Chủ nhân hai giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam 2023:

Sử thi Tây Nguyên trước nguy cơ mai một

TS Nguyễn Tiến Dũng (Giảng viên cao cấp Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh) vừa nhận liền hai giải của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2023. Đó là Giải nhì A (không có giải nhất) cho công trình sưu tầm giới thiệu sử thi Ba Na “Giông thử tài” (Giông long) và Giải nhì B cho công trình sử thi Ba Na “Chàng Hơ Dang làm vòng” (Dăm Hơ Dang weng kong). Cả hai công trình đều song ngữ Việt - Ba Na, do nghệ nhân A Lưu (80 tuổi) diễn xướng, nghệ nhân A Jar phiên âm và dịch nghĩa.
0:00 / 0:00
0:00
Dịch giả A Jar, nghệ nhân A Lưu, TS Nguyễn Tiến Dũng (từ trái sang) đang ghi âm, ghi hình sử thi ngày 16/4/2017 tại Kon Tum.
Dịch giả A Jar, nghệ nhân A Lưu, TS Nguyễn Tiến Dũng (từ trái sang) đang ghi âm, ghi hình sử thi ngày 16/4/2017 tại Kon Tum.

Phóng viên (PV): Xin chúc mừng TS Nguyễn Tiến Dũng. Anh có thể chia sẻ điểm đặc biệt của hai công trình này?

TS Nguyễn Tiến Dũng: Đây là những “sử thi sống” vì chúng đang được lưu truyền và diễn xướng trong các cộng đồng Ba Na ở Kon Tum. Hai sử thi này đều do nghệ nhân A Lưu hát kể. Ông nhớ và diễn xướng 100 sử thi rất dài và hiện còn nhớ hơn 20 sử thi nữa. May mắn, tôi còn gặp được dịch giả A Jar (người Xơ Đăng) người có hơn 20 năm dịch sử thi Xơ Đăng và Ba Na.

Sử thi “Chàng Hơ Dang làm vòng” kể về quá trình phát triển của cộng đồng Ba Na tìm ra kỹ thuật mới là luyện kim và chế tác trang sức. Điều này phản ánh được sự phát triển về nhiều lĩnh vực của người Ba Na trong quá trình phát triển như nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ và chế tác kim loại. Sử thi “Giông thử tài” kể về các cuộc thử tài để giành người đẹp, phản ánh sinh động đời sống lao động, chiến đấu, văn hóa của người Ba Na xưa. Hai sử thi này cùng với hàng trăm sử thi khác tạo nên bộ sử thi liên hoàn kể về những chiến công trong quá trình chiến đấu, lao động xây dựng cộng đồng Ba Na ở Tây Nguyên.

PV: Trong quá trình sưu tầm anh còn tham gia tìm hiểu và học hỏi thêm tiếng Lào để có những so sánh cụ thể về nét khác biệt giữa sử thi Tây Nguyên và sử thi của các nước bạn?

TS Nguyễn Tiến Dũng: Tôi đã sang Lào để học tiếng Lào, đồng thời nghiên cứu sử thi các nước lân cận với sử thi Tây Nguyên và đã có những bài viết để so sánh sự tương đồng và khác biệt của sử thi Ba Na và sử thi các nước Lào, Campuchia, Thailand. Qua đó, tôi có thể khẳng định rằng sử thi Ba Na nói riêng, sử thi Tây Nguyên nói chung rất độc đáo, mang đặc trưng riêng. Về hình thức, những sử thi Ba Na có sử thi liên hoàn. Trong đó, mỗi sử thi đơn kể một câu chuyện như đi săn, bắt cá, làm nhà rông, làm nhà mồ, làm rẫy, đánh giặc, cưới vợ, kết bạn… Những sử thi của người M’Nông, Xơ Đăng cũng có đặc điểm này. Đây là đặc trưng khác biệt của sử thi Tây Nguyên so sử thi thế giới như “Iliad”, “Odysey” của Hy Lạp hay “Ramayana”, “Mahabharata” của Ấn Độ.

PV: Sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức, kinh phí. Trong quá trình sưu tầm, anh đã gặp khó khăn thử thách gì?

TS Nguyễn Tiến Dũng: Người sưu tầm và nghiên cứu phải hiểu văn hóa của đồng bào Tây Nguyên, phải biết cơ bản tiếng dân tộc để sử dụng trong quá trình sưu tầm, biên tập. Cái khó khăn thứ hai là điều kiện về thời gian và kinh phí. Cần phải có thời gian và kinh phí để đi lại và trả thù lao cho các nghệ nhân. Thứ ba là hiểu biết về sử thi. Hiện nay tôi cho rằng nhận thức lý luận về sử thi nói chung còn hạn chế, nhất là đối với các sử thi mới sưu tầm trong 20 năm gần đây. Ngay cả trong các trường đại học, người giảng dạy và nghiên cứu về sử thi vẫn hiếm hoi. Tôi chưa tìm được các đồng sự để thực hiện công tác sưu tầm.

PV: Vậy cá nhân anh cũng như là Hội Văn nghệ dân gian đã có những khuyến khích động viên như thế nào để các bạn trẻ cùng chung tay?

TS Nguyễn Tiến Dũng: Tôi đã hướng dẫn hai thạc sĩ nghiên cứu về sử thi. Nhưng sau đó vì hoàn cảnh gia đình và công việc nên họ đã không theo hướng nghiên cứu này được. Tôi cũng luôn tìm đồng sự ở các trường đại học nghiên cứu về văn học dân gian để phối hợp nhưng vẫn chưa tìm ra. Tôi được biết, một số trường đại học không có các học phần hoặc chuyên đề nghiên cứu về văn hóa Tây Nguyên. Ở Tây Nguyên có một trường có chuyên đề văn học Tây Nguyên nhưng cũng không thể nghiên cứu chuyên sâu về sử thi của các tộc người. Vì muốn nghiên cứu sâu thì phải dành nhiều năm, thậm chí dành cả đời.

Việc cần làm ngay trong lúc này là phải sưu tầm được các sử thi của các nghệ nhân đang còn sống và có thể diễn xướng. Hiện nay đời sống của nghệ nhân và dịch giả sử thi cực kỳ khó khăn. Những khoản thù lao của người sưu tầm chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ cho một vài người. Vì thế, người sưu tầm phải chạy đua với thời gian để sưu tầm sử thi. Vì nghệ nhân mất thì di sản không còn.

Không gian văn hóa Tây Nguyên đang biến đổi lớn. Tây Nguyên không còn phương thức sản xuất như ngày xưa, phong tục tập quán thay đổi, lớp trẻ không còn mặn mà với sử thi… Những nguyên nhân ấy đã làm cho sử thi mất dần. Một số dự án mở lớp truyền dạy sử thi nhưng theo tôi rất khó thành công, vì nghệ nhân diễn xướng sử thi là một con người đặc biệt. Họ có trí nhớ tuyệt vời, khả năng diễn xướng, ứng tác xuất sắc. Đặc biệt, họ là một “kho tàng sống” về văn hóa dân gian với lời nói vần, tri thức dân gian… Những phẩm chất ấy không phải ai cũng có để truyền dạy trong một thời gian ngắn có thể diễn xướng sử thi.

PV: Cảm ơn TS Nguyễn Tiến Dũng!

TS Nguyễn Tiến Dũng sinh năm 1968. Anh đã xuất bản một số cuốn sách về văn học dân gian Tây Nguyên (chủ yếu của dân tộc Ba Na, Gia-rai, Xơ Đăng ở Kon Tum) như cuốn “Quan hệ Việt - Lào qua góc nhìn văn hóa”, “Đặc điểm nghệ thuật nhóm sử thi Dăm Giông”, “Lời nói vần của người Gia-rai ở Kon Tum”, “Lời nói vần của người Ba Na ở Kon Tum”, “Giông-Giơ” bán ghè thần Rang Blo”, “Thần núi thử thách Giông, Giơ”…