Trà xuân chú nghé ngọn xoan

Tôi về núi với chú em. Tối đến, hai anh em pha trà nhâm nhi trò chuyện. Đúng là “nước khe chè rú, cú cũng thành tiên”. Cân chè tôi mang về là loại tầm tầm, chỉ 300 nghìn đồng một cân, nhưng sao mà thơm thanh ngọt dịu đến thế, tỉnh hết cả người.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: VŨ ĐÌNH TUẤN
Minh họa: VŨ ĐÌNH TUẤN

Hương trà tỏa khắp sân trong ánh sáng le lói bóng đèn từ gian trong rọi ra. Đúng là cái cảnh “Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh hắt hiu”. Ở thành phố điện sáng choang nên tôi thèm ngồi trong cảnh liêu trai này lắm.

Tôi chọn hướng nhìn ra mặt đập nước cho thoáng con mắt vốn khát không gian. Xa xa, mấy dãy núi ban ngày thấy cao thế mà giờ trông thấp tà như một đoạn bờ bao.

Hết chuyện trà, chuyện tửu đến chuyện thơ. Số là chú em thỉnh thoảng cao hứng viết mấy bài gửi cho tôi đọc. Hơn nữa, từ khi hưu xã, chú đặt quyết tâm học thuộc lòng Truyện Kiều để có vốn mà dạy mấy đứa cháu. Trong núi sống thích thảng, không tiêu gì đến tiền nên thật rỗi hơi.

Tôi nói cái chuyện chữ nghĩa trong thơ rồi dần đến chuyện nhà thơ Tố Hữu viết về nghé ăn xoan. Đại ý là, trong một bài thơ của Tố Hữu, ông viết:

Nghé ơi nghé hãy cho ngoan

Xin đừng ăn lá hàng xoan mới trồng.

Được một nhà thơ trẻ góp ý rằng, xưa nay nghé làm gì ăn lá xoan, nó đắng thế, chỉ duy nhất là dê mới ăn lá xoan thôi.

Nhà thơ Tố Hữu nghe thế, nên sửa thành:

Nghé ơi nghé hãy cho ngoan

Đừng xô hàng chuối, hàng xoan mới trồng.

Đấy, em thấy chưa, một chữ mà nhiều năm sau còn phải sửa lại cho đúng.

Cao đàm khoát luận, tôi còn lôi ra một loạt chữ nghĩa từ thơ nôm đến truyện ngắn Thạch Lam để muốn nói với chú là, khi viết gì thì phải thật chính xác, thật đắt.

Tôi nói xong, thấy chú cứ gật gật, nhấp một ngụm trà rồi đưa tay vo vo cái cằm theo thói quen, quay đầu nhìn ra ngoài ngõ xa rồi liếc nhanh vào chuồng trâu. Chú nói:

- Khuya rồi, vô ngủ anh nhỉ.

Tôi nán lại ghé sang vạch võng nằm đu đưa. Dù là đêm mà vẫn chưa đã con mắt ngắm vườn, ngắm núi.

Tiếng khe nước ngoài mép vườn chảy xuôi qua mấy hòn đá mà thường ngày tôi đã quen. Nghe nó như thế nào nhỉ? Không tả được, không tả nổi. Róc rách ư? Không phải. Âm âm, thầm thĩ, thì thầm, êm êm… đều không tả đúng. Chỉ biết nó trong veo, chỉ thấy tiếc hùi hụi khi sự trong trẻo ấy cứ tuôn thâu đêm, ngày này qua tháng khác. Không tả được. Không dùng một từ mà tả nổi tiếng khe buông ấy. Thơ với ca đúng là một cái trò mất ngủ và hại não.

Rồi gà cất tiếng gáy đầu tiên.

Sáng ra, tôi đang ngủ nướng thì chú ấy vào lay dậy. Trời đã sáng banh. Mắt nhắm mắt mở tôi đi qua khoảng ngõ trong đang xúm xít bầy gà tranh thóc với bọn bồ câu đáp trên chuồn xuống. Mặt trời nhô lõm núi đã chiếu sáng hai vai xo xo của chú em.

Chúng tôi đến giữa ngõ ngoài, hai cành xoan chổng ngổng đã được chú dùng câu liêm ngoặc xuống.

- Anh xách cho một cành. Đừng kéo lê nó bẩn mất.

Chưa đến cửa chuồng trâu thì hai cái đầu đã thò ra ngoài róng cổng, một trâu một nghé, nghiêng nghiêng, chân dẫm lịch ịch ra vẻ nóng ăn khi trông thấy lá tươi.

Vừa thả cành xoan xuống, hai con đã vươn cổ lôi vào, ngứt nhai rào rạo, ngon lành. Chú em tôi nói:

- Anh thấy chưa?

- Sao đêm qua chú không nói, ngoặc mất hai cành xoan. Tiếc quá.

- Anh chắc cũng biết chuyện này nhưng xa ruộng nương lâu quá nên quên đấy thôi. Em muốn anh thấy lại tận mắt. Không những trâu nghé mà bò, bê, dê đều thích ngọn xoan cả. Cứ chặt cây xoan là chúng lao vào ngắt ăn cả chồi non. Nhai trèo trẹo. Có điều là, cây xoan thường cao, với không đến nên chúng ít được ăn. Mà càng ít lại càng ham. Còn cây xoan ấy chỉ giữ bóng râm và làm củi được thôi, ròng xốp xáp hết cả rồi. Chủ trại cũ nói người ta trồng từ thời cụ kỵ cơ đấy, dễ gần trăm năm rồi. May mà bên khe nước mà sống dai.

Tôi chăm chú đứng nhìn chú nghé ngấu nghiến nhai ngọn xoan như thể bị thôi miên, như thể chăm chú khi đọc một bài cổ thi vậy. Con trâu mẹ tham ăn hơn, nó dùng cái thân đồ sộ ẩy con nghé khi nó dám thò mõm giật mấy nhành lá non.

Hơi trà đã thoang thoảng thơm ra…