Nhà thơ Kiều Maily:

Bảo tồn để lưu lại và sống

Hơn 10 năm qua, Kiều Maily - nữ nhà thơ, nghệ nhân người dân tộc Chăm được biết đến như một gương mặt nổi bật trong hành trình nghiên cứu, lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc mình đến với cộng đồng và thế giới. Sinh ra và lớn lên trong nghèo khó, từ một cô bé làng Chăm Pabblap (Phước Nhơn, Ninh Thuận), chị ngày thêm nỗ lực, vững vàng trước hoài bão lớn. Thời Nay có cuộc trò chuyện với chị về chặng đường rộng mở…
0:00 / 0:00
0:00
Bảo tồn để lưu lại và sống

Phóng viên (PV): Thưa chị, bắt nguồn từ đâu mà chị sớm có ý tưởng cũng như tâm huyết cho dự án bảo tồn văn hóa dân tộc Chăm?

Nhà thơ Kiều Maily: Ý tưởng để “chăm bón” cho các nét đẹp văn hóa dân tộc mình thì nhiều, xem như là tôi đi tìm lại mình chính trong lòng dân tộc ông bà tổ tiên và lưu lại những điều tìm được cho ký ức tương lai cộng đồng. Như tôi viết khảo cứu cuốn sách ẩm thực, trang phục và đặc biệt với dự án trồng và bảo tồn những cây thuốc nam quý của tổ tiên để làm tiền đề cho việc xây dựng làng nghề thuốc nam gia truyền bao trăm năm nay của người Chăm.

PV: Động lực nào thôi thúc chị bền bỉ, giàu năng lượng với công việc này?

Nhà thơ Kiều Maily: Tôi sinh ra từ Palei, từ bữa cơm gia đình, từ lời ru của mẹ Chăm… tất cả đã hòa quyện tạo thành một động lực vô hình, một động lực như hễ nhạc trống nổi lên là dòng máu chảy sôi động trong người mình, khiến mình tự bộc tay chân cùng nhảy múa. Và tôi nghĩ cái đó chính là một thứ tình yêu vạn năng đã tiếp cho tôi bao nhiêu năng lượng toát ra từ khuôn mặt, đôi tay, đôi chân và cả tâm trí… cộng hưởng với lý tưởng mà tôi đã tự xây dựng từ nhỏ…

PV: Trong quá trình lan tỏa, chị nhận thấy những điều gì đặc biệt?

Nhà thơ Kiều Maily: Trong các chuyến đi, hành lý tôi mang theo là “cái đẹp của văn hóa Chăm”, và tình yêu về Palei (làng) để chia sẻ với các bạn ở các xứ khác mỗi khi có dịp. Điều tôi nhận thấy rằng ở xứ Âu, có lẽ nhờ đời sống của họ đã ổn định lâu đời, họ rất cần những câu chuyện đẹp về văn hóa, về di sản của các dân tộc. Tôi nhận thấy điều ấy từ tình cảm, sự đón tiếp nồng hậu và cả sự thân thiện yêu quý cho dù họ biết tôi đến không phải như là một nhân vật nổi tiếng mà như là một con người hiểu biết và trân quý cái đẹp của văn hóa di sản dân tộc mình.

PV: Ngoài cá nhân, ta cần đến cả một cộng đồng chung tay, chị nhận định thế nào về sự tham gia của cộng đồng Chăm?

Nhà thơ Kiều Maily: Thật sự, từ khi hoạt động văn hóa xã hội dân tộc mình, tôi cũng biết ơn đến cộng đồng Chăm cũng như Việt, chính họ là người tiếp nhiều tinh thần đến với tôi. Cộng đồng Chăm bao nhiêu câu chuyện lớn nhỏ xảy đến khi sống cộng cư hóa với cộng đồng Việt thì với tôi sự tham gia của họ rất cần thiết để đưa văn hóa đẹp của dân tộc mình càng ngày phát triển. Cũng như mọi nơi trên thế giới, không phải lúc nào những hoạt động của mình cũng được hiểu theo nghĩa mà mình xây dựng. Cũng là điều bình thường, theo định luật vật lý. Đặt vấn đề bảo tồn vì trong cộng đồng có xu hướng muốn bỏ đi, đặt vấn đề sàng lọc vì trong cộng đồng có xu hướng không muốn sàng lọc cho nên luôn luôn có vấn đề. Nhưng có vấn đề thì mình mới có cơ hội để tìm cách đóng góp giải quyết. Cộng đồng Chăm, theo ý riêng, lại là một cộng đồng của những con người độc lập, cá tính, nghệ sĩ.

PV: Cần đổi mới, cởi mở ra sao bên cạnh những cách triển khai quảng bá văn hóa theo cách đã quen thuộc?

Nhà thơ Kiều Maily: Chọn lọc để lưu lại và trước hết cũng là để sống. Hiện, trong đời sống công nghệ, đô thị hóa, những giá trị truyền trống đang dần mai một, những tập tục cũng lỗi thời trong những không gian mới. Những sinh hoạt đẹp xưa nay không còn. Thí dụ mỗi dịp đại lễ làng tôi hiện nay hiếm thấy hình ảnh quây quần bên nhau già trẻ, lớn nhỏ cùng làm bánh… vì con cái đi làm ăn xa không về được, vì đi mua bánh ở ngoài tiện và gọn hơn đi mua củi và thiết kế lò đốt. Cũng không còn thời gian không gian cho những hoạt động văn nghệ như xưa đánh trống, đàn hát nhảy múa bên đống lửa. Chế độ mẫu hệ từ giữ gìn mối nghìn đời cộng đồng nay gặp nhiều bất cập. Cội nguồn minh triết xưa cũng nhiều khi bị trộn lẫn trong những làn sóng mê tín chung của xã hội.

Trong tất cả những dịp có thể được, tôi tìm cách sống với bạn bè, hàng xóm, những nghi thức đậm tình của những lễ hội. Tôi vẫn tìm được những cơ hội để hỗ trợ, tổ chức những phong trào mặc trang phục truyền thống Chăm gợi nên những gắn kết với quê hương ông bà, với tuổi thơ làng xóm. Hy vọng tất cả được tìm thấy nhau, được sống trong một không gian an toàn tương đối nào đó trong khi chờ đợi một truyền thống mới đang hình thành.

PV: Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Nhà thơ Kiều Maily sinh năm 1985, tốt nghiệp ngành phát thanh truyền hình. Chị đã giành một số giải thưởng như: Giải B thơ Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam cho tác phẩm “Giữa hai khoảng trống”; Giải khuyến khích Cuộc thi viết chân dung doanh nhân của Báo Văn nghệ năm 2013 cho tác phẩm “Câu chuyện cổ tích hiện đại về cô gái Chăm”. Chị còn xuất bản nhiều sách khảo cứu về lễ hội, ẩm thực Chăm. Năm 2018, Kiều Maily quyết định ra TP Hội An (Quảng Nam), nơi có sự giao thoa, giao lưu sôi nổi, để sáng lập không gian văn hóa Chăm. Năm 2023, chị tham gia nhiều chuyến đi nước ngoài chia sẻ về văn hóa dân tộc mình.