Tìm kênh mới đưa sách vào cuộc sống

Ngoài 42 gian hàng với gần 50 nghìn quyển sách đa dạng thể loại do hơn 30 đơn vị xuất bản, công ty sách triển khai, năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam với hơn 300 hoạt động.
0:00 / 0:00
0:00
Phiên livestream bán sách và giao lưu với độc giả cả nước tại gian hàng Sbooks thu về kết quả khả quan.
Phiên livestream bán sách và giao lưu với độc giả cả nước tại gian hàng Sbooks thu về kết quả khả quan.

Livestream bán sách

Bên cạnh không gian trải nghiệm sách điện tử, sách nói, các ứng dụng số trong việc tiếp cận văn hóa đọc cùng chủ trương thanh toán điện tử, Ngày Sách và Văn hóa đọc tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra từ ngày 17 đến ngày 22/4, có hoạt động mới thu hút độc giả.

Theo đó, một số nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách đã tổ chức các phiên livestream giới thiệu sách, giao lưu với bạn đọc trên nền tảng TikTok. Kết thúc hai phiên livestream giới thiệu và bán gần 200 tựa sách với hàng nghìn bản trên nền tảng TikTok, Công ty cổ phần Sbooks đạt mức doanh thu hơn 250 triệu đồng. Theo Tổng Giám đốc Sbooks Nguyễn Anh Dũng, với hơn 150 nghìn lượt người xem, 200 nghìn lượt yêu thích và thời điểm cao nhất có hơn 1.000 người cùng theo dõi doanh thu của Sbooks tăng gấp 7 lần so mức KPI tự đặt ra lúc ban đầu.

Tại ngày hội, Sbooks còn kết hợp với đại diện TikTok tổ chức livestream về vấn đề Sở hữu trí tuệ, Bảo vệ bản quyền tác giả, Mẹo tránh sách giả và cách Báo cáo vi phạm cho TikTok xử lý. “Hiện nay, phương thức này vẫn chưa được nhiều đơn vị làm sách ưu tiên trong việc truyền thông tiếp cận người mua. Sau khi đầu tư thiết bị, nhân sự để livestream trong ngày hội năm nay, chúng tôi nhận về kết quả rất khả quan nên sẽ tiếp tục đẩy mạnh kênh tương tác, kinh doanh thân thiện này trong thời gian tới”, ông Dũng cho biết thêm.

Truyền cảm hứng đọc sách

Cùng với việc đa dạng hóa các hình thức tiếp cận sách theo hướng tiện dụng, hiện đại, Ngày Sách và Văn hóa đọc còn chú trọng vào tính thân thiện, truyền cảm hứng đọc sách cho người dân trong các chương trình giao lưu, kết nối. Năm nay, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục công bố 10 Đại sứ Văn hóa đọc Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2024-2025. Họ là đại diện trên nhiều lĩnh vực như: xuất bản, báo chí, kinh tế, văn hóa nghệ thuật, học sinh, sinh viên… nhưng có chung một tình yêu sách và mong muốn góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Gương mặt đầu tiên trong số 10 Đại sứ Văn hóa đọc Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ này là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng đã có buổi chia sẻ về tình yêu sách và những câu chuyện liên quan đến sách thật, sách giả với người hâm mộ.

Dịp này, Ban tổ chức ngày hội đã công bố thành lập Câu lạc bộ Đại sứ Văn hóa đọc Thành phố Hồ Chí Minh. Câu lạc bộ sẽ là nơi tạo điều kiện sinh hoạt chung cho các đại sứ văn hóa đọc qua các nhiệm kỳ, chung tay lan tỏa văn hóa đọc cùng những giá trị mà sách mang đến cho người dân. Từ đó, tham gia góp ý các chính sách, chủ trương, góp phần nâng cao tỷ lệ đọc sách và phát triển văn hóa đọc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong chương trình giao lưu “Làm bạn với sách”, nhà văn Phương Huyền, Đại sứ Văn hóa đọc Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2024-2025 đã chia sẻ với độc giả trẻ tuổi và các bậc phụ huynh về giá trị của việc chọn đúng sách cũng như duy trì thói quen hữu ích này. Nhà văn Phương Huyền mong muốn các em học sinh xem sách là người bạn đồng hành giúp bản thân bổ sung kiến thức, kỹ năng, mở rộng ngôn từ để tự tin và phát triển hơn mỗi ngày.

Trong khuôn khổ ngày hội năm nay, tác giả Trung Nghĩa chọn ra mắt tác phẩm “Đọc sách cũng như yêu” (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh phát hành) như một cách truyền cảm hứng đọc đến cộng đồng, đặc biệt là độc giả trẻ. Dày 224 trang, quyển sách góp phần tôn vinh những bạn đọc, người sáng tác, xuất bản có nhiều đóng góp cho sự phát triển văn hóa đọc cộng đồng, đồng thời giới thiệu các tựa sách hay, giá trị đã được xuất bản trong và ngoài nước. “Tôi viết cuốn sách này không gì hơn là để sẻ chia với mọi người tình yêu sách báo, giữ gìn thói quen đọc sách trong thời đại mạng xã hội ngày nay. Chúng ta sẽ không cô đơn và không bao giờ cô đơn với thói quen đọc sách, từ sách in truyền thống đến sách nói, sách điện tử... Những cộng đồng đọc sách đa phương tiện có thể lan tỏa tình yêu thương, niềm hy vọng cho hiện tại và tương lai”, tác giả Trung Nghĩa cho hay.