Nhà văn trẻ Đức Anh:

Lao động văn chương cần sự nghiêm túc

Nhà văn trẻ Vũ Đức Anh vừa đạt giải thưởng tác giả trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam. Chia sẻ với Thời Nay, anh cho biết, văn chương trẻ đang bứt phá. Với cá nhân, anh luôn nỗ lực để viết ra các tác phẩm chất lượng, tác phẩm sau phải khác tác phẩm trước.
0:00 / 0:00
0:00
Bìa cuốn “Nhân sinh kép”.
Bìa cuốn “Nhân sinh kép”.
Lao động văn chương cần sự nghiêm túc ảnh 1

Phóng viên (PV): Chúc mừng anh với cuốn “Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời” đạt giải thưởng tác giả trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam. Trước đó, anh đã gặt hái một số giải thưởng, đó là do tài năng, may mắn, hay cả hai?

Nhà văn trẻ Đức Anh: Tôi nghĩ là tất cả đến từ chữ duyên mà thôi. Khi viết tôi cũng không nghĩ đến các giải thưởng. Giải thưởng không nên là đích đến chính của sáng tạo văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, giải thưởng là sự công nhận và khích lệ từ giới chuyên môn và là cột mốc để tạo cho mình hình dung về sự nghiệp phía trước. Giải thưởng cũng tạo cho cuốn sách cơ hội tiếp cận những tầng lớp độc giả mới. Đặc biệt, các giải thưởng uy tín sẽ giúp tôi có nhiều sự trợ giúp hơn từ các chuyên gia, trong các đề tài văn học mà tôi theo đuổi. Ở góc độ khác, tác phẩm cũng tạo cho giải thưởng những làn gió mới.

PV: Việc đạt giải thưởng lần này có tạo áp lực gì cho anh?

Nhà văn trẻ Đức Anh: Giải thưởng Tác giả trẻ là một trong những giải thưởng uy tín, được giới văn chương và các bạn văn tôn trọng. Giải thưởng này đến với tôi đúng vào lúc tôi vào tuổi 30, lứa tuổi đòi hỏi sự trưởng thành, điềm tĩnh nhưng cũng phải quyết đoán khi đứng giữa nhiều lựa chọn, quyết định, không thể lần lữa. Trước giải thưởng này, tôi đã có kế hoạch cho thời gian tới. Nhưng sau khi có giải thưởng, tôi nhận thấy tình hình thực tế thay đổi nhiều. Chỉ sau vài tuần, tôi bỗng có thêm một số lượng độc giả mới, ở những tầng lớp, lứa tuổi khác. Kế hoạch cũ không còn hữu dụng. Dĩ nhiên điều này là áp lực. Bản thân tôi lại còn là người khắc kỷ trong viết văn, tôi luôn đòi hỏi tác phẩm sau phải khác hoàn toàn tác phẩm trước.

Nhưng sau tất cả là trách nhiệm của người viết văn với văn chương của mình. Tôi không muốn đạt một vài giải thưởng rồi sau đó đi xuống. Bây giờ tự thân tôi có thêm những nhu cầu đào sâu, tìm hiểu và dám dấn bước đến những đề tài văn học mà trước đây chưa dám. Muốn như thế, tôi phải có sức khỏe, cải thiện thói quen, khả năng quản lý thời gian, tiền bạc… nhiều lắm. Văn chương cần nghiêm túc hơn. Thật ra ngay cả những nhà văn có bề ngoài và phong cách tài tử, tưởng là “chơi chơi” thôi, nhưng thực ra họ rất nghiêm túc và kỷ luật với văn chương.

PV: Những năm gần đây, nhiều tác giả trẻ được ghi nhận, trao giải thưởng, có phải sân chơi của các cây bút đã rộng mở?

Nhà văn trẻ Đức Anh: Hiện tại, tôi thấy các tác giả ở độ tuổi dưới 30 đang dần xuất hiện nhiều hơn trên văn đàn. Các cuộc vận động sáng tác, các giải thưởng từ trung ương đến địa phương, các cuộc vinh danh của bộ, cục, ban, ngành và thậm chí các doanh nghiệp tư nhân… liên tục ra đời, nâng cao chất lượng. Văn học Việt Nam - riêng trên lĩnh vực sáng tác - đang có một sức sống mới, dựa trên ba điều. Thứ nhất là sự trở lại của nhiều cây bút gạo cội. Thứ hai là sự trưởng thành, từng trải hơn của các cây bút 9x. Thứ ba, sự xuất hiện mới mẻ kèm với công nghệ truyền thông cực kỳ mạnh mẽ của các cây bút “gen Z”. Ba điều này tác động qua lại lẫn nhau. Tôi dự đoán các tác phẩm đạt giải thưởng năm 2024 sẽ còn gây được tiếng vang hơn nhiều.

Riêng ở văn học trẻ, đang có hẳn hai trường phái. Một là những tác giả được đào luyện trong môi trường văn nghệ, báo chí truyền thống. Hai là các tác giả trẻ xuất thân từ các kênh mạng xã hội. Cả hai “luồng” đều mạnh mẽ như nhau. Một bên có những tác phẩm với nhiều ý tưởng tốt. Bên kia với những cuốn sách bán rất chạy, có kỹ thuật kể chuyện nhuần nhuyễn, hấp dẫn. Tôi cho rằng, chỉ trong vài năm nữa thôi, sách văn học Việt Nam sẽ là chủ lưu trên thị trường, giành lại vị thế vốn có của nó. Thật ra vấn đề nằm ở bạn đọc, đang có một lớp độc giả mới với nhu cầu thưởng thức văn chương hoặc truyện giải trí “made in Vietnam”.

PV: Có không ít ý kiến cho rằng, văn chương trẻ vẫn còn thiếu chiều sâu, còn anh nghĩ sao?

Nhà văn trẻ Đức Anh: Thời nào thì văn chương trẻ cũng sẽ không tránh được những thiếu hụt, non tay. Điều này không trái với tự nhiên. Nhưng dựa trên sự đọc của mình, tôi thấy hiện nay các nhà văn trẻ viết rất lên tay. Điều đặc biệt, họ không đóng mình trong những câu chuyện của bản ngã nữa, mà dám đặt ra các câu hỏi, vấn đề mà văn học thế giới quan tâm. Tôi không chắc điều này thì tốt hay không tốt, chỉ dám nghĩ là các nhà văn ở thế hệ mới thật sự nghiêm túc và đam mê nghề văn của mình.

PV: Theo anh, thời gian tới, văn chương trẻ sẽ đi theo hướng nào, cụ thể hơn là sẽ tập trung đề tài gì?

Nhà văn trẻ Đức Anh: Điều này rất khó dự đoán. Tôi nghĩ một số tác giả ở thế hệ Gen Z sẽ tập trung vào các đề tài văn học giải trí hiện đang có thế mạnh trên thế giới như trinh thám học đường, truyện diễm tình tuổi học trò, truyện kinh dị tâm lý hay khoa học viễn tưởng. Với việc được giao lưu, du học và tiếp cận tư liệu dễ dàng hơn như ngày nay, các tác giả sẽ ngày càng “trẻ” hơn, độ tuổi bắt đầu bước vào sáng tác sẽ ngày càng sớm hơn. Đặc biệt các tác giả thế hệ mới thường xuất thân từ các trường học nơi họ được đào tạo bài bản về kỹ năng nghiên cứu, truyền thông, tôi nghĩ rằng họ sẽ không viết một cách đầy bản năng đâu. Một số tác giả khác sẽ hướng đến các đề tài về những yếu tố văn hóa, kinh tế-xã hội Việt Nam quá khứ và hiện tại. Còn một số tác giả đã định hình, có lẽ họ sẽ bứt ra để viết với những phong cách khác, hoặc đề tài khác để thử sức. Ngày cuối tháng 12/2023 và đầu tháng 1/2024 đã có đến chục đầu sách tác giả trẻ ra mắt ở đủ các thể loại truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết và các đề tài đa dạng như dã sử, viễn tưởng, giả tưởng hay kinh dị. Hầu hết đều là các tác phẩm được các đơn vị xuất bản đầu tư tiền để in ấn, truyền thông. Một cuộc nở rộ thật sự.

PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Nhà văn trẻ Đức Anh: Tôi sẽ đầu tư hơn vào nghiên cứu đề tài cũng như độ lắng của câu chuyện. Tôi vẫn hứa với các độc giả rằng mỗi một cuốn tiểu thuyết xuất bản, tôi sẽ mang đến những điều mới mẻ lạ lùng. Nhưng ngoài ra, tôi sẽ viết một tập truyện kỷ niệm tái hiện không khí và văn phong đẹp của thời xưa cũ.