giữa con người với con người, con người với thiên nhiên dường như là sự gắn kết vô tận. Từ triển lãm “Tôi là Mai Đại Lưu” tôi bước đầu định hình con đường sáng tác sau khi rời ghế nhà trường, sau đó là “Trong rừng sâu” giống như những bước đi ban đầu trên con đường đó. Triển lãm “Vườn mộng ảo” lần này là sự thay đổi về cảm xúc, mầu sắc về những mộng ảo về xã hội, con người ở một thế giới khác. Theo đó, mỗi serie tranh là một câu chuyện tôi đặt ra và giải quyết nó bằng các tác phẩm.

PV: Lý do nào cho việc triển khai 25 bức tranh khổ lớn trên chất liệu sơn dầu mà anh bày lần này?

Họa sĩ Mai Đại Lưu: Trong loạt tranh “Vườn mộng ảo” có những tác phẩm lớn với chiều ngang 400cm, cao hơn 400cm, bên cạnh đó cũng có bức to nhất kích thước 300x848cm, nhỏ hơn là 300cmx636cm, 294x424cm và 300x240cm… Thật ra trong một số câu chuyện trước, tôi cũng không làm tác phẩm có kích thước nhỏ bởi nó không giải quyết được vấn đề mà tôi mong muốn, cũng không thể chuyển tải được cảm xúc, câu chuyện tới người xem. Cũng vì thế mà tôi sử dụng tranh khổ lớn để giải quyết vấn đề của mình.

Tôi khá chú trọng vấn đề bút pháp, mạnh mẽ, uyển chuyển, nếu sử dụng khổ tranh nhỏ sẽ không đủ bút pháp, kỹ thuật để thi triển điều đó. Làm khổ lớn không đơn giản bởi nó tiêu tốn của người họa sĩ nhiều năng lượng, thời gian và vật liệu mầu rất lớn, có khi đến nửa năm trời, nhưng nó đem lại cho tôi cảm xúc rõ ràng, đạt được những điều mong muốn của cá nhân.

“Tranh khổ lớn là con người tôi” ảnh 1

Triển lãm “Trong rừng sâu” của họa sĩ Mai Đại Lưu.

PV: Anh có nghĩ rằng tranh khổ lớn sẽ khó đến tay nhà sưu tập, người yêu hội họa hơn?

Họa sĩ Mai Đại Lưu: Theo quan điểm cá nhân, tranh khổ lớn dễ dẫn dụ người thưởng lãm nghệ thuật theo cách dễ cảm hơn. Điều quan trọng là cách thể hiện như thế nào để dẫn người xem đi vào câu chuyện ấy. Thí dụ những bông hoa trên tác phẩm của tôi sẽ to hơn bông hoa thật rất nhiều lần, hình ảnh người vừa bằng đúng tỷ lệ người thật, phô diễn trạng thái cảm xúc riêng.

Trong 3 triển lãm đầu, số lượng tranh khổ lớn chiếm 80%. Tìm được không gian để treo tranh lớn khó hơn so tranh khổ nhỏ và vừa. Trong giai đoạn đó tôi bán được 5 bức tranh khổ lớn. Con số ấy là không nhiều, chỉ bù đắp được chi phí thuê nhà xưởng và họa phẩm. Tôi vẫn nói với bạn bè rằng: tôi không phải là người bán được tranh.

PV: Khi đối diện với đời thực thì “cơm áo không bao giờ đùa với khách thơ”, anh vẫn tiếp tục cho ra mắt triển lãm thứ 4, lại đang chuẩn bị cho triển lãm tiếp năm 2026 là “Hoa nở cánh đồng”. Điều gì khiến cho anh vẫn tiếp tục sáng tác, chiêm nghiệm?

Họa sĩ Mai Đại Lưu: Tác phẩm khổ lớn là con người tôi. Tất nhiên tôi cũng đang “dịch chuyển” để vẽ những tác phẩm nhỏ hơn, có cơ hội đến với công chúng yêu nghệ thuật khi họ không có không gian đủ lớn để treo tác phẩm của tôi. Tôi vẫn tin còn nhiều người yêu nghệ thuật của mình, yêu con người mình và họ vẫn đang mong muốn tôi làm những việc mình cho là đúng. Chính vì niềm tin ấy đã cho tôi động lực để sáng tạo.

PV: Ranh giới từ kiên định sang bướng bỉnh, cực đoan cũng rất mong manh?

Họa sĩ Mai Đại Lưu: Kiên định với con đường mình đi, nếu bạn thành công thì bạn là người sáng tạo, đổi mới. Nếu bạn thất bại, người ta sẽ nói bạn là người bảo thủ. Một người nghệ sĩ thì phải luôn sáng tạo, đổi mới và cần sự kiên định, thêm một chút bảo thủ. Sự thành công phải hội đủ nhiều yếu tố. Điều quan trọng là phải biết mình đang làm gì, còn nếu đi trong bóng tối hoặc trong sự mù quáng, ảo tưởng thì dễ đi đến sự thất bại, mất niềm tin vào mình. Đó cũng là vấn đề mà tự mỗi người nghệ sĩ phải giải quyết.

PV: Cảm ơn anh đã chia sẻ!